(VOV5) - Đối với những kiều bào Ba Lan, đến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 là một niềm vinh dự và tự hào.
Trong chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2018, đoàn kiều bào Ba Lan có bốn thành viên tham gia. Đó là bà Bùi Thu Hòa, bà Nguyễn Thị Yên, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan; anh Nguyễn Lê Hùng, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Câu lạc bộ Hà Thành tại Ba Lan.
Đoàn kiều bào Ba Lan chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc đảo Song Tử Tây, đảo đầu tiên đoàn đến thăm trong chuyến hành trình. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền bày tỏ niềm xúc động lần đầu tiên được đến thăm các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Chị vừa hát ca khúc “Hát về anh” của nhạc sĩ Thế Hiển vừa khóc vì thương các chiến sĩ hải quân.
Chị Thanh Huyền, thứ ba từ phải sang, quây quần bên các chiến sĩ đảo Đá Nam. |
Những ca từ “Xin hát mãi về anh, người chiến sĩ biên cương” trong bài hát như thay lời tri ân tự tâm của những người con xa xứ đang ngồi sum vầy cùng các chiến sĩ trẻ trong căn phòng nhìn ra khơi xa. Chị Huyền vừa dứt lời hát, xung quanh, mắt ai nấy đỏ hoe. Chị gửi lời cám ơn ban tổ chức đã thực hiện chuyến đi này để kiều bào cảm nhận những khó khăn của cuộc sống nơi đảo xa và chị thật sự xúc động vì sự hi sinh to lớn của các liệt sĩ để giữ vững biển đảo của đất nước ta. Sau khi về Ba Lan, chị sẽ kêu gọi mọi người hướng đến Trường Sa, nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nhiều hơn nữa.
Đoàn kiều bào Ba Lan chụp ảnh cùng các chiến sĩ trẻ nhằm gắn chặt hơn tình đoàn kết quân, dân |
Anh Nguyễn Lê Hùng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hà Thành tại Ba Lan, bộc bạch: Tôi đã đứng lặng rất lâu nhìn anh lính bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa. Những người lính trẻ có tuổi đời mới 19, 20, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió nhưng ánh mắt rạng ngời ẩn hiện của ý chí dũng cảm, kiên cường và tinh thần yêu nước. Anh Hùng cho biết trở về Ba Lan, anh sẽ tuyên truyền và nói chuyện với thanh niên gốc Việt để thế hệ trẻ có sự hiểu biết sâu sắc hơn về biển đảo Việt Nam và khẳng định với bạn bè quốc tế rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Hơn một tháng sau khi kết thúc chuyến thăm động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1, trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, bốn thành viên đoàn kiều bào Ba Lan đã có buổi báo cáo trước Đại sứ quán và cộng đồng người Việt ở đây về kết quả của chuyến đi đọng nhiều cảm xúc, đong đầy tình cảm quân, dân.
Suốt mười ngày của chuyến hải trình, bà Bùi Thu Hòa, bà Nguyễn Thị Yên cứ lúc nào rảnh rỗi lại vào bếp phụ giúp anh nuôi trên tàu nhặt rau, rửa rau, rửa bát, hát động viên các anh. Đến các đảo, các thành viên lại tặng quà và thăm hỏi chiến sĩ và người dân. Bà Bùi Thu Hòa, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, cho biết, năm nay cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã ủng hộ hơn 150 triệu đồng bằng hiện vật tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1, gồm: 20 thùng táo Ba Lan nhập khẩu, 20 kg chè Thái Nguyên, 20 kg bánh kẹo, 05 bộ máy in, máy tính xách tay và các vật dụng về đồ điện...
Những món quà đầy tình yêu thương của kiều bào Ba Lan tặng các cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca. |
Trên chuyến hải trình này, ngoài kiều bào Ba Lan, người Việt từ 23 quốc gia khác trên thế giới cũng quần tụ trên một chuyến tàu vượt trùng dương ra thăm những người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Mười ngày tuy ngắn ngủi nhưng đã đem lại sự đồng cảm, tình yêu thương, tinh thần yêu nước và sự gắn kết trong chính những người Việt xa xứ. Ngay trong chuyến đi, đoàn kiều bào của một số nước đã lên kế hoạch tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vào năm 2019, như lời bà Bùi Thu Hòa: “Khi ra đảo Sinh Tồn, chúng tôi, những kiều bào ở Ba Lan, Italia và Singapore, đồng lòng sẽ cùng xây dựng một sân tập thể dục cho các chiến sĩ trên đảo trong thời gian sớm nhất để các chiến sĩ luyện tập nâng cao sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc”.
Các kiều bào nhận giấy khen của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về những đóng góp cho Trường Sa và nhà giàn DK1 trong buổi tổng kết chuyến đi. |
Với những kiều bào Ba Lan đã có cơ hội được ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, khi trở về nước sở tại, họ mang trong mình trọng trách mới, đó là làm nhịp cầu nối đất liền với đảo xa, tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Bởi người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều chung lòng hướng về quần đảo tiền tiêu và góp sức bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.