Ông Tổng giám đốc hết lòng vì công nhân nghèo

Đó là Anh hùng lao động Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 3.

22 năm gắn bó với Công ty may Sài Gòn 3, đưa công ty chuyển đổi sang cổ phần, đi lên trở thành đơn vị anh hùng lao động trong ngành may mặc cả nước và cá nhân ông cũng là một anh hùng, thế nhưng ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc vẫn luôn trăn trở về đời sống của người lao động.



Hơn ai hết ông hiểu rằng: ngành may mặc vốn là ngành khó khăn, có đông lao động phổ thông, công nhân phần lớn đều xuất thân từ những vùng quê nghèo ở mọi miền đất nước. Chính những người lao động này là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của công ty. Vì vậy, giúp cho công nhân có việc làm ổn định, nâng cao đời sống là mục tiêu mà ông đặt ra đối với lãnh đạo công ty.

Ông Tổng giám đốc hết lòng vì công nhân nghèo  - ảnh 1
Anh hùng lao động, Tổng giám đốc Phạm Xuân Hồng (ảnh Cao Thoa)

Anh hùng lao động –Tổng giám đốc Phạm Xuân Hồng tâm sự: “Sài Gòn 3 đã trải qua những giai đoạn thăng trầm. Những lúc đó niềm tin của người lao động, tập thể lao động luôn hiện hữu trong suy nghĩ của tôi. Có những lúc khó khăn chúng tôi phải đi mượn tiền để trả lương cho công nhân, hoặc là bán cái này, bán cái kia, bán hàng tồn kho để tích cóp lại, chia sẻ với người lao động. Từ đó mọi người phấn khởi, có thêm niềm tin cùng vượt qua khó khăn đi lên. Sài Gòn 3 có được như ngày hôm nay là nhờ công sức rất lớn của người lao động. Mình chỉ là góp phần rất nhỏ trong thành công đó”.

Vào những thời điểm công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 2008, 2009, nhiều ý kiến đề nghị giảm bớt lao động để duy trì sản xuất, đảm bảo được lợi nhuận, thế nhưng ông Phạm Xuân Hồng vẫn kiên quyết tìm mọi cách giữ lao động lại. Ông quyết định giảm lương của Hội đồng quản trị cùng với nhiều khoản chi phí khác để duy trì lực lượng lao động, không để họ phải nghỉ việc.


Sau thời điểm khó khăn đó, nhiều công ty ngành may mặc xuất khẩu lại nhận được nhiều hợp đồng. Và trong lúc nhiều doanh nghiệp khác lao đao vì thiếu công nhân thì ở Sài Gòn 3 máy và các chuyền vẫn chạy đều với 2.800 công nhân làm việc tấp nập nhộn nhịp để giao hàng đúng hạn. Hằng năm cứ sau dịp tết Nguyên Đán, nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu lao động thì Sài Gòn 3 lúc nào cũng đảm bảo đủ quân số 100%. Những lúc đó nhiều người trong ngành mới thấy phục về sự nhìn nhận sâu sắc của ông.

Quyết đoán trong công việc, giàu kinh nghiệm trong việc thỏa thuận ký kết hợp đồng, luôn giữ uy tín với các đối tác nên vị Tổng giám đốc ngành may này luôn được đồng nghiệp, khách hàng nước ngoài nể trọng. Chính vì vậy mà công ty cổ phần may Sài Gòn 3 lúc nào cũng nhận được nhiều đơn hàng, thậm chí nhiều khi với giá cao hơn mức thông thường.


Hiện nay, Ngoài thị trường xuất khẩu là Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu và một số nước khác, Sài Gòn 3 đang phát triển thêm thị trường mới, như: Hàn Quốc, Đông Âu, Nam Mỹ…Trong lúc nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, thất nghiệp, Sài Gòn 3 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ làm hàng FOB (tức là mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm chứ không làm gia công), nên lương bình quân của công nhân Sài Gòn 3 luôn được đảm bảo 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là một mức lương mà không phải công ty may mặc nào cũng có thể đạt được.  

Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng: thành công của Sài Gòn 3 là nhờ có bộ máy lãnh đạo đoàn kết, hiểu nhau, đồng cảm có chung chí hướng phát triển và đặc biệt là có một đội ngũ lao động có tay nghề gắn bó mật thiết với công ty.

Ông Tổng giám đốc hết lòng vì công nhân nghèo  - ảnh 2
Công nhân Công ty may Sài Gòn 3 kiểm tra sản phẩm. (ảnh: Sài Gòn tiếp thị)


Công ty Sài Gòn 3 có một môi trường làm việc rất thân thiện được tạo ra bởi tính cách bình dị của vị Tổng giám đốc đáng kính này. Xuất thân là một cán bộ Thành đoàn rồi đảm nhiệm công tác Đảng tại Sở công nghiệp TPHCM, vì vậy trong ông vẫn còn rất nhiều nhiệt huyết để góp phần tạo dựng phong trào đoàn thể.


Ở Công ty này, công nhân có con đi học được hỗ trợ tiền hàng tháng và cấp học bổng đến trường. Riêng những trường hợp khó khăn, ốm đau được trợ cấp thường xuyên. Có nhiều công nhân bệnh nặng, chi phí chữa bệnh mỗi ca hết cả trăm triệu đồng nhưng vẫn được công ty chăm lo toàn bộ…Đích thân ông Phạm Xuân Hồng và các tổ chức đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi ân cần. Đặc biệt, từ sự gợi ý của ông trong hoạt động đoàn thanh niên, một Chương trình phát thanh nhà xưởng đã được ra đời và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của công nhân công ty may Sài Gòn 3.


Ông Phạm Xuân Hồng cho biết: năm nay Sài Gòn 3 có thể đạt doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, tăng hơn năm ngoái khoảng 10%, nhưng lợi nhuận sẽ đạt thấp hơn vì chi phí quá cao. Lợi nhuận dù thấp nhưng thu nhập và đời sống của công nhân vẫn phải được nâng lên. Ông tâm niệm: Cho người lao động, người lao động, thì không gọi là mất mà là được. Được là được niềm vui và hạnh phúc”./.

Cao Thoa/VOV

Phản hồi

Các tin/bài khác