Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant từ lâu đã là một nhịp cầu nối giữa nền văn học Pháp với độc giả Việt Nam với hơn hàng chục đầu sách dịch, từ sách nghiên cứu, biên khảo, hồi ký… đến tiểu thuyết; cũng như dịch văn học Việt Nam ra tiếng Pháp.
Ngoài việc viết và xuất bản 5 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn, cuốn Tự truyện Làm dâu nước Pháp và tập truyện Ký Kiều bào với Trường Sa, Hiệu Constant vẫn nỗ lực trong những hoạt động bắc cầu văn hóa giữa thế giới và quê nhà.
Dịch giả, nhà văn Hiệu Constant |
PV: Thưa nhà văn, dịch giả Hiệu Constant, với vai trò là một dịch giả và đại diện văn học của một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam cũng như một số nhà văn Việt Nam tại Pháp, thì công việc của chị mỗi lần đi về vẫn là kết nối văn hóa giữa hai quốc gia Pháp và Việt Nam. Nhưng lần này dường như có điều gì khác biệt hơn?
Hiệu Constant: Vâng, lần này ngoài những công việc như những lần trước, tôi có thêm một công việc mới. Nếu như trước đây tôi đã giới thiệu các tác phẩm của Pháp đến Việt Nam hoặc tác phẩm của Việt Nam đến Pháp, thì lần này tôi đã kết nối được nhà văn Bill Pearl, một nhà văn của Mỹ. Những tác phẩm của ông viết trong mối quan hệ của ba quốc gia: Mỹ, Pháp và Việt Nam. Tác phẩm của ông đã được xuất bản tại các quốc gia này. Lần này tôi đã kết nối được với một số nhà xuất bản để xuất bản sách của Bill Pearl.
Ngoài ra một số các trường đại học tạo điều kiện cho nhà văn đến Việt Nam để giao lưu trò chuyện cũng như quảng bá các tác phẩm của ông. Và trong lần về đợt này, chúng tôi đã thực hiện giao lưu với Khoa Tiếng nước ngoài của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó là trường Đại học Sư phạm Huế, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và trường FPT, thành phố Hồ Chí Minh.
Hiệu Constant và nhà văn Bill Pearl làm việc với trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - Ảnh: FbNV |
Thực ra thoạt đầu tôi cũng rất lo lắng, bởi vì việc để mời được một nhà văn sang Việt Nam thường thường là của các nhà xuất bản hoặc các cơ quan chính thức của Nhà nước, mà tôi chỉ là một cá nhân, một dịch giả, đại diện văn học, một nhà văn. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã kết nối được. Và điều này cũng khiến tôi rất vui. Nó cũng là một động lực để tiếp tục thúc đẩy tôi tiến hành những dự án sắp tới trong việc kết nối văn hóa giữa Pháp và Việt Nam.
PV: Và vẫn tiếp tục có những dự án xuất bản mới?
Hiệu Constant: Đương nhiên rồi. Mỗi lần về tôi lại có những mối quan hệ mới, những mối hợp tác mới. Điều đấy tôi cũng rất vui. Bởi vì nếu như trước đây, trong những năm đầu tiên tôi bắt đầu tiến hành công việc này, thì tôi lại phải đi tìm các đối tác ở Việt Nam, các nhà xuất bản, các nhà sách. Nhưng mà bây giờ đã bắt đầu có những nhà sách hoặc nhà xuất bản đã biết tên tôi và tìm đến.
Ví dụ như lần này chẳng hạn, khi tôi về cũng có hai nhà sách đã tìm đến để liên hệ mua bản quyền - vì tôi là đại diện văn học cho một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam, công việc để thương thảo bản quyền đối với tôi bây giờ không còn khó khăn nữa. Còn nữa, tôi là dịch giả thành ra một số nhà sách cũng tìm đến để nhờ chuyển thể một số những tác phẩm từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.
Nhưng cũng có một số nhà văn cũng tìm đến tôi mong tôi làm cầu nối để tìm một số các nhà xuất bản Pháp để giới thiệu và xuất bản các tác phẩm của họ tại Pháp. Đương nhiên tôi rất vui và luôn luôn sẵn sàng hợp tác. Và cố gắng để làm sao những hợp tác đó có những thành quả cuối cùng, tức là có thể đi đến ký kết hợp đồng mua bán bản quyền hoặc dịch được những tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Và cuối cùng là xuất bản được những cuốn sách đó.
Hiệu Constant cùng nhà văn Bill Pearl tặng sách cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội. |
PV: Chị có thể chia sẻ về những công việc, những dự án mà chị đã hoàn thành trong hai năm qua - hai năm có rất nhiều hoạt động xã hội đã bị ngừng trệ vì covid và mới được khởi động trở lại - hai năm rất đặc biệt đúng không?
