(VOV5) - Các trường, trung tâm dạy tiếng Việt là những mô hình hiệu quả, hỗ trợ cho các gia đình mong muốn giúp các em giữ và tìm hiểu văn hóa Việt.
Ở nước ngoài, việc học và giữ tiếng Việt còn nhiều khó khăn do trẻ em sống và học tập, giao tiếp trong môi trường sở tại. Nhiều gia đình cũng không ý thức việc giữ và nói tiếng Việt với các con. Vì thế, các trường, trung tâm dạy tiếng Việt là những mô hình hiệu quả, hỗ trợ cho các gia đình mong muốn giúp các em giữ và tìm hiểu văn hóa Việt.
Nghe âm thanh tại đây:
Cô giáo Trần Ngọc Thảo, là giáo viên của trường Tiếng Việt về nguồn. Đây là trường học do Hội người Việt Nam tại Pháp thành lập. Cho dù mới chỉ có ba giáo viên, chia thành 3 lớp theo độ tuổi và trình độ tiếng Việt, những cũng đã phần nào hỗ trợ cho các em nhỏ học nói, học viết tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa nguồn cội. Giáo trình cũng được các cô soạn lại hằng năm cho phù hợp với từng trình độ dựa trên bộ Quê Việt, chào Tiếng Việt của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Bộ sách tiếng Việt được sử dụng cho công tác giảng dạy ở nước ngoài |
Không chỉ dạy tiếng Việt, trường học còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như dạy đàn, dạy múa hát, âm nhạc dân tộc, đồng thời giới thiệu ẩm thực cho các con. Cô Thảo chia sẻ, các con khống nói được hoặc nói rất ít nhưng cảm nhận được về văn hóa trong không gian Việt và nghe tiếng Việt. Đó cũng là điều mà các ông bố, bà mẹ luôn mong muốn và gửi gắm các con tới lớp:“Từ sau covid, phụ huynh đã có sự thay đổi về nhận thức, thích cho các con sống trong không gian Việt, được chơi và học tiếng Việt. Đa phần phụ huynh một là gốc Việt cũng không nói được vì sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng ông bà gốc Việt nên muốn các con biết tiếng Việt. Đây là nỗ lực lớn phụ huynh đưa con đến, để cho các con tham gia, nguyên buổi chiều hoặc hẹn gửi là sự cố gắng”.
Ông Nguyễn Văn Tâm( đứng ngoài cùng) và lãnh đạo của Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Sec |
Nhiều hội đoàn người Việt đã tổ chức rất tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ phục vụ bà con cộng đồng, qua đó, tạo sự gắn kết và giúp cho thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hiểu về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc. Chi hội người Việt ở Trung tâm thương mại Sapa, Cộng hòa Séc đã trở thành nơi kết nối người Việt với quê hương, giúp con em kiều bào gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Hơn 20 năm nay, Trung tâm thương mại Sapa, Cộng hòa Sec đã tổ chức được các lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào. Những lớp học tiếng Việt đã giúp cho các em nhỏ kiều bào làm quen với ngôn ngữ dân tộc và duy trì tiếng nói nơi xa xứ. Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ tịch chi Hôi người Việt tại Trung tâm thương mại Sapa cho biết:“Trung tâm thương mại Sapa, Cộng hòa Sec được sự quan tâm của Đại sứ quán, Ủy ban và ban lãnh đạo Trung tâm nên tổ chức được các lớp tiếng Việt. Tại đây, các con được học tập và duy trì tiếng Việt. Mặc dù bà con xa quê hương, nhưng các gia đình động viên các con tối về nói được Hè có khoảng 80 cháu theo học. Còn hàng tuần tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật. Hè nghỉ 2 tháng các cháu vào Trung tâm tiếng Việt học”.
Cô giáo Thanh Tùng ( áo dài hoa xanh) cùng với các giáo viên kiều bào tham dự tập huấn tại Việt Nam |
Là địa bàn trên thế giới có rất ít các trung tâm và lớp học dạy tiếng Việt do nhiều lý do khách quan, nhưng bà con người Việt ở Hoa Kỳ luôn mong muốn con em mình gìn giữ được cuộc nguồn, bản sắc văn hóa. Không chỉ giúp các con giao tiếp bằng tiếng Việt trong gia đình, mà nhiều kiều bào đã thành lập được các lớp dạy tiếng Việt. Trường Âu Cơ do vợ chồng ông Nguyễn Công Chánh, việt kiều tại Mỹ thành lập nhiều năm nay nhằm giúp con em kiều bào học tiếng Việt. Điều đáng nói là Trường Âu Cơ dạy hoàn toàn miễn phí và các cô giáo ở đây cũng hoàn toàn làm tình nguyện. Trường Âu Cơ ngày càng phát triển bởi đây là nơi hội tụ của những người yêu và khát khao gìn giữ tiếng Việt. Cô giáo Lê Thanh Tùng chia sẻ: “Bên đó, học theo chương trình sách giáo khoa, người Việt ở Cali rất đông. Hàng năm, chúng tôi được tập huấn, nên kiến thức rất tốt. Những trung tâm tiếng Việt ở Sanfransisco\ do các anh chị em yêu và khát khao gìn giữ tiếng Việt tổ chức. TRung tâm hình thành lâu hơn 2 3 chục năm. Đem tiếng Việt cho các em sinh đẻ ở Mỹ, các em phải nỏi được, biết đọc và viết. Về Việt Nam, nói được. Bên Mỹ rất ít nhưng Cali có nhiều trung tâm. Tôi ở hội thánh tin lành cũng có lớp tiếng Việt”.
Các trường, trung tâm và lớp dạy tiếng Việt được tổ chức ở nước ngoài đã đáng ứng phần nào mong mỏi của cộng đồng người Việt nơi xa xứ gìn giữ tiếng nói dân tộc. Qua các lớp học, con em kiều bào được tìm hiểu văn hóa dân tộc, được nói tiếng Việt. Những lớp học tiếng Việt như thế càng cần được lan tỏa rộng rãi, kết nối được nhiều người Việt hơn, làm cộng đồng người Việt ngày càng phát triển vững mạnh.