Giáo sư Trần Đình Hòa với những đóng góp cho ngành Thủy lợi Việt Nam
Thu Hằng -  
(VOV5) - “Trong nghiên cứu khoa học, muốn thành công đều phải có lòng đam mê và tâm huyết với nghề, làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm”. Đó là chia sẻ của Giáo sư Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, vừa được phong Giáo sư trẻ nhất Việt Năm năm 2013.
|
Giáo sư Trần Đình Hòa |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Chia sẻ với phóng viên trong buổi lễ được trao danh hiệu học hàm Giáo sư mới đây, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Giáo sư Trần Đình Hòa bày tỏ vui mừng và xúc động vì những cố gắng, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi suốt chặng đường gian nan đầy thử thách đến nay đã được các cấp lãnh đạo, các thành viên Hội đồng chức danh giáo sư các cấp, các nhà khoa học lão thành và đồng nghiệp ghi nhận. Bồi hồi nhớ lại ký ức ngày đầu bước chân vào nghiên cứu khoa học, Giáo sư Trần Đình Hòa tâm sự: "Quê tôi ở Hà Tĩnh, lũ lụt xảy ra thường xuyên, tôi luôn trăn trở phải làm điều gì đó có ý nghĩa để giúp cho quê hương và đó cũng là mối lương duyên đến với ngành Thủy lợi. Thứ hai trong hồ sơ thi đại học, tôi thấy ngành nông nghiệp phù hợp với cuộc sống hàng ngày của mình. Vào ngành thủy lợi chúng tôi vẫn luôn xác định ngành này hết sức vất vả, nhưng có nhiều thuận lợi. Từ khi còn học ở trường đến khi ra công tác, tôi luôn gặp được những người thầy, người đồng nghiệp tâm huyết, chia sẻ mọi công việc. Tôi được đặt trong môi trường công tác phù hợp với những cái mình đã lựa chọn".
Có lẽ, tuổi thơ nơi quê hương nghèo khó đã luôn ám ảnh trong tâm trí của Giáo sư Trần Đình Hòa, thôi thúc anh từng bước đường sự nghiệp. Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy lợi năm 1992, GS Trần Đình Hòa về công tác tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm với niềm đam mê, lăn lộn với công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với những năm tháng miệt mài và tận tâm với nghề, đã giúp Giáo sư Hòa và đồng nghiệp đạt được một số kết quả bước đầu, mang lại lợi ích thiết thực nhất định cho ngành Thuỷ lợi Việt Nam. Giải thưởng cao quý nhất của nhà nước mà Giáo sư Trần Đình Hòa (đồng tác giả) là Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho Cụm công trình: Ngăn sông đập Trụ đỡ và đập Xà lan, năm 2012.
Đối với nghề nghiệp, có lẽ mỗi người một nghề và đó là số phận. Khiêm tốn nói về mình, GS Hòa cho hay, những kết quả mà giáo sư đạt được là rất nhỏ bé trước những gì mà người dân đang cần và những gì mà các thế hệ cán bộ, nhà khoa học ngành Thủy lợi đã làm được cho đất nước. "Thực ra, có được thành quả ngày hôm nay, tôi thấy trước hết đó là niềm tự hào bản than. Nhưng bất kỳ sự thành công của cá nhân nào cũng có sự hậu thuẫn, nhất là trong khoa học kỹ thuật luôn luôn gắn liền với một tập thể nghiên. Các đề tài nghiên cứu của tôi là thành quả của cả tập thể những nhà lãnh đạo tài giỏi và tâm huyết với những giáo sư đầu ngành về nông nghiệp cùng các đồng nghiệp, cộng sự hết sức nhiệt tình say mê với công việc. Những cái chúng tôi nghiên cứu là các vấn đề bức xúc trong thực tế và khi nghiên cứu xong sẽ quay lại áp dụng lại thực tế" - anh chia sẻ.
Thạc sỹ Thái Quốc Hiền, Giám đốc Trung tâm Công trình Đồng bằng ven biển và đê điều, người nhiều năm làm việc trong nhóm với Giáo sư Trần Đình Hòa cho biết: "Có được kết quả khoa học như hiện nay với tính ứng dụng thực tế cao thì phải nói đến công đầu quan trọng là việc lăn lộn với thực tế của Giáo sư Trần Đình Hòa. Với những nghiên cứu thành công như 2 công trình lớn đó là công nghệ Đập xà lan và công nghệ trụ đỡ do nhóm Giáo sư Hòa thực hiện đã ứng dụng tốt vào cuộc sống nhất là nơi vùng sâu vừng xa. Bản thân giáo sư Hòa khi còn đang ở cơ sở làm việc cùng chúng tôi, giáo sư cũng đi công trường, lăn lộn, ngồi trao đổi với các lãnh đạo địa phương để tìm ra những yêu cầu, những phương thức sản xuất mới nhằm khắc phục những yêu cầu đòi hỏi mà thực tế cuộc sống đặt ra với những người dân làm thủy nông".
Được làm việc trong môi trường tốt, và cho ra đời những công trình khoa học chuyên ngành Thủy lợi đạt nhiều giải thưởng cao như Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Công nghệ ACECC; giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; giải thưởng Bông lúa vàng…, nhưng Giáo sư Trần Đình Hòa luôn trăn trở về những vấn đề khoa học mà nhiều nhà khoa học trong ngành vẫn đang còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của đời sống xã hội. Đó là làm sao để hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản trước thiên tai. Đó là phải làm sao cho “Đất và Nước” được hài hòa, tạo ra hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất cho người nông dân./.
Thu Hằng