(VOV5) - Ông vui vì mỗi lần trở về luôn có những người thân thương chờ đón.
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lê Minh là người Việt đang giảng dạy tại một trường đại học danh tiếng Fullerton của Hoa Kỳ suốt hơn 30 năm qua. Nhiều năm gần đây, ông thường xuyên trở về Việt Nam tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh theo chương trình hợp tác giữa trường Đại học Việt Nam và Mỹ. Mong muốn lớn nhất của ông là được truyền nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê về ngành toán thống kê và xác suất cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dáng vóc nhanh nhẹn, nụ cười, ánh mắt rất đỗi hiền hậu là ấn tượng ban đầu của tôi đối với Giáo sư Đỗ Lê Minh nhân dịp ông về Hà Nội tham gia một Diễn đàn chính sách về Dữ liệu lớn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức và tham gia các buổi nói chuyện, giao lưu với sinh viên ngành Toán- tin ứng dụng trường Đại học Bách Khoa, Đại học KHXH& Nhân văn. Giáo sư Lê Minh cho biết, ông thấy vui vì điều kiện hoc tập, nghiên cứu ở Việt Nam ngày càng tốt,giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận những cái mới của thế giới:
GS-TS Đỗ Lê Minh tạị một Hôi nghị ở Hà Nội.
|
“Khoảng 5 năm gần đây, tôi trở về Việt Nam nhiều hơn để giảng dạy ở các trường Đại học và tham gia hội thảo, diễn đàn về chuyên môn. Cũng may mắn có sự hợp tác tiên tiến giữa trường Đại học Ngoại thương và Fullerton nên tôi được về thường xuyên hơn, kể từ đó quen biết nhiều hơn và bắt đầu nhận hướng dẫn các em làm luận án tiến sĩ cũng như được hợp tác với các đồng nghiệp ở quê nhà tổ chức Hội nghị. Đó là rất lâu rồi, kể từ khi đến Mỹ, càng lớn tuổi thì chính cá nhân tôi lại muốn trở về nhiều hơn.” - Ông cho biết.
Sinh trưởng ở miền Nam, sau khi tốt nghiệp THPT Võ Tánh, Nha Trang, năm 1968 chàng trai trẻ Đỗ Lê Minh sang Australia du học theo một học bổng Colombo Plan của chính phủ Australia. Không có nhiều lựa chọn khi đó, Đỗ Lê Minh đã theo học ngành kỹ sư rồi học lên tiến sĩ. Sau đó ông được giữ làm giảng viên tại trường Đại học ở Sydney. Tuy nhiên, vì yêu thích và đam mê đặc biệt với môn Toán mà Tiến sĩ Lê Minh quyết định học tiếp một chương trình rất nặng về toán cao cấp.
Nói về bước ngoặt cuộc đời khi chuyển sang Mỹ định cư, Giáo sư Lê Minh chia sẻ: “Đến năm thứ 6 giảng dạy, tôi may mắn nhận được học bổng Fullbright của chính phủ Mỹ, Qua đó một năm, tôi thấy thích môi trường làm việc và học tập bên Mỹ. Sau khi trở lại Australia, tôi được trường đó gọi mời làm giảng viên của trường. Năm 1984, vợ chồng tôi quyết định chọn trường California State University, Fullerton (CSUF) vì nó nằm ngay quận Cam, nơi có nhiều người Việt mình sinh sống”.
Gần 40 năm định cư tại Mỹ, giờ đã 70 tuổi nhưng Giáo sư Đỗ Lê Minh vẫn tham gia giảng dạy bộ môn thống kê tại trường Đại học California State University, Fullerton. Hàng ngày cập nhật tình hình ở Việt Nam, ông đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của ngành Toán học nước nhà, trong đó toán ứng dụng là bộ môn ông dành nhiều tâm huyết nhất. Bởi theo ông, đây là ngành học có khả năng gắn kết với nhiều lĩnh vực và rất thiết thực cho cuộc sống, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hòa nhập vào xu thế của kỷ nguyên số và cuộc cách mạng CN 4.0.
