(VOV5) - 3000 bản sách của lần ấn bản đầu tiên hết veo chỉ sau ...5 ngày ra mắt.
Lần đầu tiên, tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, người Việt ở Mỹ cho ra mắt tại Việt Nam một cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ với nhan đề “Dạy con trong hoang mang”, như một sự chia sẻ, trải nghiệm với chính người đọc Hành trình chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ.
Anbooks là một cái tên mới trong làng sách, một công ty sách nhỏ, nhưng với sự ra mắt ngoạn mục của “Dạy con trong hoang mang”, khi chưa đủ một vòng “ra mắt sách” từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đến Huế, Đà Nẵng, thì 3000 bản sách của lần ấn bản đầu tiên hết veo chỉ trong… 5 ngày, và nhà xuất bản đã phải tái bản 3000 cuốn tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương và chị Ngô Phương Thảo, giám đốc Anbooks tại buổi ra mắt sách ở Hà Nội |
Một độc giả tại buổi ra mắt sách tại Hà Nội, chị Ngân Hà, biên tập của chương trình phát triển năng lực toàn diện Novastars cho biết, những người đọc như chị mong đợi buổi ra mắt sách này đã lâu, từ khi mới nghe tin sẽ có cuốn sách về đề tài này: “Vì đây là một quyển sách giải quyết được rất nhiều câu hỏi, các vấn đề nóng bỏng của xã hội bây giờ về việc nuôi dạy con. Đấy là với phụ huynh. Còn với đối tượng làm nghề giáo dục, giáo viên hoặc các nhà nghiên cứu tâm lý học thì đây là một cuốn sách vô cùng bổ ích vì có những nghiên cứu khoa học về tâm lý mới nhất mà tác giả cập nhật vào đây nhưng thông qua những câu chuyện rất gần gũi, giản dị để có thể truyền cảm hứng cho người đọc.”
Một góc khán phòng |
Có lẽ sức hút của cuốn sách bắt đầu từ tên tuổi của tác giả: tiến sĩ Lê Nguyên Phương. Ông hiện đang giảng dạy tâm lý học đường tại Mỹ. Ông đã có hơn 15 năm tư vấn học đường, là người đầu tiên nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của tổ chức Tâm lý học đường quốc tế ISPA. Hơn chục năm qua ông đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối để phát triển ngành tâm lý học đường tại Việt Nam. Hành trình của ông, cũng là hành trình của một nhà khoa học xã hội trong những nỗ lực vì hạnh phúc thực sự của trẻ em. Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, quá trình hình thành tác phẩm cũng là con đường “hòa giải với quá khứ tuổi thơ của mình”, cũng như dung hợp hai nền văn hóa Việt Nam và Âu Mỹ: " Tôi vẫn mong muốn làm điều gì đó có sức ảnh hưởng cũng như có thể giúp được rất nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam trong vấn đề nuôi dạy con cái. Nhưng ban đầu ý tưởng viết sách lại không đến với tôi. Tôi chỉ nghĩ tới việc xây dựng một tổ chức, mời các giáo sư đầu ngành tại các trường danh tiếng tại Hoa Kỳ về làm việc tại Việt Nam, nâng cao trình độ cho các giảng viên trong ngành. Nhưng cách đây một năm sau buổi nói chuyện tại trường Trí Đức, Sài Gòn thì cô Ngô Phương Thảo, giám đốc công ty Anbooks xin gặp, nói chuyện về giáo dục Việt Nam, chia sẻ những thắc mắc, băn khoăn về hiện trạng giáo dục, đặc biệt là giáo dục tại gia của phụ huynh và ông bà, đặc biệt ở lứa tuổi từ khi mới sinh ra đến 14-15 tuổi. Cô thuyết phục tôi viết”.
