(VOV5) - Ở tỉnh Nakhon Phanom hiện có khoảng 1600 gia đình với dân số khoảng 10 nghìn người.
Tỉnh Nakhon Phanom, nằm phía đông bắc Thái Lan. Đây là nơi có đông người Thái gốc Việt sinh sống nhất và có khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Thái Lan. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay đời sống kinh tế của bà con Việt mình vững chắc lên rất nhiều. Hội Thái Việt cũng ngày càng phát triển và luôn là điểm tựa tinh thần cho cộng đồng người Thái gốc Việt ở đây. Chương trình hôm nay, PV Hà Linh trò chuyện với ông Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch Hội Thái Việt ở Nakhom Phanom để hiểu thêm về cuộc sống của bà con kiều bào:
Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:
Ông Nguyễn Văn An- trưởng Đoàn Cựu giáo viên kiều bào Thái Lan về thăm quê hương mới đây. |
PV: Xin chào ông Nguyễn Văn An. Ông có thể kể chút về cuộc sống hiện nay của bà con người Việt mình ở tỉnh Nakhon Phanom.?
Ông Nguyễn Văn An: Ở tỉnh Nakhon Phanom hiện có khoảng 1600 gia đình với dân số khoảng 10 nghìn người. Thế hệ lâu đời nhất phần nhiều tản cư sang Thái Lan từ năm 1945. Trải qua nhiều năm tháng khó khăn, mưu sinh nơi xứ người, đến nay có rât nhiều người Việt mình mở được siêu thị lớn, sở hữu nhiều tiệm vàng, cửa hàng quần áo lớn, hàng ăn nổi tiếng Thái Lan. Nói chung, đời sống của bà con trong 10 năm trở lại đây khá giả hơn rất nhiều. Thế hệ con cháu Việt kiều ở tỉnh Nakhon Phanom học hành chăm ngoan và thi vào các trường đại học lớn của Thái. Có nhiều cháu trở thành bác sĩ giỏi và làm việc tại các công ty lớn. Thế hệ con cháu càng ngày càng tiến bộ hơn và giỏi giang thời ông cha chúng. Đặc biẹt, con em Việt kiều chúng ta nói chung là ngoan ngoãn, hiền lành. Các gia đình ở đây đều từa tựa nhau trong cách nuôi dạy con cái, tức là cùng làm ăn buôn bán, bày bảo con làm điều hay điều tốt không vi phạm pháp luật của nước Thái. Cha mẹ, bà con làng xóm bảo ban, nhìn nhau sống và noi gương nhau để làm sao các con hạn chế mắc tệ nạn xã hội như nghiện hút ma túy, trộm cắp…
Ông Nguyễn Văn An ( ngoài cùng, bên phải) cùng các kiều bào Thái Lan trong chuyến thăm Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
PV: Xin Ông cho biết những hoạt động giúp gắn kết cộng đồng người Việt tại Nakhon Phanom cũng như sự hòa nhập của kiều bào ta với nước sở tại như thế nào.?
Ông Nguyễn Văn An: Kể từ khi có hội Thái Việt, có thể coi giống như một cơ sở chính thức để chính quyền địa phương Thái Lan thường xuyên gặp gỡ hay trao đổi khi có việc gì liên quan đến kiều bào mình. Đối với phong tục tập quán, pháp luật của nước Thái, bà con người Việt từ hồi tản cư sang luôn tôn trọng. Ngoài ra, những ngày lễ đặc biệt của nước sở tại bà con Việt đều tham gia nhiệt tình, cũng diện áo dài, trang phục truyền thống tham gia diễu hành, biểu diễn văn nghệ cùng các đội múa của người Thái bản địa. Gần nhất là sự kiện kỷ niệm 232 năm của tỉnh Nakhon Phanom, Hội Thái Việt cũng cử các đội múa hát tham gia tiết mục. Ngoài ra, Hội thường xuyên tổ chức các sự kiện như nấu cơm, bán hàng, biểu diễn văn nghệ từ thiện để vận động quyên góp tiền ủng hộ bà con gặp khó khăn cũng như gửi về quê hương Việt Nam qua Tổng lãnh sự quán. Mấy năm nay, chúng tôi về Việt Nam trực tiếp trao cho người dân, như vừa rồi đi 3 xe ô tô chờ lương thực quần áo, đồ dùng về tận ở Quảng Bình và Hà Tĩnh để trao tận tay cho bà con bị lũ lụt.
Làng Bác Hồ ở bản May là một điểm du lịch ở Nakhon Phanom. Ảnh báo Thanhnien |
PV: Một trong những yếu tố để gìn giữ bản sắc văn hóa Việt chính là việc giảng dạy ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Vậy xin ông cho biết về hoạt động dạy học tiếng Việt ở tỉnh Nakhon Phanom hiên nay.?
Ông Nguyễn Văn An: Trong vài năm trở lại đây, phong trào học tiếng Việt không những ở Nakhon Phanom mà nhiều ở tỉnh khác ở Thái Lan phát triển rất mạnh. Ngoài việc dạy tiếng Việt ở trường như một ngoại ngữ thì các thầy cô giáo già cũng mở lại các lớp dạy tiếng Việt ở nhà, khoảng 10-15 em vào thứ 7 hoặc chủ nhật. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người công chức Thái tìm học tiếng Việt cho mục đích du lịch, học tập, kinh doanh làm ăn với Việt Nam. Các thầy cô đều tinh nguyện dạy miễn phí. Một điều đặc biệt nữa là Bộ Ngoại giao Việt Nam mấy năm qua đều đặn tổ chức các lớp huấn hay mời những giáo sư ở Việt Nam sang Thái Lan trực tiếp đào tạo các thầy cô giáo Thái gốc Việt hay cho các thầy cô về thăm quê hương hàng năm.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom. Ảnh báo Hà Tĩnh |
PV: Có thể thấy, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào của bà con kiều bào ta ở Nakhon Phanom. Đây không chỉ là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam, Thái Lan mà còn là một địa chỉ đỏ cho nhiều thế hệ Việt Nam đến tìm hiểu và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải không thưa ông?
Ông Nguyễn Văn An: Du lịch tỉnh Nakhom Phanom phát triển mạnh,nhất là kể từ khi có khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh hay gọi là làng Bác Hồ. Nơi đây rất đep, có cổng vào lớn, có cầu, có thác nước, đằng sau là núi. Sống xung quanh các ngôi nhà xanh sạch đẹp của bà con bản Mạy. Không chỉ người Việt mình mà cả người Thái khi đến Nakhon Phanom lễ chùa, lễ ông thần Rắn đều ghé qua khu du lịch làng Bác Hồ. Đây là công trình do Chính phủ Việt Nam xây dựng, cung cấp các hiện vật, tư liệu hình ảnh. Chính phủ Thái Lan cấp đất và tạo điều kiện cho bà con phát triển du lịch. Có thể nói rằng, với sự quan tâm đó, chúng tôi tin rằng chính phủ Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt là bộ phận không thể tách rời. Vì thế, các hội, chi hội, tổng hôị và Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan luôn thống nhất trong các hoạt động của mình.
PV: Xin cảm ơn và chúc cho cuộc sống của bà con kiều bào ta tại Thái Lan ngày càng no ấm.