(VOV5) - Chùa Khánh An tại tỉnh Udon Thani là 1 trong 21 ngôi chùa Việt tại Thái Lan. Đặc biệt hơn cả, vào cuối tháng 1 vừa qua, chùa Khánh An là nơi mở ra lớp những lớp học dạy tiếng Việt chính thức tại Thái Lan.
Lớp học tiếng Việt do kiều bào tổ chức hưởng ứng phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng vừa được các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan phối hợp với các Hội Việt kiều phát động.
|
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam chụp ảnh cùng các thầy cô giáo dạy học tại chàu Khánh An. Ảnh: quehuongonline.vn |
Nghe âm thanh tại đây:
Những lớp học tiếng Việt chính thức được mở ra tại chùa Khánh An – một ngôi chùa Việt lâu đời tại tỉnh Udon Thani vào những ngày cuối tháng 1 vừa qua. Năm 2014, Hiệp hội doanh nhân Thái – Việt bao gồm thành viên là những Việt kiều định cư lâu năm tại Thái đã cùng nhau xây dựng thêm các dãy nhà, vừa là nơi sinh hoạt cho cộng đồng, vừa phục vụ cho dự định mở những lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào trong toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lam, Ủy viên Hiệp Hội doanh nhân Thái – Việt chia sẻ về những ngày đầu Hội mở các lớp dạy tiếng Việt: “Bắt đầu là trông coi trong chùa, xây dựng các nhà đa năng, khoảng 5, 6 gian và xây dựng thành lớp học. Mình có giáo viên cũ, những người trước đây đã dạy học, là những người trước đây đã dạy cho con em kiều bào. Có khoảng 20 giáo viên tình nguyện”.
Lúc mới thành lập, trường có 4 lớp học dạy tiếng Việt với 28 học viên, cho đến nay đã có 70 người theo học với độ tuổi từ 7 đến 60 tuổi. Tại đây có 2 lớp cho những người hoàn toàn không biết gì về tiếng Việt, 2 lớp học viên mới nói được một số câu tiếng Việt đơn giản nhưng không biết đọc viết, và 1 lớp cho người nói được, biết mặt chữ nhưng còn sai chính tả. Ngoài ra có 1 lớp dạy tiếng Việt cho các nhà sư Thái Lan.
Là một Việt kiều sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, ông Lương Xuân Hòa, Ủy viên Hội doanh nhân Thái - Việt, đồng thời thuộc quản lý chùa Khánh An, luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào: “Tôi thấy học là cái quan trọng nhất, nếu mình được dạy và học tiếng Việt từ nhỏ sẽ nhớ mãi, kéo dài 60 đến 70 năm. Bố mẹ được học từ nhỏ thì sau này sẽ hướng về tổ quốc, muốn về Việt Nam vì họ biết tiếng, con cái kéo một nhà một gia đình phải tới 10 người biết tiếng nếu một người được học. Điều này là rất tốt”.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Oanh trước đây vẫn thường hay dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại nhà mình. Cô chỉ dạy những lớp nhỏ cho những ai có nhu cầu nên giờ đây khi có những lớp tiếng Việt chính thức được mở tại chùa Khánh An, cô thấy vui lắm. Đầu tháng 2 vừa qua, cô Oanh cũng đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ ngoại giao với thành tích 13 năm tình nguyện giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. Cô giáo Oanh chia sẻ: “Qua 2 tháng học, thấy các cháu rất quan tâm đến việc học, vì bây giờ tiếng Việt Nam là một trong 10 tiếng của các nước ASEAN, nhất là Việt Nam mình là một trong những nước đứng trong hàng thứ nhất, thứ hai của các nước ASEAN, tiếng Việt là một thứ tiếng quan trọng. Bây giờ không chỉ người Việt mà người Thái cũng xin học. Các vị sư ở hai ngôi chùa cũng xin tới học”.
|
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho cô giáo Nguyễn Thị Xuân Oanh. Ảnh: quehuongonline.vn |
Điều đặc biệt là những lớp dạy tiếng Việt tại chùa Khánh An đều miễn phí. Để duy trì các lớp học này, ngoài công sức giảng dạy tình nguyện của 20 giáo viên phải kể đến những đóng góp của những Việt kiều tại tỉnh. Ông Nguyễn Quang Trung, Ủy viên Hiệp Hội doanh nhân Thái Việt bày tỏ: “Nguồn kinh phí là do đóng góp. Doanh nhân Việt Nam, Hội người Việt Nam tỉnh Udon, cộng dồng đóng góp để giúp nhau. Còn việc sửa sang chùa là do một số anh em doanh nhân”.
Mái chùa thiêng liêng cổ kính trong đất nước cho đến những nơi xa xôi từ lâu luôn là chốn che chở hồn dân tộc. Không chỉ là nơi lưu giữ nếp sống của tổ tông và nếp sinh hoạt tín ngưỡng, chùa Khánh An tại Thái Lan giờ đây còn là nơi gìn giữ và phát huy tiếng Việt. Những Việt kiều ở Thái Lan giờ đây hoàn toàn có thể tin tưởng rằng con em mình dù ở thế hệ thứ 3 hay thứ 4 vẫn có thể duy trì được tiếng nói quê hương mình.