Hiệu Constant: Hai năm qua đúng là có rất nhiều sự ngưng trệ trong vấn đề xuất bản sách hoặc là những dự án hoạt động xã hội, nhưng với những công việc của một nhà văn dịch giả như tôi chẳng hạn, thì vẫn làm việc, vẫn miệt mài như vậy. Bởi vì công việc của một nhà văn, một dịch giả thì tác phẩm không phải một sớm một chiều mà ra được.
Tôi cũng rất vui được chia sẻ với bạn một số thành quả của mình trong hai năm qua. Ví dụ như tôi đã xuất bản được một tập truyện ngắn, tập Nắng cuối chiều, tập hợp tất cả những truyện ngắn mà tôi viết từ trước đến nay, đa phần đã được báo Văn Nghệ đăng rồi, tôi muốn tập hợp lại thành một tập sách để bạn đọc có thể theo dõi được một cách liên tục hơn những truyện ngắn tôi viết.
Hiệu Constant ký tặng sách bạn đọc tại Đại học Sư phạm Huế |
Tôi cũng xuất bản được tập truyện ký Kiều bào với Trường Sa. Đây là những tình cảm của tôi mà tôi đã ghi lại và viết thành cuốn sách nhân chuyến được mời về đi thăm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mấy năm vừa qua, do covid mà tôi cũng ra được một tác phẩm dịch là "Phù thuật và tín ngưỡng An Nam". Đây là tác phẩm tôi thực sự rất tâm đắc. Tôi nghĩ rằng tác phẩm này sẽ thu hút được rất nhiều bạn đọc Việt Nam quan tâm đến phong tục tập quán của dân tộc mình. Và tác phẩm này rất là hay, vì nó được viết dưới con mắt của một tham tán văn hóa người Pháp, được viết trong thời kỳ Pháp còn đô hộ của Việt Nam - lần đầu tiên xuất bản năm 1910 gì đó.
Một tác phẩm rất thú vị. Nhưng tôi đã mất rất nhiều thời gian dịch tác phẩm này, bởi vì tác giả là một tham tán văn hóa và ngày đó ông đã dùng rất nhiều thời gian để đi về tận các vùng quê hẻo lánh của Việt Nam để tìm hiểu những phong tục tập quán về những tín ngưỡng của Việt Nam ở thời kỳ đó. Một số những chi tiết bây giờ đã mai một mất rồi, ngay cả trong cuộc sống của chúng ta, hoặc có thể do chúng ta không để ý hoặc không biết sinh ra trong quá trình dịch thì tôi không chỉ dịch, mà tôi còn phải đi tìm nữa, tìm hiểu xem những cái đó có tồn tại hay không và nó ở vùng nào...
Tôi cảm thấy tác giả này là một nhà trí thức, viết không thiên vị. Và tôi nghĩ rằng đây sẽ là một tập sách để tra cứu cho tất cả những ai muốn tìm hiểu sâu xa hơn nữa về những phong tục, tín ngưỡng của Việt Nam từ xưa đến nay.
Ngoài ra, ví dụ cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam, tôi tham gia thực hiện bộ phim Vòng vây lửa - nói về những giây phút cuối cùng của trận Điện Biên Phủ - về phần tôi làm tất cả việc phía bên Pháp, tức là tôi đã đi khắp nước Pháp để tìm những cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Điện Biên Phủ, họ đã chứng kiến những giây phút cuối cùng khi mà Pháp đã thua trận. Và bộ phim đó đã được nhận giải thưởng.
PV: Vâng khi nói đến chuyện covid mới xảy ra, cảm xúc mỗi lần trở về quê hương Việt Nam của chị sẽ mỗi khác, nhất là lần trở về này?
Hiệu Constant: Thực ra đã có gần ba chục năm tôi sống ở Pháp, làm việc tại Pháp. Tôi cũng rất thường xuyên về Việt Nam, trước đây ít ra thì một năm một lần, trong khi đợt này do covid thì ba năm tôi mới được về Việt Nam một lần. Cảm xúc đầu tiên, là được gặp lại những người thân của mình, bạn bè của mình thì thực sự rất xúc động. Bởi vì như bạn đã biết, covid làm cho người ta thay đổi nhiều thứ trong suy nghĩ của mình. Do vậy, khi mà qua cơn chấn động khủng khiếp toàn cầu này, trở về gặp lại người thân của mình tôi rất xúc động.
Cũng vì không về được thường xuyên, một số công việc cũng bị ngưng trệ lại thì bây giờ cũng phải dần dần để tái thiết lập. Cảm xúc của tôi trở về đợt này rất đặc biệt. Chắc là cũng nhiều kiều bào sau đợt covid trở về cũng sẽ có những tình cảm như tôi.
Xin cảm ơn chị và chúc chị có những tác phẩm mới đến với độc giả của Việt Nam cũng như của Pháp.