Người trưởng xóm hết lòng vì dân bản
Lan Anh -  
(VOV5) - Ở Hà Giang, đá nhiều hơn đất. Người dân sống trên đá, trồng trọt, chăn nuôi trên đá và chết cũng vùi trong đá. Với họ đất quý hơn vàng. Quý là thế nhưng ông Ly Sìa Sính, người dân tộc H’Mông ở xóm Khai Hoang 2, xã Sín Cái, huyện Mèo Vạc đã tặng hơn 300 m2 đất để xây trường học cho con em trong xóm. Không chỉ lo cho tương lai học hành của con trẻ, ông Sính còn là người đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo.
|
Ông Ly Sìa Sính |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hơn 20 năm làm trưởng xóm, ông Ly Sìa Sính cùng song hành với bà con trong xóm từ những việc nhỏ nhất. Chứng kiến cuộc sống thay đổi từng ngày, ông Sính càng quyết tâm đốc thúc người dân hang say lao động sản xuất: "Tôi làm trưởng xóm từ năm 1993. Từ trước năm 1993 đời sống của nhân dân ở đây rất nghèo, mèn mén còn không đủ ăn nhưng từ 1993 lại đây, cuộc sống khá hơn. Người dân trong xóm chủ yếu chăn nuôi gia súc, nấu rượu, mèn mén nhớ thì ăn còn hấu hết đã ăn gạo".
Thổ nhưỡng, khí hậu ở Hà Giang phù hợp trồng cây ngô, chính vì thế mà mèn mén, làm từ ngô xay mịn, hấp chín là món ăn chính của người dân nơi đây. Ông Sính lại là người đi đầu trong việc trồng ngô hai vụ. Và cũng là người đi đầu trong việc trồng lúa. Ông cho biết: "Mình phải làm trước thì họ mới làm theo. Kể cả mở ruộng bậc thang tôi cũng làm trước. Đất họ nhiều nhưng làm được ít nhưng đất tôi ít tôi lại làm được nhiều. và giờ ai cũng mở ruộng và đủ ăn. Ít nhất mỗi nhà cũng trồng 7-8kg giống lúa trở lên. Lúa trồng có một vụ. tháng 6 là cấy, gặt trước tết".
Ngoài cây ngô bao đời bám đá nuôi sống bà con thì con bò cũng là loại gia súc chủ lực ở đây. Mỗi hộ dân ở đây trung bình cũng phải nuôi 1 đến 2 con bò. Hàng ngày họ phải đi xa mới kiếm đủ cỏ cho bò ăn. Có dự án trồng cây cỏ voi, làm thức ăn cho bò, ông Sính cũng phải gương mẫu trồng trước. Ông chia sẻ: "Trồng cây cỏ bò cũng không biết. Họ nói trồng cây cỏ này có ăn được đâu nhưng tôi nói không ăn được nhưng trâu bò ăn được thì sẽ tăng thêm thu nhập cho mình. Trước kia nhà nước còn cho tiền trồng cỏ, tôi làm trước, tôi trồng 3ha. Sau này bà con thấy không phải đi cắt cỏ trên rừng giờ họ học tập. Giờ cả xóm ai cũng trồng. Họ chăn bò không thả nữa mà có đủ cỏ để ăn".
Ông tuyên truyền bà con trồng trồng rau xanh quanh nhà, nuôi thêm gà vịt để phục vụ cuộc sống. Trong bản cũng còn vài gia đình kinh tế còn eo hẹp, cũng có tháng phải đong gạo ngoài chợ, ông Sính bán cho họ với giá thấp hơn ngoài thị trường. "Nhà tôi có 13 người, một năm thừa khoảng 1-2 tấn thóc. Cũng có bán nhưng thường xem trong xóm có nhà nào nghèo thì bán cho. Ngoài chợ mà bán 15000/kg thì tôi bán 10.000/kg thôi. Chúng tôi xem nhà nào hết thực sự thì tôi bán. Tôi không cho được thì tôi bán rẻ hơn. Giảm một tý để giúp đỡ lẫn nhau" - ông tâm sự.
Nhờ chăm chỉ, luôn đi đầu thử nghiệm các phương pháp làm kinh tế, cũng vì thế mà ông là một trong những trưởng thôn được chính quyền và bà con tín nhiệm và nể trọng. Anh Nguyễn Văn Vàng, chủ tịch xã Sín Cái, cho biết: "Ở đây hộ gia đình của anh Sính trên xã có khoảng 20 hộ làm ăn kinh tế khá giả. Chú Sính là hộ đầu tiên làm điểm triển khai các chương trình trồng cây con giống mới, chú ấy là người nhận thức rất nhanh. Cái thứ hai bà con nhân dân trên xã nhận thức mỗi người một khác nên kinh tế mỗi hộ cũng khác".
|
Ông Ly Sìa Sính trước ngôi trường mới |
Kinh tế của người dân trong xóm giờ cũng tương đối ổn định, ông Sính lại trăn trở với việc học hành của con trẻ. Nhìn các cháu đều là con em trong bản phải học trong căn nhà tạm, rách nát, ông Sính xót lắm. Nên khi được tin Hội tuổi thơ và sức khỏe (Vinaes-Cộng hòa Pháp) tài trợ số tiền gần 600 triệu đồng, để xây dựng 2 phòng học khang trang, hiện đại và tiện nghi, song quỹ đất của trường hạn hẹp, ông quyết định tặng mảnh đất hơn 300m2, nơi gia đình ông định xây nhà ở để dựng trường cho các cháu, bởi theo ông: "Làm cho con em mình mà còn học cho mãi đời sau nữa. Nếu ai không cho thì tôi cho không lấy tiền để cho con em mình học. Cán bộ xã cũng xuống chung tay chung sức làm cho con em mình. Công trình này làm rất khẩn trương. Lúc đầu tôi chưa biết làm đẹp như thế này. Tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ ngôi trường này. Tôi cũng tuyên truyền bà con nhân dân ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ cho tốt".
Ở nơi toàn đá nhưng tâm hồn và tình cảm của ông trưởng xóm Ly Sìa Sính cũng như người dân nơi đây sống hết lòng vì người dân trong xóm, vì sự phát triển và no ấm của họ. Trước lúc chia tay, ông trưởng thôn Ly Sìa Sính còn khoe với chúng tôi là cuộc đời ông đã hai lần được ra Hà Nội dự Hội nghị và 2 lần được gặp chuyện trò với Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Những cá nhân như ông Ly Sìa Sính là nhân tố quan trọng và giá trị góp phần xây dựng, thay đổi bộ mặt nông thôn, làng bản./.
Lan Anh