(VOV5) - Các bạn trẻ người Việt ở nước ngoài khi hiểu được giá trị của hai chữ nguồn cội đã luôn được mong muốn trở về.
Với mỗi bạn trẻ người Việt sinh ra, lớn lên và sống ở nước ngoài, giá trị lịch sử văn hóa và cội nguồn dân tộc là điều thiêng liêng, đánh thức trong họ niềm tự hào của người con xa xứ với quê hương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trên trang cá nhân instagram, chàng thanh niên Phan Ngọc Ý Nam đã đăng khá nhiều bức ảnh về các vùng miền của Việt Nam: từ các tỉnh miền núi phía bắc đến dải đất miền Trung đầy nắng gió và đồng bằng sông Cửu Long. Đặt chân đến bất cứ nơi nào, Nam đều ghi lại chia sẻ trên trang cá nhân của mình để giới thiệu cho các bạn từ vẻ đẹp của mỗi vùng miền, những đặc trưng văn hóa, ẩm thực...Yêu thích ngành du lịch, thích đi du lịch ở nhiều nơi trên thế giới nhưng Phan Ngọc Ý Nam vẫn khao khát được trở về quê hương. Ý thức mang trong mình dòng máu Việt đã giúp cậu thanh niên sinh ra ở Italia quyết tâm theo học khóa ngắn hạn về du lịch ở Việt Nam. Chia sẻ về điều này, Phan Ngọc Ý Nam cho biết:Muốn đi biết thêm về du lịch Việt Nam, những điểm chiến tranh. Ví dụ như về muốn biết thêm về Củ Chi, Vĩ tuyến 17 và tôi đang viết bài luận văn. Hoặc là đến Điện Biên Phủ. Đến mấy nơi này để biết thêm về chiến tranh, tại sao mà những nơi này bây giờ lại đông khách đến thế.
Từ vốn tiếng Việt ít ỏi, khi tham gia các chuyến đi trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều người dân, Phan Ngọc Ý Nam đã thành thạo khi giao tiếp và tìm hiểu kỹ về các món ăn Việt Nam, sự khác biệt giữa ẩm thực ở các vùng miền. Mong muốn của em là sau này sẽ được trở về phục vụ quê hương.
Các bạn trẻ người Việt ở nước ngoài khi hiểu được giá trị của hai chữ nguồn cội đã luôn được mong muốn trở về. Nguyễn Văn Phong, một bạn trẻ ở Thái Lan tâm sự: lúc đầu về Việt Nam, nghĩ mình là người Thái Lan, chỉ có hình dáng là Việt Nam. Nhưng cứ về nhiều lần thì mình đã tự tin để nói với mọi người rằng,tôi là người Việt, mang dòng máu Việt. Phong còn đam mê nghiên cứu về văn hóa Việt Nam từ ngôn ngữ, lối sống đến phong tục tập quán của người Việt. Cậu thanh niên cũng tham gia vào nhiều hoạt động giao lưu giữa thanh niên Việt Nam và Thái Lan. Nói về ước mơ của mình, Phong bày tỏ:Đang cố gắng học về lịch sử của Việt Nam. Vì ở quê em người già biết nhiều chuyện đã mất, nên không biết những chuyện ngày xưa nữa. Nên em mong muốn làm nghiên cứu để viết bài về kiều bào ở Thái Lan, đặc biệt ở quê em để thế hệ sau có thể hiểu được nguồn gốc của mình
Không chỉ các bạn trẻ mong muốn được tìm hiểu về đất nước, lịch sử của dân tộc mình mà những ông bố, bà mẹ bằng tình yêu quê hương đã truyền dạy và giáo dục cho con em mình ý thức cội nguồn dân tộc. Để khi lớn lên, các bạn sẽ hiểu được về đất nước Việt Nam của mình với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng, về một Việt Nam đứng lên trong chiến tranh, nỗ lực xây dựng và ngày càng phát triển. Ông Kha Hiền Phúc, một việt kiều tại Mỹ tâm sự:Phúc muốn kể cho các cháu nghe về đất nước Việt Nam trong chiến tranh như thế nào. Để các cháu hiểu và sau này khi lớn lên ý thức được việc cống hiến cho đất nước.
Những trăn trở của các ông, bố bà mẹ xa quê hương đã quá lâu về một thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài không biết về đất nước, về cội nguồn đã khiến họ suy nghĩ và luôn tìm cách động viên các con trở về . Có gặp những bạn trẻ người Việt với vốn tiếng mẹ ít ỏi nhưng vẫn cố gắng diễn đạt suy nghĩ của mình như Tống Hoàng Linh ở Sec mới thấy được tình yêu quê hương trong họ lớn đến nhường nào: Em thích về Việt Nam, về thăm đất nước, tìm hiểu lịch sử dân tộc, đi Văn Miếu, đi Đền Hùng....
Và tình yêu đó, các bạn trẻ đã được ông, bà cha mẹ họ truyền lại, giáo dục về nguồn cội, về niềm tự hào của một người con đất Việt bởi lẽ họ hiểu quê hương là nơi để họ trở về .