(VOV5) - Các thầy cô là những nghệ sĩ truyền thụ nguồn cảm hứng học ngôn ngữ cho các em, qua đó, quảng bá về văn hóa của dân tộc.
Cùng với giữ tiếng nói dân tộc trong từng gia đình, các gia đình người Việt còn được vận động đưa con em tới các lớp học tiếng Việt do những giáo viên người Việt giảng dạy. Tuy không phải là những giáo viên được đào tạo từ ngành sư phạm, nhưng các thầy cô là những nghệ sĩ truyền thụ nguồn cảm hứng học ngôn ngữ cho các em, qua đó, quảng bá về văn hóa của dân tộc.
Nghe âm thanh tại đây:
Nói như phó giáo sư tiến sĩ thầy Nguyễn Thiện Nam, trưởng Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, người đã tham gia giảng dạy tiếng Việt nhiều khóa cho các thầy cô, giáo người Việt ở nước ngoài thì các thầy, cô chính là những người sẽ đi gieo chữ Việt ở khắp nơi trên thế giới. Những bài học tiếng Việt do thầy Nam truyền giảng cho các thầy cô với cách thức dễ hiểu, cùng những câu chuyện cảm động về tình thầy trò đã tạo nên sự gắn kết và giúp cho các thầy cô, giáo thu nhận được kiến thức hiệu quả: Những gì chúng ta thu nhận được là những kiến thức rất cơ bản, rất cơ sở từ lịch sử TV cho đến kiến thức về phương pháp giảng dạy. Tôi hy vọng sau khi ở Việt Nam, các anh chị trở lại, các anh chị sẽ tự tin hơn, nếu không nhiều sẽ là một ít. Những gì thu được chỉ là 1 phần của tiếng Việt mà chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đối với tiếng Việt thì phải học suốt đời để chúng ta tiếp tục sự nghiệp lan tỏa, tuyên truyền, gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt ở nước ngoài, gieo tiếng Việt, chữ Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc và khắp năm châu bốn biển.
Các thầy cô giáo người Việt ở nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Nguyễn Thiện Nam
|
Là một trong vài chục giáo viên dạy tiếng Việt đến từ Đài Loan (Trung Quốc), cô giáo Lâm Quế Kim chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên được tham gia giảng dạy tiếng Việt vì đó là văn hóa của dân tộc mình. Dạy tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt ở nơi mình sống là khu Đào Viên, chị Lâm Quế Kim hy vọng, giảng dạy tiếng Việt sẽ là cách để chị đóng góp vào việc quảng bá văn hóa và gìn giữ tiếng nói của dân tộc ở nước ngoài. Cô giáo Lâm Quế Kim cho biết:Chính sách giáo dục Đài Loan những con em của tân di dân truyền đạt tiếng mẹ đẻ cho con em thế hệ thứ 2 bên Đài Loan. Vì thế, tôi luôn được cổ vũ bước lên bục giảng vì đó là văn hóa của mình thì có thể truyền đạt cho con em, có thể quảng bá văn hóa Viêt Nam ra toàn thế giới, quảng bá ngôn ngữ Việt. Tháng 9, tôi sẽ tới dạy ở một số trường trung học.
Tiết mục văn nghê của các thầy cô giáo người Việt ở các nước |
Truyền dạy cho các thế hệ thứ 3, thứ 4 và sau này về tiếng nói của dân tộc, giúp cho nhiều gia đình không có điều kiện cho con em tiếp xúc nhiều với tiếng Việt là suy nghĩ chung của những thầy cô giáo người Việt ở nước ngoài. Với Thụy sĩ, một đất nước có ít người Việt thì việc quảng bá văn hóa Việt trong cộng đồng và duy trì tiếng nói dân tộc cho con em người Việt lại càng cần thiết. Nhưng cần phải có phương pháp và đối với cô giáo Hải Hà, ở Zuric, Thụy Sĩ, những khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt thực sự cần thiết đối với cô: Muốn tham gia vì Thụy sĩ rất ít người Việt, con em người Việt cũng ít. Tôi muốn tham để giúp đỡ cho con em người Việt, giảng dạy cho các em. Tôi muốn hiểu sâu về tiếng Việt. Tôi là người Việt nói tiếng Việt Nam như tiếng mẹ đẻ nhưng dạy thì lại khác phải tìm hiểu, phải học thêm về ngữ pháp và các phong tục tập quán Việt Nam một cách sâu sắc hơn với góc độ là giáo viên vì các em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên phải học hỏi cách truyền đạt của các thầy
Có sự hỗ trợ của chính quyền như ở Đài Loan, có lòng nhiệt huyết của các thầy, cô giáo nhưng việc giảng dạy Tiếng Việt ở nước ngoài còn khá khó khăn ở nhiều nơi, nhất là với những địa bàn như Thái Lan, nơi mà con em thế hệ thứ 3, thứ 4 hầu như không nói được tiếng Việt. Cô giáo Nguyễn Thanh Sớm, ở Thái Lan đã mang theo tâm tư này trong lần thứ 2 về Việt Nam dự lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt. Mong muốn của cô là được hấp thụ thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy của các thầy để làm sao tiếng nói của dân tộc được gìn giữ và lan tỏa trong cộng đồng người Việt. Cô giáo Thanh Sớm cho biết:Mong muốn hấp thu để giảng dạy nhiều hơn ở nước sở tại. Mong muốn được sự hỗ trợ, Ủy ban có biện pháp hỗ trợ kích thích khích lệ cho các thầy cô dạy cho các cháu nhiều hơn. Bên đấy phong trào học tiếng Việt sôi nổi nên hiện tại, chúng tôi gặp phụ huynh học sinh nói tầm quan trọng của tiếng Việt để họ nói và cho con em đi học tập tiếng Việt
Gìn giữ văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt ở nước ngoài không chỉ là suy nghĩ của những người con xa xứ mà hình ảnh Việt Nam với những vẻ đẹp riêng và truyền thống văn hóa giàu bản sắc đã làm lay động những bạn bè nước ngoài. Anh Vi Lay, người Lào đã bị cuốn hút khi sang học tiếng Việt tại Việt Nam những năm trước đây và đó là lý do anh lại quyết định trở lại Việt Nam dự tập huấn với tư cách là giảng viên của Trường Đại học quốc gia Lào. Thầy giáo Vi lay chia sẻ:Tôi sang học cách giảng dạy tiếng Việt để giảng dạy tiếng Việt ở bên Lào cho các em học sinh Lào chuẩn bị sang Việt Nam. Tôi hy vọng nắm được cách giảng dạy và chuyên môn vì sau này sẽ dạy con cháu lớp 10, 12 của Lào. Tôi yêu thích tiếng Việt Nam vì trước đây học ở Việt Nam thì cũng thích con người và văn hóa Việt Nam.
Những chia sẻ mà chúng ta vừa nghe của một người bạn Lào yêu Việt Nam, muốn tham gia truyền thụ tiếng Việt mới thấy hết ý nghĩa của việc gìn giữ văn hóa Việt, trước hết là gìn giữ tiếng nói. Trong hành trình tìm về với ngôn ngữ, quảng bá ngôn ngữ Việt ở nước ngoài, cần nhiều hơn những tấm lòng nhiệt huyết của các thầy cô giáo. Chính họ là những người tạo sự liên kết mạnh mẽ về văn hóa Việt tại nước sở tại.