(VOV5) - Bà là một trong số ít nhà khoa học nữ 4 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nguyễn Thục Quyên, nữ Giáo sư người Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS), Giáo sư Khoa Hóa học & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, được bình chọn vào danh sách những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019.
Hai năm qua, bà trở lại Việt Nam trên cương vị là Đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture. Giáo sư Nguyễn Thục Quyên đang nỗ lực kết nối khoa học Việt Nam với thế giới và tiếp sức cho các nhà khoa học nữ trong nước theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên. Ảnh: Báo Nhân dân |
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên là một trong số ít nhà khoa học nữ 4 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (HCR). Các nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Thục Quyên xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.
Lý giải về chọn hướng nghiên cứu vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, Giáo sư Quyên nói đó là bởi "suốt 16 năm thời thơ ấu lớn lên trong cảnh không có điện ở quê nhà" và mối quan tâm đặc biệt đến năng lượng mặt trời luôn ở trong tiềm thức hướng về quê hương.
"Tôi thấy Việt Nam vấn đề năng lượng rất quan trọng. Về năng lượng, Việt Nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Tôi cũng thấy năng lượng gió mặt trời cũng đang phát triển. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng Việt Nam có tầm nhìn xa hơn về tái chế lại trên toàn thế giới. Tôi hy vọng Việt Nam có thể là đầu tư làm nghiên cứu về những ngành đó, như: tái chế nhựa hoặc dùng ít đi hoặc là những cái mình có những vật liệu thiên nhiên rất nhiều thì có thể dùng… Hoặc Việt Nam có thể tái chế pin. Việt Nam nếu chú trọng những điểm đó thì mình sẽ đi trước thế giới 15-20 năm." - Bà chia sẻ.
Bà Nguyễn Thục Quyên sinh năm 1970, trong gia đình 5 anh chị em ở ngôi làng nhỏ tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Năm 21 tuổi, Quyên cùng bố mẹ và anh chị em đến Mỹ định cư. Hai năm đầu, bà nhiều lần khóc đòi về Việt Nam vì không hiểu tiếng Anh và phong tục tập quán khác lạ. Khó khăn nhất là ngôn ngữ, khi ấy đi đâu cũng phải nhờ người thông dịch. Giáo sư Quyên chia sẻ con đường đến với khoa học của mình rất khác so với những nhà khoa học khác. Bà vốn hứng thú với lịch sử thế giới và yêu văn học, thích địa lý nhưng do ngôn ngữ bà lại sang lớp Toán, rồi nhận ra bản thân học khoa học cũng khá. Sau đó, bà dần trở nên hứng thú với hóa học và bắt đầu theo đuổi con đường này.
Tháng 9/1995, bà xin chuyển lên Đại học California, Los Angeles, và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Thích thú với công việc nghiên cứu, nhưng bà không được nhận và được khuyên nên tập trung vào học tiếng Anh. Nhận xét này được cô sinh viên ngày ấy coi làm động lực để cố gắng: "không ai có thể ngăn cản bạn thực hiện ước mơ của mình". Quyết tâm học tiếng Anh nhanh nhất có thể, bà tham gia bốn lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài, rồi tới trung tâm dạy kèm sinh viên để trau dồi thêm. Để có tiền đi học, bà cũng làm thêm trong nhà hàng, tiệm nail.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1997, bà nộp đơn học cao học và chỉ một năm sau đã có bằng thạc sĩ ngành Lý-Hóa. Bà quyết định học tiếp lên tiến sĩ và trong năm cuối của chương trình, trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califorina, Los Angeles được trao học bổng. Tháng 6/2001, bà nhận bằng tiến sĩ, trước cả những sinh viên trong phòng thí nghiệm nơi bà từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Bà chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ hè năm 2004: "Tôi cũng khóc rất nhiều tại vì bị đồng nghiệp đối xử không tôn trọng. không công bằng trong sự nghiệp mình. Chính vì vậy, đừng bỏ cuộc dễ dàng và đừng cứ để ai làm mình phải bỏ cuộc".
5 năm đầu sự nghiệp đầy rẫy khó khăn và Giáo sư Nguyễn Thục Quyên luôn nỗ lực để chứng minh sự đóng góp của mình. Đến nay, bà đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho mình và nhóm nghiên cứu: "Khi mà tôi nhận được công việc ở trường đại học, là một giáo sư trẻ thì thường người ta cho mình một phòng thí nghiệm, rồi một số tiền để xây dựng phòng thí nghiệm. Những đối với tôi thì suốt 1 năm tôi không có phòng thí nghiệm. Tôi phải đề nghị nhiều lần với lãnh đạo… và tận 2 năm sau tôi mới có phòng thí nghiệm của mình."
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên là Đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture do vợ chồng Chủ tịch tập đoàn Phạm Nhật Vượng lập ra. Giáo sư Quyên rất vinh dự và hãnh diện khi Việt Nam có giải thưởng khoa học lớn, khiến cộng đồng khoa học quốc tế có cách nhìn khác về Việt Nam.
Đặc biệt hơn là có những giải thưởng cho các nhà khoa học nữ: "Thứ nhất, tôi cũng là người Việt Nam, rồi sinh ra, lớn lên ở đây… từ ngôi làng nghèo khổ, không đủ cơm ăn, không có nguồn nước sạch để uống… nên tôi thấy giải thưởng Vinfuture rất có ý nghĩa. Bản thân tôi thấy giải thưởng này là của cả dân tộc Việt Nam khi cộng đồng khoa học, rồi người dân trên toàn thế giới biết về Việt Nam mình nhiều hơn. Đồng thời, tạo sự kết nối giữa khoa học Việt Nam và thế giới."
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên đang ấp ủ dự tính xây dựng viện nghiên cứu với phòng lab tối tân và mở những workshop để kết nối các nhà khoa học trẻ Việt Nam với thế giới bên ngoài. Từ đó, những nhà khoa học trẻ Việt Nam có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những tên tuổi lớn của thế giới… và tiến gần hơn tới ước mơ xây dựng và phát triển đất nước.