(VOV5) - Hơn 50 năm qua, ông Phạm Hùng Anh, ở thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, luôn miệt mài sưu tầm tranh, ảnh, sách báo và các tài liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công việc thầm lặng của ông không chỉ vun đắp thêm tình yêu, sự kính trọng với vị lãnh tụ của dân tộc mà còn góp phần làm lan toả hơn tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
|
Ông Phạm Hùng Anh say sưa kể những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Ông Phạm Hùng Anh vinh dự được 3 lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ông, những cơ may hiếm có đó trở thành kỷ niệm quý giá, tạo động lực để ông sống, chiến đấu và lao động theo tấm gương của Người. Từ tình cảm đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1963, ông bắt đầu sưu tầm, cất giữ những hình ảnh, bài báo về Người. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông vào Đắk Lắk nhận nhiệm vụ tại huyện Krông Pắk với hành trang là những kỷ vật tinh thần ấy. Hơn 50 năm qua, dù một bức hình, một quyển sách cũ, một bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được ông trân trọng giữ gìn. Lặng lẽ sưu tầm, kho tư liệu về Người của ông cứ dày thêm. Đến nay, ông đã có gần 1.000 bức ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong gian phòng khách nhỏ của gia đình, tủ tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Phạm Hùng Anh đặt ở nơi trang trọng. Những quyển sách, bài báo, tấm ảnh về Người được ông cẩn thận xếp theo từng chủ đề như: Thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nguyễn Ái Quốc rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc... Mỗi bức ảnh đều được ông chú thích bằng chữ in kèm theo, ép nhựa cẩn thận, sau đó dán vào khung lớn, sắp xếp theo từng chủ đề. Ngôi nhà nhỏ của ông đã trở nên quen thuộc với nhưng ai muốn tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Lê Thị Tình, vợ ông Phạm Hùng Anh, cho biết: "Một số bạn già thường xuyên đến đọc sách, rồi các anh, các chị, các cháu thiếu niên khi nào cần những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đến hỏi. Cứ cần thông tin gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cứ đến ông Hùng Anh mà hỏi, ông sẽ giúp nên thanh thiếu niên rất hay đến".
Để có được kho tư liệu quý giá này, ông Phạm Hùng Anh đã không quản ngại khó khăn để tìm đến những nơi có nguồn tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần đi như vậy ông lại mong muốn sưu tầm thêm nhiều tư liệu phong phú, chân thực về Người. Hơn nữa, với ông, quá trình sưu tầm cũng là cơ hội để ông được hiểu hơn, thấm nhuần hơn tư tưởng đạo đức của Người. Không chỉ sưu tầm tư liệu, ông còn tích cực tham gia các buổi nói chuyện với các thế hệ trẻ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trương Huy Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pắk, Đắk Lắk, cho biết: "Ông Hùng Anh hiểu từng tấm hình một và giải thích cho mọi người hiểu. Ông là người từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nên những câu chuyện xoay quanh tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lan tỏa, sức thuyết phục rất lớn đối với công tác giáo dục cho thế hệ trẻ".
|
Ông Phạm Hùng Anh tặng khung ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ban Tuyên giáo huyện ủy huyện Krông Pắk, Đắk Lắk |
Năm 2006, Đảng Cộng sản Việt Nam phát động cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Phạm Hùng Anh đã ấp ủ ý định sẽ làm 2 khung ảnh lớn gồm hàng trăm bức ảnh nhỏ về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tâm nguyện giúp thế hệ sau nhớ về Người, hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc. Gần 5 năm miệt mài sưu tầm với tất cả tâm huyết của mình, ông đã hoàn thành được ý định này. Ông Phạm Hùng Anh chia sẻ: "Tôi tặng hai khung ảnh này cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pắk và Đảng ủy xã Vụ Bổn để làm tài liệu học tập. Làm như vậy rất sinh động và giữ được mãi mãi, chủ yếu là để vận động mọi người học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Trân trọng từng tấm ảnh, từng trang tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Hùng Anh coi đó là tài sản vô giá của gia đình. Với ông, đó không chỉ là niềm vui, niềm đam mê, mà còn là lời nhắc nhở bản thân, gia đình và bà con lối xóm luôn ghi tạc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.