“Bây giờ Data rất nhiều và vô cùng lớn. Câu hỏi là chúng ta làm gì với Big Data. Theo tôi nó như một núi sỏi vô cùng lớn. Nhưng núi sỏi để đó thì chả làm được gì cả. Vì thế công việc của người kỹ sư làm đường là chuyển từ núi sỏi thành con đường đưa mình đến đích. Và người kỹ sư làm đường đó chính là người làm thống kê. Sự liên hệ giữa thống kê và Big Data ngày càng quan trọng. Thống kê không đơn giản vì Big Data thì thu thập trong quá khứ nhưng người thống kê phải có phương pháp để biết đây là cái gì và dùng như thế nào cho hiện tại và tương lai. Trong núi sỏi đó có rác, có đá, có kim cương. Vậy nhiệm vụ của nhà thống kê học phải biết lọc ra và sử dụng chúng như thế nào.” -Giáo sư Lê Minh nói.
Giáo sư Đỗ Lê Minh tại một Hội nghị quốc tế về Thống kê và Xác suất ứng dụng 2019 - Ảnh: CAPS2019 |
Đánh giá về nguồn nhân lực Toán của Việt Nam, giáo sư Đỗ Lê Minh cho rằng người Việt mình rất tài năng, tiếp thu công nghệ nhanh, có sự nhạy bén về tư duy sáng tạo. Chính vì điều đó đã thôi thúc ông muốn trở về nhiều hơn, để đem những gì mình có được truyền dạy cho thế hệ trẻ.
“Bây giờ có rất nhiều em thần đồng toán học nhưng vấn đề là các em lại thường thích đi theo cách nghiên cứu toán học thuần túy giống như Giáo sư Ngô Bảo Châu mà không thích toán học ứng dụng. Ở những nước rất phát triển thì cần nhưng Việt Nam lại đang thiếu toán ứng dụng cho cuộc sống. Việt Nam hiện chưa có nhiều nhà thống kê chuyên nghiệp. Vì thế, tôi rất muốn các em theo con đường toán ứng dụng, tuy rằng là không dễ nhưng tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng ở phía trước”. Ông nói,
Các đại biểu tham gia Hội nghị quốc tế về thống kê Xác suất ứng dụng
- Ảnh CAPS2019 |
Không chỉ hỗ trợ các bạn trẻ ở Việt Nam trong học tập nghiên cứu, định hướng nghề nghiêp, làm luận án tiến sĩ.. ngôi nhà nhỏ ấm áp ở Mỹ của vợ chồng giáo sư Đỗ Lê Minh còn là nơi đón tiếp, cưu mang nhiều du học sinh Việt qua Mỹ học tập. Bởi vậy, dường như với vợ chồng ông, dù sống xa quê nhưng Việt Nam luôn thật gần gũi
Ông tâm sự: “Khi về Việt Nam, tôi dạy trường Ngoại thương ở Thành phố HCM, 2 năm cuối các con được sang Fullerton. Tôi hay mời các em lại nhà tụ tập ăn uống, giải trí hát hò vui lắm. Em nào khó khăn gì thì hỏi ý kiến, cho các cháu lời khuyên cũng là niềm vui của tôi.Khi tôi ở Việt Nam, các con thay nhau mời vợ chồng tôi đi chơi. Thành ra tôi có cả đại gia đình khi về Việt Nam. Không chỉ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, niềm đam mê với môn toán thống kê mà tôi muốn bồi đắp cho những tài năng trẻ nước nhà, Mong muốn nữa là hướng dẫn các thầy cô giáo kế cận tiếp bước con đường mà mình nghĩ thích hợp với họ”.
Trong cộng đồng người Việt ở quận Cam, Giáo sư Toán học Đỗ Lê Minh còn được biết đến là một nhạc sĩ và họa sĩ tài hoa. Hàng tuần, giáo sư Đỗ Lê Minh còn là người thầy dạy vẽ, dạy nhạc và dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho con em người Việt. Với ông, đó là cách biểu hiện tình yêu quê hương của một người con nơi xa xứ.
Ông vui vì mỗi lần trở về luôn có những người thân thương chờ đón, đúng như những tâm tư thầm kín gửi vào bài hát do ông tự sáng tác có nhan đề "Tôi vẫn còn người thân trên quê hương": "Ngày tôi xa quê hương tôi còn chưa lớn khôn. Rôi bôn ba trên đường xa xứ người. Nhiều khi tôi bâng khuâng tự hỏi thôn làng tôi ở đâu, sợ khi về thăm tôi chỉ còn vài người bà con...Nhưng, tôi vẫn còn nhiều người tôi thân thương trên quê hương.., có người để mỗi khi trở về tôi mong muốn viếng thăm”.