(VOV5) - Kết quả của Dự án ngoài việc tạo ra sản phẩm đai đeo lưng phòng bệnh, thì các nhà nghiên cứu sẽ có các bài báo trong nước và quốc tế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Như chúng tôi từng đưa tin, có một dự án hợp tác của Bonbouton, công ty khởi nghiệp của các nhà khoa trẻ người Việt ở Mỹ với Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Việt Nam đã lọt vào top 12 của Quỹ Nghiên cứu ứng dụng Vintech Fund (thuộc Vintech Vcity), là dự án Phát triển công nghệ ứng dụng cảm biến điện cơ từ vật liệu nano graphene vào đai đeo lưng phòng bệnh đau lưng dưới.
TS. Lê Tùng Linh (giữa) đại diện Bonbouton và TS Hàn Huy Dũng (phải) Viện Điện tử Viễn thông, giới thiệu về dự án được VinTech tài trợ tại một buổi họp hai bên. |
Tiến sĩ Lê Tùng Linh - Người sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Bonbouton tại Hoa Kỳ cho biết: "Đây là khoản đầu tư dành cho tương lai, làm sao không để lãng phí nguồn lực, lãng phí chất xám từ Việt Nam hoặc ở nước ngoài và đây là đầu tư những sản phẩm mà người Việt Nam có thể sử dụng được trong tương lai. Đây là một dự án nghiên cứu, với kết quả trong vòng 18 tháng thì bên Bonbouton và bên Viện điện tử viễn thông có thể đưa ra được một sản phẩm đầu tiên để cho người bình thường có thể sử dụng.
Dựa trên những mối quan hệ đã có sẵn với Vintech City cũng như VinGroup, chúng tôi hy vọng trong vòng 1 năm sắp tới - tức là 12 tháng nữa thì chúng tôi có thể làm việc cùng với Vinmec, bệnh viện của Vingroup để có thể thử nghiệm lâm sàng những thử nghiệm đầu tiên với sản phẩm đai lưng điện cơ."
PGS. TS. Nguyễn Hữu Thanh - Viện trưởng Viện điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và TS. Lê Tùng Linh –CEO Bonbouton tại lễ kí kết hợp tác tháng 9/2019.
|
Việc hợp tác nghiên cứu giữa Bonbouton và Viện điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa cũng đã có một quá trình kết nối lâu dài, giữa các nhà khoa học Việt ở Mỹ và Đại học Bách khoa khi họ từng là đồng môn trong chương trình học bổng du học Vietnam Education Foundation trước đây.
Tiến sỹ Hàn Huy Dũng. Phó trưởng Bộ môn Điện tử và Kỹ thuật Máy tính của Viện điện tử Viễn thông, phụ trách nhóm nghiên cứu tại Đại học Bách khoa cho biết: "Công ty Bonbouton có nhiệm vụ rất quan trọng là tạo ra một cảm biến điện cơ mới và Viện điện tử viễn thông (bao gồm các nhà nghiên cứu, các thầy cô và các bạn sinh viên) sẽ tạo ra mạch điện tử và các hệ thống phần mềm để có thể thu nhận tín hiệu điện cơ một cách tốt nhất, và tạo ra các phần mềm để có thể phân tích tín hiệu đó"
Tiến sĩ Dũng cho biết, điều đặc biệt hiệu quả những dự án như thế này đã tạo điều kiện cho không chỉ các nhà nghiên cứu, mà cả những sinh viên có khả năng, có sự đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học được tham gia thực hiện. Sinh viên cũng phải học hỏi thêm rất nhiều: "Học thêm về kỹ năng làm việc với người nước ngoài, vì các bạn ấy làm việc trực tiếp với người nước ngoài và các tiến sỹ ở Mỹ về. Và các bạn phải thay đổi lề lối làm việc của mình, Các bạn phải nói thực hành tiếng Anh. Và quan trọng nhất là các bạn ấy có một cái tư duy khoa học để sau này các bạn có thể tự mình tạo ra sản phẩm mới."