|
Và có lẽ, sức hút của cuốn sách cũng từ chính đề tài “nóng bỏng” mà “nhà sách” đã đặt hàng người viết, như trong lời tựa cuốn sách: “xuất phát từ ước mong tìm kiếm cho độc giả những tri kiến về dạy con, tìm đến sự “minh triết tự thân” trong chính con cái mình, đạt được sự ung dung thanh thản trong vai trò làm cha mẹ”. Chị Ngô Phương Thảo, giám đốc công ty Anbooks cho biết: “Khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách này, Ban biên tập Anbooks đã tiến hành một khảo sát nhỏ thông qua ứng dụng khảo sát của Google, để tìm ra những đề tài các bố mẹ đang quan tâm trong việc nuôi dạy con mình. Bảng khảo sát gồm 20 câu hỏi chính và để mở cho một số đề tài khác mà các bố mẹ bổ sung thêm. Kết quả, có 25 chủ để các bố mẹ trên khắp cả nước quan tâm đã được đề cập đến trong cuốn sách này, ở dạng từng bài viết riêng lẻ. Căn cứ vào những hiểu biết sâu sắc trên cơ sở khoa học, bằng việc đối chiếu những vấn đề dạy con của bố mẹ Mỹ và bố mẹ Việt Nam, chúng ta thấy rằng, thực sự, nỗi lo và gánh nặng của người làm cha mẹ trên khắp thế giới này cũng giống nhau.
Khác biệt lớn nhất của Dạy con trong hoang mang và những cuốn sách khác trên thị trường hiện nay, chính là kết nối sự đứt gãy thế hệ giữa các thế hệ khác nhau. Thế hệ của ông bà có tư duy khác với thế hệ của cha mẹ trẻ, như vậy con sẽ bị bối rối không biết giữa giá trị của ông bà và giá trị của bố mẹ khác nhau như thế nào và nên nghe ai. Câu trả lời lớn nhất là tự chuyển hóa chính mình. Vì khi đó đặt mình ở vai trò của ông bà, để hiểu nỗi khổ ông bà đã trải qua. Phía ông bà thì sẽ hiểu được tư duy và nếp nghĩ của con trẻ bây giờ. Cuốn sách nối liền sự chia sẻ này giữa các thế hệ. Đó là lý do tại sao bản chất của việc dạy con là chuyển hóa chính mình để dạy con tốt hơn.”
Tác giả "Dạy con trong hoang mang" ký tặng sách cho độc giả |
Từng có những đoạn viết đầy chất văn chương về những lát cắt nhỏ của “tâm lý cuộc đời” trên mạng xã hội, cũng như viết nhiều giáo trình giảng dạy ngành tâm lý, nhưng đây là lần đầu tiên Lê Nguyên Phương có một cách “tiếp cận” mới với công chúng để chia sẻ những kinh nghiệm về tâm lý giáo dục. Tuy nhiên, cái khó với một nhà khoa học đã quen viết giáo trình giảng dạy, là để hình thành nên cuốn sách hấp dẫn ngày hôm nay, ông cũng phải “tìm lại chính mình” để có thể chia sẻ kiến thức đối với bạn đọc đại chúng. Cuốn sách đã trải qua ba lần bản thảo, từ hai lần đầu tiên như sách giáo khoa, giáo trình dạy học viết trong hàng năm trời, cho tới lúc ông “Nổi hứng viết trên facebook bài Anh hùng đa lệ, tôi viết bằng giọng nửa đùa, nửa trích dẫn văn chương, nói về khoa học và tâm tình. Cô Thảo nói: Đó chính là giọng văn của anh rồi. Anh viết theo cách này.” Cuốn sách ra đời từ sự tích lũy kinh nghiệm của một đời người nghiên cứu tâm lý giáo dục, nhưng 29 bài trong đó được “rút ruột” viết trong 30 ngày, như là lời tâm tình của người bạn cho người bạn, của đứa con cho cha mẹ, của người đi trước cho những đứa trẻ đang lớn lên, và như lời chia sẻ những kiến thức mới trong ngành khoa học này với đồng nghiệp trong nước.
Một điều khá đặc biệt của cuốn Dạy con trong hoang mang, là người làm sách đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới, khi hướng dẫn độc giả có thể scan Qr Code từ trang sách để tham khảo thêm tư liệu chuyên sâu, những nguồn tài liệu gốc bằng tiếng Anh mà tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã dẫn, cũng như lập trang fanpage để các bậc phụ huynh có thể thông qua đó trao đổi, đặt câu hỏi với tác giả.