(VOV5) - Hội thảo nhằm cung cấp nền tảng liên ngành cho tất cả các đại biểu trình bày kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những xu hướng mới.
Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về khoa học sự sống Nano: Công nghệ nano Sinh học, Cảm biến Sinh học, Tính toán diễn ra từ 17/9 - 19/9, tại tỉnh Bình Định.
Sự kiện do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Hội gặp gỡ Việt Nam (Rencontre du Vietnam) cùng Đại học Kanazawa (Nhật Bản) tổ chức.
Hơn 100 đại biểu là các báo cáo viên, diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia và sinh viên của 50 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học của 15 quốc gia trên thế giới tham dự.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: ICISE |
Hội nghị có 76 báo cáo khoa học, trong đó có 3 báo cáo phiên toàn thể (plenary lectures) trình bày bởi những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực Lý sinh, tập trung vào ba chủ đề chính bao gồm: Công nghệ Nano Sinh học, Cảm biến Sinh học và Khoa học Tính toán. Mục tiêu dài hạn của Hội nghị là tạo ra một diễn đàn hội khoa học nano và sự sống tại Việt Nam, đặc biệt dành cho các nhà khoa học trẻ nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, để họ có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nano, tiến tới hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề thách thức trong Khoa học Sự sống.
Ảnh: Giáo sư Jean Trần Thanh Vân phát biểu khai mạc Hội nghị NanoBioCom2023 |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Jean Trần Thanh Vân, Giám đốc của ICISE, đã đánh giá cao sự quan tâm đáng kể của các nhà khoa học cả trong và ngoài nước đến việc tham gia và chia sẻ tại NanoBioCom2023. Ông nhấn mạnh rằng đây là bước khởi đầu quan trọng cho chuỗi các hội nghị về các chủ đề liên quan trong tương lai và sẽ tiếp tục tổ chức tại ICISE. Đây cũng là nền tảng cho việc thiết lập Hội Lý Sinh Việt Nam nhằm liên kết và duy trì mạng lưới hợp tác nghiên cứu đa ngành và đa lĩnh vực giữa các nhà khoa học Việt Nam nhằm phát triển ngành Lý Sinh Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hội cũng đặt mục tiêu dài hạn là xây dựng và phát triển một đội ngũ nghiên cứu trẻ Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và làm nòng cốt xây dựng và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam chất lượng cao, đóng góp thiết thực vào phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao uy tín, hình ảnh quốc tế và kinh tế Việt Nam.
Sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ Việt nam và Quốc tế nhận tài trợ IUPAP |
Ngoài ra, hội nghị NanoBioCom2023 đã nhận được sự hỗ trợ tài chính và sự đồng hành quan trọng từ các tổ chức khoa học hàng đầu như Liên hiệp quốc tế về Lý sinh thuần túy và ứng dụng (IUPAB), quỹ nghiên cứu đổi mới sáng tạo (VINIF) và hội khoa học và công nghệ Nhật Bản (JSPS). Có 34 sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam và Quốc tế đã nhận được tài trợ từ IUPAB và 10 sinh viên đến từ Nhật Bản nhận tài trợ toàn phần của JSPS.
Hội thảo nhằm cung cấp nền tảng liên ngành cho tất cả các đại biểu trình bày kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những xu hướng mới cũng như các thách thức thực tế gặp phải, giải pháp được áp dụng trong lĩnh vực Công nghệ sinh học nano, Cảm biến sinh học và Tính toán.
Các nghiên cứu được trình bày tại hội thảo cung cấp cái nhìn sâu sắc về kỹ thuật và xu hướng nghiên cứu mới có thể được sử dụng và ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, sức khỏe con người, môi trường.