Sinh viên Trần Lê Lân, thành viên dự án hy vọng sẽ thực sự trưởng thành từ dự án này với sự hướng dẫn quý giá từ thầy cô và các nhà khoa học ở nước ngoài. |
Bạn Trần Lê Lân, sinh viên năm cuối chuyên ngành điện tử và kỹ thuật y sinh cho biết, từng được tham gia cùng thầy Dũng trong các dự án nghiên cứu trước đây, nên hiện nay đã là một thành viên trong dự án, nghiên cứu về việc thiết kế mạch điện tử, làm các phần mềm đo đạc, lấy tín hiệu: "Em tham gia vào dự án này rất tình cờ. Các thầy đi du học về và anh CEO của công ty Bonbouton cũng là bạn của thầy có một dự án. Và đương nhiên là những Việt kiều của mình luôn luôn muốn hướng về quê hương nên đã mang dự án này về cho sinh viên Việt Namtại Đại học Bách khoa Hà Nội được tiếp cận, được làm việc với môi trường nước ngoài, với công nghệ của nước ngoài. Chuyên ngành của em là ngành điện tử và kỹ thuật y sinh là những thứ liên quan đến cơ thể, đến đảm bảo sức khỏe cho con người. Ngày đấy được sự giới thiệu của thầy, em thấy các dự án này cũng rất phù hợp với chuyên ngành của em, vì vậy em quyết định tham gia vào dự án."
Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung, sinh viên lớp điện tử viễn thông 08 K62 thuộc Viện điện tử Viễn thông Đại học Bách khoa kể lại: "Cuối năm thứ hai em bắt đầu xin vào lab của thầy Hàn Huy Dũng với mong muốn được va chạm, được làm nhiều những dự án thực tế. Nguyện vọng của em muốn theo ngành kỹ thuật y sinh, muốn học phần mềm, học ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y tế. Lúc đấy trong lab có dự án đo điện cơ bằng graphine, cần một người để viết app. Em đã học viết app nên em tham gia. Sau này app cũng ổn ổn rồi, và dự án mới phát triển từ việc đo cơ tay chuyển sang đo cơ lưng để phát triển thành sản phẩm đai đeo lưng thì cần phải thí nghiệm rất nhiều. Vì thế em mới chuyển sang thí nghiệm đo đạc. Em muốn theo dự án này, vì sau này sẽ có rất nhiều data và cần đến trí tuệ nhân tạo để phân tích và phát hiện bệnh. Đó là động lực để em tiếp tục theo đuổi dự án này."
Sinh viên Nguyễn Hồng Nhung thấy thực sự có động lực tích cực khi được tham gia dự án. |
Vậy với việc tham gia dự án này, sinh viên được những gì? Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết em học hỏi được rất nhiều: "Ví dụ ban đầu khi tham gia vào dự án, em vừa học xong một khóa làm app, em được sử dụng chính kiến thức học viết app của mình. Và thứ hai, cái rất quan trọng mà em nhận được, đó là cách làm việc rất chuyên nghiệp. Còn một điều thực sự quý báu nữa là được làm việc với môi trường quốc tế. Rất may mắn khi mà đây là dự án đầu tiên em tham gia, lại là dự án nhận được sự đầu tư của Vingroup cũng như có sự hợp tác với Bonbouton, nên hàng tuần bọn em đều có một cuộc họp video call với bên Mỹ và tất cả đều nói bằng tiếng Anh, thực sự phát triển khả năng nói tiếng Anh của em rất nhiều."
Và như Trần Lê Lân chia sẻ: "Em được rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là em có cơ hội được tiếp xúc với môi trường làm việc ở nước ngoài, giúp em hiểu con đường thuận lợi cho em trở thành một công dân toàn cầu, Hai là cho em rất nhiều kiến thức về các công nghệ mới mà nếu chỉ học trong trường bọn em không bao giờ có thể có được. Ba là giúp cho bọn em biết được những người bạn mới, có một mạng lưới giúp bọn em phát triển tầm nhìn và về tương lai sự nghiệp sau này."
Với việc VinTech Fund yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ tích cực giữa nhóm nghiên cứu và các trường đại học tại Việt Nam, điều quan trọng mà Quỹ đã thực hiện được qua các dự án mà Quỹ đã tài trợ “là tạo ra một cú hích quan trọng trong việc tìm kiếm cơ chế thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học, vốn là thứ rất khó - về chính sách, chẳng hạn định giá các công trình nghiên cứu này khi ra thị trường, đặc biệt là tính sở hữu của nó”.
Và cụ thể với dự án của Bonbouton và Đại học Bách khoa này, thì, như tiến sĩ Hàn Huy Dũng chia sẻ, sâu xa hơn còn là sự phát huy tốt hơn nữa nguồn lực khoa học trẻ, kết nối nội lực tri thức giữa các nhà khoa học Việt ở trong nước và nước ngoài: "Kết quả của nó ngoài việc có sản phẩm, thì còn có các bài báo rất tốt cho các nhà nghiên cứu. Đây là một ví dụ rất tốt về sự hợp tác giữa nhà trường, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp." - Tiến sĩ Hàn Huy Dũng khẳng định.