(VOV5) - Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống khắp nơi trên thế giới. Trong đó, lực lượng doanh nhân có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có lực lượng doanh nhân có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Quang cảnh buổi giao lưu kết nối mạng lưới các hội doanh nhân kiều bào toàn cầu: Ảnh/ Mạnh Quỳnh VOV5 |
Hàng năm, lượng tiền kiều hối đóng góp từ các hoạt động kinh doanh đổ về nước là khoảng 17-18 tỷ USD, đó là nguồn tiền rất lớn giúp cân đối nguồn tiền ngoại tệ quốc gia cũng như giữ ổn định cho đồng tiền Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiệp hội doanh nhân ở nước ngoài vừa phối hợp với Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức buổi giao lưu Kết nối mạng lưới các hội doanh nhân kiều bào toàn cầu.
Trong dịp này bà con kiều bào đã đóng góp ý kiến để tăng cường sự kết nối doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Vừa qua, Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã thành lập Diễn đàn hỗ trợ đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm minh bạch hóa nguồn vốn đầu tư của kiều bào khi muốn đầu tư về quê hương, kinh doanh hay xây dựng và phát triển doanh nghiệp tại nước nhà.
Ông Ngô Hướng Nam (áo sáng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao: Ảnh/ Mạnh Quỳnh VOV5 |
Ông Nguyễn Phú Bình cho biết: “Từ sáng kiến của chúng tôi và được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã xây dựng nên diễn đàn hỗ trợ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài, mỗi một năm nguồn kiều hối đổ về là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn tiền đó khi mà đầu tư về nước thì hiệu quả nó đến đâu, giúp đỡ được gia đình hay là mình muốn hoạt động làm ăn kinh doanh thì những cái đó nó vẫn còn chưa được bảo vệ chặt chẽ để nguồn tiền của bà con đưa về không bị tổn thất. Cần phải có một cách thức để thu hút nguồn kiều hối về với tinh thần ích nước lợi nhà. Để cho đất nước cũng thu hút được nhiều nguồn lợi và nguồn tiền của bà con cũng sinh lời, tạo lợi ích cho gia đình mình”.
Cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài luôn là một đầu mối tích cực trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên một số doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp này đang rất thiếu lực lượng xúc tiến thương mại, những nhân sự, các đại sứ thương hiệu đi giao lưu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Bà Thanh Vemulen, Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu cho biết: “Hiện nay, để đi được các nước chúng ta vẫn đang rất thiếu đội ngũ xúc tiến, thiếu nhân lực mang sản phẩm đi các nước để giới thiệu vì vậy nên chúng tôi đang có chương trình hướng dẫn đào tạo cho khoảng 100 các đại sứ thương hiệu tham gia vào ban xúc tiến thương mại. Hàng tháng đội ngũ này sẽ đi xúc tiến thương mại tại các nước vì vậy chúng tôi rất mong thị trường các nước đón nhận để chúng tôi có thể mang các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chào hàng cũng như tìm kiếm các đầu mối tiêu thụ sản phẩm”
Tiến sỹ Nguyễn Trà My, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc là một thị trường lớn với rất nhiều tiềm năng xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây vẫn còn tồn tại những khó khăn và bất cập, mà những doanh nghiệp Việt Nam làm xúc tiến thương mại tại đây vẫn phải đối diện.
Bà Nguyễn Trà My đề nghị: “Chúng tôi đề xuất với lãnh đạo Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, với Bộ công thương cùng các cơ quan ban ngành trong nước tạo điều kiện giúp đỡ để cho Việt Nam được chính thức có được Hội Doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc trong thời gian sớm nhất để chính thức hóa những đóng góp của chúng tôi trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối đầu tư, phát triển thương mại, du lịch về Việt Nam. Chúng tôi rất cần một kênh chính thống giúp chúng tôi tìm hiểu, chia sẻ những chính sách đầu tư của Việt Nam bởi vì Việt Nam thì mỗi địa bàn lại có những chính sách thu hút đầu tư khác nhau”.
Từ năm 2005 đến 2020 là quá trình hội nhập của các doanh nghiệp Việt kiều trên toàn Châu Âu. Mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp Châu Âu đã trải qua rất nhiều khó khăn khi phải chống chọi với đại dịch COVID-19 và gần đây nhất là chịu tác động nặng nề từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Kiều tại Ba lan cho biết: “Hiện nay doanh nghiệp Việt Kiều Châu Âu đã bước qua những khó khăn như dịch bệnh, chiến tranh và đã có những thay đổi về tư duy về định hướng kinh doanh trên cơ sở hội nhập toàn cầu thời kỳ kinh tế số, kinh doanh xanh và thực hiện hiệp định tự do giữa Việt Nam ký với liên minh kinh tế Á, Âu giữa Việt Nam với EU. Việc tổ chức các buổi giao lưu giúp các doanh nghiệp hiểu biết về nhau và cũng đặt nền tảng cho sự hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sức mạnh Việt Nam thông qua các doanh nghiệp Việt Kiều để quảng bá kinh tế Việt Nam ra thế giới”
Ông Hoàng Xuân Bình cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Kiều khi tham gia các hội doanh nghiệp, các chương trình giao lưu Doanh nghiệp có thể kết nối học hỏi bài học từ các nước khác để áp dụng, cũng như học hỏi các hình thức kinh doanh mới….
Ông Hoàng Xuân Bình đề nghị: “Tạo cơ hội cùng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới, tạo ra một sân chơi cho các doanh nghiệp toàn cầu đặc biệt là các khu vực có đông doanh nghiệp Việt Kiều như Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Asean.. Với sự hỗ trợ của Ủy Ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Hội liên lạc những người Việt Nam nước ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp các nước cùng hợp tác với các hội doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng tối đa nguồn lực của doanh nghiệp Việt kiều về tài chính, về ngôn ngữ và về am hiểu thị trường, cơ sở vật chất để các doanh nghiệp Việt kiều giúp Việt Nam vươn ra thế giới nhanh nhất và hiệu quả nhất. Với sự hỗ trợ của nhà nước Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo, giao lưu tham quan các địa điểm khác nhau tại Việt Nam. Sử dụng tối đa công nghệ mạng xã hội, truyền thông kỹ thuật số, họp trực tuyến để hỗ trợ liên kết hợp tác, tổ chức hội thảo diễn đàn giao lưu nhằm tạo sân chơi cho các doanh nghiệp Việt kiều phù hợp với điều kiện của tất cả các doanh nghiệp Việt kiều trên toàn thế giới”.