Trả hạnh phúc về cho cha mẹ
Tại hành lang của Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), nhiều ông bố, bà mẹ kiên nhẫn xếp hàng dài, trật tự chờ đến giờ thăm con. Mỗi lần chỉ được vài phút đứng nhìn trái tim non nớt khẽ phập phồng, nhưng thấy con hồng hào, lớn dần từng ngày, họ cảm nhận được phép màu nhiệm từ sự chăm sóc trẻ tận tình của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.
Bác sĩ Lê Minh Trác đang thăm khám cho bệnh nhi |
Con của chị Nguyễn Thu Lan (ở Hải Phòng), sau gần 2 tháng được điều trị tích cực, giờ đã được 1,8kg và chuyển sang phòng cai thở máy. Thu Lan được các cô điều dưỡng hướng dẫn cách quấn tã, bế cho con bú bình và biện pháp căng-gu-ru, mát xa… giúp đường thở và tiêu hóa của con không bị ảnh hưởng bởi các cháu vẫn nhỏ và non nớt hơn trẻ bình thường rất nhiều.
Lần đầu được ôm ấp con, tự tay xúc những thìa sữa mẹ cho con, Thu Lan trào nước mắt. Chị bảo, khi thai được 27 tuần, thấy đau bụng và rỉ ối, gia đình vội đưa chị đến BV Phụ sản T.Ư, hy vọng sẽ kéo dài thêm tuổi thai. Nhưng đến nơi chị có dấu hiệu chuyển dạ, vỡ ối. Ngay hôm ấy, chị sinh bé gái nặng 7 lạng, phải nằm lồng ấp và điều trị tích cực. “Nhìn con nằm lọt thỏm trong lồng ấp, quanh người toàn máy móc và chằng chịt dây rợ, vợ chồng tôi rất xót xa và lo lắng về tình trạng hô hấp, rồi não, thị giác, thính lực… của con không được bình thường. Ngày nào tôi cũng vắt sữa, gửi vào nhờ các cô cho ăn. Thấy con tiến triển từng ngày, tôi vững tâm hơn. Nghe bác sĩ bảo cháu có thể tự thở, bú bình và theo dõi vài ngày nữa sẽ cho ra viện, tôi mừng và hạnh phúc lắm! Với cha mẹ, khi con được sang đây (khu nhà BC) là cả một điều kỳ diệu chị ạ!”, Thu Lan xúc động.
“Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ sơ sinh chỉ ngưng thở 15-25 giây, không có ô-xy lên não là sẽ tử vong. Những đứa trẻ được đưa đến đây điều trị thường bắt đầu như thế”, Nguyễn Thị Thu Trang.
Chị Đặng Thúy Vân, 31 tuổi, ở Hưng Yên, hơn 1 tháng kể từ ngày 2 con chào đời, giờ vợ chồng chị mới được ôm con vào lòng. Vân chia sẻ, sau 9 năm mỏi mòn chạy chữa, làm thụ tinh trong ống nghiệm, may mắn được song thai. Nhưng khi thai kỳ ở tuần 30, Thúy Vân có dấu hiệu dọa sinh non. Đến BV Phụ sản T.Ư, các bác sĩ can thiệp tích cực cũng được thêm 5 ngày. Bởi vậy, lúc mới sinh, cháu gái chỉ nặng 1,3kg, cháu trai 1,4kg phải nằm lồng ấp và hồi sức tích cực.
Chị Vân nghẹn ngào nói: “Chồng em bảo, nghe tin con bị suy hô hấp, phải nằm lồng ấp, tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực... nhưng anh ấy đã giấu em. Hôm sau, thấy em sốt ruột khi nhìn cảnh những giường bên họ ôm ấp, vỗ về mỗi khi con khóc, anh ấy mới cho em biết sự thật. Khi thấy con nằm thoi thóp trong lồng ấp, thương con và cảm thấy mình có lỗi với con. Vậy mà, sau hơn 1 tháng, nhờ sự tận tình chăm sóc của các bác sĩ ở đây, con cứ lớn dần, em mừng lắm!”.
Trong lúc hướng dẫn các mẹ sử dụng liệu pháp căng-gu-ru và mát-xa cho con, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, đây là những bé đã ổn định, có thể tự ăn được. Liệu pháp mát-xa giúp phát triển thần kinh cho trẻ, qua đó thấy trẻ phát triển rõ rệt. Việc hướng dẫn cha mẹ cách cho trẻ ăn, phương pháp phòng tránh bệnh tật và xử lý những cấp cứu cơ bản để tránh tử vong đáng tiếc có thể xảy ra khi ra viện.
