(VOV5) - Những người trẻ cũng luôn tin tưởng vào đường lối và chính sách của nhà nước luôn động viên họ trở về.
Sau nhiều năm học tập ở nước ngoài, khá nhiều người trẻ đã lựa chọn con đường trở về. Một số thì ở lại làm việc vài năm, sau đó sẽ về làm việc trong nước. Dù có quyết định như thế nào, các bạn trẻ đều mong tiếp thu được những kinh nghiệm học tập ở các nước và sau đó cống hiến cho quê hương. Những người trẻ cũng luôn tin tưởng vào đường lối và chính sách của nhà nước luôn động viên họ trở về.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Anh Hoàng Minh Dương, du học sinh tại Anh sau những năm tháng học tập ở nước ngoài mong muốn được trở về Việt Nam làm việc. Khi được hỏi lý do trở về, anh Hoàng Minh Dương chia sẻ: muốn được học và tiếp thu những kiến thức ở nước ngoài, sau đó, sẽ tìm một công việc ở trong nước.
Hoàng Minh Dương, du học sinh Việt tại Vương quốc Anh |
Nếu nói về thu nhập thì ở Việt nam không cao như nước ngoài nhưng kèm theo đó, chi phí ở nước ngoài thì lại khá cao. Điều mà Hoàng Dương chờ đợi chính là sự ghi nhận từ trong nước đối với một du học sinh: “Hiện tại em đang tính đến phương án hoàn thành văn bằng của em với một số điểm cao nhất có thể.Và tiếp sau đấy sẽ là nhắm tới một công việc của một công ty ở Việt Nam để em quay trở về môi trường gốc của mình. Được quay trở về Việt nam,thì chắc mong muốn lớn nhất là nhận được sự đánh giá phù hợp đối với sinh viên quốc tế. Những kỹ năng được giảng dạy trong một môi trường đại học của nước Anh khá là đặc thù, đánh giá những kiến thức kỹ năng và môn học mà bọn em đã học được bên này”.
Các bạn trẻ người Việt tại Nhật Bản tham dự Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu |
Mong muốn của Hoàng Minh Dương cũng là suy nghĩ và niềm tin của các bạn trẻ người Việt đang học tập ở nước ngoài vào chính sách của Nhà nước. Đó cũng là lý do động viên khá nhiều bạn trẻ lựa chọn con đường trở về. Sau 10 năm ở Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh đã có một công việc ở nước ngoài nhưng cô lại lựa chọn con đường trở về. Khi được hỏi về những khó khăn, khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh chia sẻ:với cô không có gì là khó khăn và bỡ ngỡ bởi cô thường xuyên liên hệ với các nhà khoa học trẻ trong nước để cùng triển khai các dự án về môi trường. Tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh cho biết: "Thời gian tôi ở nước ngoài là 10 năm. Nhưng không phải là trong suốt thời gian đó, không phải là không có mối liên hệ nào với Việt Nam cả. Trước khi mà tôi về làm một số dự án về Việt Nam thì nhiều người cũng nói, đi xa lâu thế cũng có thể khó thích nghi trong cách làm việc. Có nhiều khác biệt giữa cách làm việc giữa Việt Nam và Mỹ. Nhưng bản thân tôi từ khi tôi bước chân ra nước ngoài, sinh sống và học tập ở nước ngoài thì tôi vẫn thường xuyên cập nhật, thường xuyên duy trì mối quan hệ với anh chị em cùng ngành, cùng lĩnh vực ở Việt Nam".
TS Nguyễn Thúy Anh, người Việt tại Hoa Kỳ |
Với những người trẻ, sự động viên của gia đình và nhất là chính sách của Nhà nước trong những năm gần đây đã giúp họ quyết định trở về. Những sự kiện, hội thảo, diễn đàn tổ chức ở trong nước với sự tham gia của những trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài là minh chứng về sự quan tâm của Nhà nước trong việc thu hút nguồn lực trí thức trẻ người Việt. Anh Đinh Văn Hoàng, từ Nhật Bản trở về tham gia Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã chia sẻ những cảm nhận của mình như sau: "Đoàn thanh niên, Trung ương Đoàn tổ chức cuộc gặp gỡ lớn như thế này. Các bạn du học sinh từ 20 quốc gia trở về tham dự. Với chủ đề đổi mới sáng tạo trong công cuộc cách mạng 4.0,tôi cảm giác chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm tới các bạn du học sinh và các bạn du học sinh cũng muốn được trao đổi, muốn được cống hiến nhiều hơn".
Những năm gần đây, đoàn lãnh đạo ở trong nước cũng tổ chức nhiều chuyến đi tới các quốc gia để gặp mặt bà con ở các nước. Qua những chuyến đi như vậy, lãnh đạo nhà nước đều cảm nhận được xu hướng mong muốn được trở về đóng góp cho quê hương của những người Việt trẻ. Ông Phạm Quang Hiệu, thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết: "Sau đại dịch, lãnh đạo Ủy ban cũng chia nhau ra đi gặp gỡ bà con ở các nơi. Khi mà tôi gặp nhóm sinh viên Việt Nam ở Niu Ooc thì câu hỏi đầu tiên mà nhóm này đặt ra là khi học xong,tốt nghiệp đại học thì việc quay trở về như thế nào,có chính sách gì để hỗ trợ, để thu hút…Rõ ràng là thế hệ thứ hai, thứ ba có xu hướng như vậy.Đây cũng là lẽ thường tình thôi. Xuất phát từ 2 chiều: một là, chính sách của chúng ta ngày càng rõ nét hơn quan tâm tới kiều bào. Hai là, trong bức trang kinh tế chung của thế giới không mấy sáng sủa thì kinh tế Việt Nam có những con số ấn tượng. Mỗi hội nhóm chúng tôi có cách làm riêng làm sao phát huy sức mạnh tổng hợp".
Luôn mong muốn và khát khao được mang những kiến thức, kinh nghiệm học và làm việc về quê hương, các bạn trẻ người Việt ở nước ngoài luôn suy nghĩ làm sao để giúp cho quê hương ngày một phát triển. Những chính sách, cơ chế từ trong nước ngày càng tiếp sức cho các bạn trẻ lựa chọn con đường trở về quê hương làm việc.