(VOV5) - Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các cam kết tiến tới xây dựng mạng lưới khoa học nano cho Việt Nam.
Ngày 25/09, tại Trung tâm ICISE (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), hội thảo quốc tế lần thứ 2 về Khoa học sự sống nano: Công nghệ nano sinh học, lý sinh và tính toán (NanoBioCoM2024) khai mạc với sự tham gia của hơn 103 nhà khoa học đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hơn 100 nhà khoa học, nghiên cứu sinh đến từ 19 quốc gia trên thế giới tham dự hội thảo |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các cam kết tiến tới xây dựng mạng lưới khoa học nano cho Việt Nam. Tại hội thảo, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, cho biết NanoBioCoM là một sáng kiến của nhiều nhà khoa học gốc Việt đang nghiên cứu về khoa học sự sống nano trên thế giới nhằm mang lĩnh vực khoa học mới mẻ này về Việt Nam.
Tại hội thảo lần này, các nhà khoa học có 3 ngày để trình bày, làm rõ những nhóm vấn đề nghiên cứu, ứng dụng trong công nghệ sinh học nano, lý sinh và các phương pháp tính toán mới. GS Trần Thanh Vân thông tin: “Hội thảo là cơ hội giúp các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam giao lưu, gặp gỡ và thừa hưởng các kiến thức nghiên cứu mới hàng đầu thế giới, tạo ra mạng lưới kết nối giữa cộng đồng nghiên cứu Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước ngồi lại với nhau kiến tạo phát triển”.
PGS, TS Ngô Xuân Kiên (Viện Nghiên cứu khoa học sự sống nano, Đại học Kanazawa, Nhật Bản), cho biết: “Hiện nay, ứng dụng công nghệ nano rất phổ biến trong xã hội hiện đại, như: y học, sinh học, vật liệu sinh học mới, nông nghiệp, môi trường và cả an toàn thực phẩm… Giới khoa học sự sống đang rất quan tâm đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học tính toán để tạo ra các thuật toán thông minh nhằm nghiên cứu sâu hơn vật liệu nano”.
PGS-TS Bùi Khánh Huy, nhà khoa học gốc Việt, đang làm việc tại Đại học McGill (Canada), mang đến hội thảo nghiên cứu đề cập đến bào quan “cilia” (tìm thấy trong hệ hô hấp và tinh trùng). Ông chia sẻ: “Cilia là bộ máy sinh học mới của con người, nhưng nó ở dạng nano siêu nhỏ nên lâu nay y học chưa biết nhiều về bào quan này. Vì vậy, chúng tôi muốn nghiên cứu về cơ chế, cấu trúc của nó để giúp y học nhận biết về nó và chẩn đoán bệnh khi nó bị lỗi và thiết kế ra thuốc điều trị”.
PGS-TS Ngô Xuân Kiên cho biết: “Các hội thảo NanoBioCoM sẽ thúc đẩy cộng đồng nghiên cứu lý sinh cho Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi sẽ thành lập cộng đồng chuyên môn về các loại kính hiển vi quang học, điện tử và lượng phân tử. Những công cụ này sẽ bổ trợ cho nghiên cứu, thực nghiệm công nghệ nano tại Việt Nam, thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ kết nối với các nhà khoa học về nano gốc Việt trên thế giới để kết nối, tạo ra mạng lưới hỗ trợ Việt Nam phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ nano”./.