Các điều dưỡng đang hướng dẫn cha mẹ mát-xa cho trẻ |
Nhìn đứa trẻ dụi đầu trên ngực mẹ khi ngửi thấy mùi sữa tưởng như rất đỗi bình thường, nhưng với những trẻ sinh non, để có được điều này là một sự nỗ lực, tận tâm của các điều dưỡng. Trước đó, trẻ phải thở máy, thở ô-xy, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc cho ăn phối hợp bằng xông dạ dày với biết bao nguy cơ rình rập bởi các chức năng chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng chưa có. TS.BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Từ khi chúng tôi thực hiện phương pháp mát xa và căng-gu-ru, kết quả đạt được rất tốt. Nhìn ánh mắt ngày càng linh hoạt của trẻ khi được mát-xa, chúng tôi cảm nhận thấy rõ ràng bộ não đứa trẻ đó phát triển tốt. Sau khi khám và đánh giá sự phát triển cả về tâm thần, vận động, thể lực, trẻ có thể ra viện được”, bác sĩ Trác nói.
Hồi sinh những trái tim non nớt
Bác sĩ Trác cho biết, hiện nay, trẻ sinh non tại BV Phụ sản TƯ có tỷ lệ khoảng 18-20%. Tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh lúc nào cũng có khoảng 300 cháu nằm điều trị, trong đó 70-80 cháu phải nằm lồng ấp và điều trị tích cực. Với trẻ dưới 8 lạng, thông thường phải ở lại 2-3 tháng, còn trẻ 5-6 lạng phải 4 tháng mới đủ tiêu chuẩn ra viện. Bác sĩ Trác cho hay: “Trước kia, các cháu được 1,5-1,7kg có thể ra viện. Giờ chúng tôi đang phấn đấu trẻ đạt 1,8kg trở lên, tự thở được, 3 ngày không có cơn tím tái, tự bú mẹ hoặc ăn được sữa xúc thìa thì có thể cho trẻ ra viện”.
Chỉ nghe tiếng tít tít, bíp bíp, ting ting, ro ro…, những người mẹ áo xanh lá cây sẽ phân biệt được đâu là tín hiệu cơn ngừng thở, tím tái, hạ thân nhiệt, thông số lồng ấp thay đổi… Cả ngày, họ tất bật, chạy đôn chạy đáo để xem xét, ghi chép, rồi làm thuốc… Những âm thanh đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những từ mẫu áo xanh.
Hệ thống chăm sóc trẻ sinh non bao gồm máy móc và bác sĩ cùng các điều dưỡng theo dõi 24/24h. Chỉ nghe tiếng tít tít, bíp bíp, ting ting, ro ro…, những bóng áo xanh lá cây sẽ phân biệt được đâu là tín hiệu cơn ngừng thở, tím tái, hạ thân nhiệt, thông số lồng ấp thay đổi… Cả ngày, họ tất bật, chạy đôn chạy đáo để xem xét, ghi chép, rồi làm thuốc… Với 8 năm kinh nghiệm, điều dưỡng Mai Thanh Hải kể, ngày đầu trực tua, nghe tiếng máy kêu ro ro suốt ngày, chị ong đầu đến tận hôm sau. Nhưng đến nay, những âm thanh đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Điều khiến các điều dưỡng và bác sĩ ở đây lo lắng nhất là nguy cơ có thể xảy ra hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, vàng da, viêm ruột hoại tử… Bởi vậy, sự tập trung theo dõi cao độ là tối quan trọng, nếu không, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Trang đang hướng dẫn mẹ chăm con.
|
Điều dưỡng Mai Thanh Hải cho biết, công việc ở đây rất áp lực, mọi người gần như không có ngày nghỉ Tết. Ngoài được đào tạo chuyên môn ở trường, các điều dưỡng phải trau dồi, học thêm mới có thể chăm sóc tốt cho trẻ. Rồi Thanh Hải dẫn tôi sang phòng điều trị tích cực. Ở đó, mỗi bệnh nhi có tới vài cái màn hình xung quanh và 4 - 5 y tá, bác sĩ xúm vào làm phương pháp lạnh não. Đây là kỹ thuật cao để chống phù não. Bỗng tiếng những bước chân sầm sập từ tầng trên chạy xuống thông báo: “Phòng đẻ báo về có cháu thở máy nhé!”, lập tức các bóng áo xanh tất bật, người bóp bóng, người đặt ống nội khí quản, người chuẩn bị thuốc, lồng ấp và điều chỉnh thông số, sẵn sàng đặt máy thở… Sau một hồi “cân não”, các “thiên thần” áo xanh ai nấy lấm tấm mồ hồi, thở phào nhẹ nhõm khi trẻ đã qua cơn nguy kịch.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ sơ sinh chỉ ngưng thở 15-25 giây, không có ô-xy lên não là sẽ tử vong. Những đứa trẻ được đưa đến đây điều trị thường bắt đầu như thế.
Tôi hiểu, cùng với việc điều trị, chăm sóc tỉ mỉ chu đáo cho bệnh nhi, còn là sự nâng đỡ, sẻ chia yêu thương của các “từ mẫu” nơi đây, đã giúp các con cứng cáp và được về với bố mẹ. Chính sự cần mẫn, lặng thầm chăm sóc bệnh nhi 24/24h của những bóng áo xanh này đã làm hồi sinh những trái tim yếu ớt.