(VOV5) - Minh Phạm cũng có dự định sẽ có những bộ ảnh khám phá lại khắp quê hương Việt Nam, khi còn giữ được góc nhìn tươi mới của người mới trở về cố hương.
Mới đây chúng tôi đã cùng quý thính giả gặp gỡ tác giả Minh Phạm, người Mỹ gốc Việt, trước cuộc ra mắt sách ảnh Hanoi Hanoi của ông - cuốn sách đã được xuất bản nhằm quyên tiền cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được cử làm Trưởng đại diện của Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc tại một số quốc gia như Lào, Jamaica và Maldives. Minh Pham cũng kiêm đại diện của UNDP tại những quốc gia đó. Làm việc hơn 25 năm cho Liên hợp Quốc tại New York, Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ và vùng Caribe, ông về hưu năm 2014.
Trở về theo vợ là người Italia làm việc tại Hà Nội, Minh Phạm sống tại Việt Nam hơn 1 năm rưỡi qua, khám phá lại đời sống Hà Nội mà ông đã rời xa từ khi còn thơ bé, qua niềm vui nhiếp ảnh bằng điện thoại di động, cũng như làm thiện nguyện. Ông cũng có dự định sẽ có những bộ ảnh khám phá lại khắp quê hương Việt Nam, khi còn giữ được góc nhìn tươi mới của người mới trở về cố hương.
Tác giả Minh Phạm - Ảnh: P.Hà |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa anh, thính giả đã được biết tới anh như là một chuyên gia Liên Hợp Quốc, người có gốc ở Hà Nội và cũng đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh có thể chia sẻ nhiều hơn với thính giả về những nét chính trong cuộc sống của mình?
Minh Phạm: Gia đình tôi ở Hà Nội, gốc bố mẹ tôi là Hà Nội, bố mẹ di cư vào Sài Gòn vào năm 1954. Tôi lớn lên Sài Gòn và sau đó rời Sài Gòn đi Mỹ vào năm 1975. Khi học xong thạc sĩ ở New York, tôi gia nhập Liên hiệp quốc. Tôi làm việc cho Liên hiệp quốc được hơn 25 năm từ New York, qua tới châu Phi, châu Á và Nam Mỹ và những vùng Caribe.
Khi ra trường, tôi chuyên về ngân hàng và tiền tệ quốc tế. Tôi có hai lựa chọn: một là làm cho một ngân hàng ở New York và tình cờ Liên hiệp quốc phỏng vấn tại trường, tôi mới làm đơn xin việc ở đó, được họ chấp nhận. Tôi nghĩ mình muốn đi du lịch, tôi muốn nhìn khám phá thế giới và sau đó tôi có thể trở lại làm ngân hàng cũng được. Nhưng sau khi gia nhập Liên hiệp quốc rồi tôi không muốn trở lại nữa. Tôi rất thích công việc này.
Tôi đã về hưu được vài năm. Khi về hưu, tôi có thì giờ tìm hiểu thêm những gì tôi thích. Như là tôi rất thích nấu ăn, rất thích. cơm ý, rất thích cơm Việt Nam. Tôi tự tập làm bánh mì với men tươi, tuần nào cũng làm. Sau đó, nhiếp ảnh là một sự khám phá rất tình cảm. Hiện nay tôi đang cố học tiếng Italia vì đó là tiếng của vợ tôi.
PV: Anh nói nhiếp ảnh là một sự tình cờ. Tình cờ như thế nào ạ?
Minh Phạm: Tình cờ là tại vì không biết là cách nhìn của mình như thế nào, nhưng mà khi tôi chụp ra, cho mọi người xem, hay là tôi đăng trên facebook, thì có rất nhiều phản hồi. Và họ rất thích. Từ đó, cộng thêm với sự cổ động của vợ, tôi mới khám phá ra có thể mình có khả năng mà mình chưa hiểu được, tại sao mình không tìm hiểu thêm.
PV: Khi mà chụp ảnh như một thú vui, như một khám phá mới lạ như vậy, thì cuối cùng, hai lần, anh làm đều là để ra mắt sách ảnh và để ủng hộ hỗ trợ cho những hoàn cảnh rất khó khăn, rất đặc biệt ví dụ như là phụ nữ đơn thân, trẻ em ở Myanmar, hay là nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Có một điểm xuất phát nào cho những niềm vui của sự chia sẻ, sự cảm thông này?
Minh Phạm: Công việc của tôi ở Liên Hợp Quốc là để giúp cho những quốc gia phát triển và giúp giảm nghèo tại quốc gia đó. Thành ra ý nghĩ để đóng góp thêm cho cộng đồng hoặc những người mẹ độc thân, hoặc những em bé bị nạn của chất độc da cam thành một phản xạ tự nhiên của tôi.
PV: Chính vì thế cho nên những hoạt động liên quan đến nghệ thuật nhưng anh chị vẫn muốn có ích nhất định?
Minh Phạm: Vâng, nghĩa là mình dùng vẻ đẹp để có thể giúp hay giảm được sự đau khổ của người khác.
PV: Như anh kể chuyện, anh đã công tác qua rất nhiều các quốc gia khác nhau, mỗi nơi đều có một vài năm để sống. Anh là một minh chứng rõ rệt nhất cho việc một người làm công việc của thời toàn cầu hóa, đa quốc gia, thì đối với anh khái niệm trở về NHÀ có gì khác biệt so với những người khác không?
Minh Phạm: Tôi nghĩ một khi mình gốc người Việt mình không thể nào quên được cái gốc của mình hết. Nhưng lý do thực tiễn nhất tại sao tôi về đây là vì vợ tôi công tác ở đây trong 3 năm.
Chúng tôi đã sống trong môi trường rất lâu, thành ra cuộc sống của chúng tôi từ hai mươi mấy năm qua đều là đi từng xứ một. Cứ mỗi 3 năm lại dọn. Đi từ Bhutan tới Nepal, trở về New York, trở về Lào, về Philippines... Thành ra Nhà của chúng tôi là nơi mà chúng tôi ở chung, chúng tôi sống chung với nhau.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.