(VOV5) - Văn hoá dân gian của dân tộc Hà Nhì rất phong phú, gồm nhiều điệu múa, làn điệu dân ca, nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Nền văn hoá dân gian này làm giàu đời sống tinh thần của người Hà Nhì.
|
Bà con người Hà Nhì với điệu múa dệt vải (Ảnh: baolaichau.vn) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Hà Nhì sống miền núi cao, gần khu vực biên giới, nên ít chịu ảnh hưởng từ văn hoá của các dân tộc khác. Các làn điệu dân ca, các điệu múa của người Hà Nhì như sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp một dân tộc dù chưa có chữ viết, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn lưu truyền được di sản văn hoá truyền thống của riêng mình. Anh Lý Mở Chừ, dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết: "Các bài dân ca điệu múa của người Hà Nhì rất quý. Người Hà Nhì di cư, bỏ lại phía sau nhiều thứ, không còn chữ viết riêng của mình, nhưng những bài hát dân ca, điệu múa cứ được thế hệ này truyền đến thế hệ kia. Từ thế hệ các cụ đến ông cha truyền lại cho con cháu, nhờ đó người Hà Nhì giữ được bản sắc dân tộc đến ngày nay".
Nói đến di sản âm nhạc dân gian của người Hà Nhì, trước hết phải kể đến các điệu hát đối, hát giao duyên. Các đôi trai gái Hà Nhì đến tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau thường thông qua lối hát đối, hát giao duyên để nói lên tâm tư, tâm sự của mình.
|
Múa mặt trăng |
Trong sinh hoạt âm nhạc của người Hà Nhì, các loại nhạc cụ, nhạc khí hơi hầu như không thể thiếu trong những buổi hát giao duyên tỏ tình giữa trai, gái. Nhạc cụ của dân tộc Hà Nhì có đủ loại: khí hơi, gẩy, gõ. Nhạc khí hơi có: “Chí Papô” là loại nhạc khí giống như chiếc khèn lá của người Mông. Khèn lá ”Chí Papô” được làm từ một chiếc lá tươi bứt trên cành gập lại rồi đưa lên miệng thổi, âm thanh phát ra trong trẻo, tươi sáng như chim hót. Loại nhạc khí nữa là: “Là tỳ” cũng giống như chiếc đàn môi nhưng có 1 lá đồng hình lưỡi gà ở giữa. Khi gảy đàn môi, người ta phải ngậm cả lưỡi gà vào miệng. Một loại nhạc khí nữa có tên “Am ba” là một ống rạ còn tươi dài khoảng 25 cm phía thổi là đầu mấu ống. Khi thổi ngậm toàn bộ phần phát âm vào miệng rồi đặt lỗ phía dưới ống vào giữa hai lòng bàn tay úp kín vào nhau, tạo thành hộp cộng âm phát ra âm thanh.Trai gái Hà Nhì khi tỏ tình với nhau thường dùng các loại khèn lá, đàn môi, sáo dọc. Tuy nhiên, việc sử dụng nhạc cụ đôi khi cũng chỉ là cái cớ để họ tìm đến nhau.
Anh Lê Sỹ Thọ, cán bộ nghiên cứu dân tộc Hà Nhì của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Trong tìm hiểu người bạn đời, các đôi trai gái Hà Nhì thích ngồi tâm sự với nhau hơn. Các chàng trai Hà Nhì đi tìm vợ không phải chỉ thông qua âm nhạc, mà còn qua các công việc hàng ngày. Một chi tiết thú vị nếu các chàng trai nhìn vào đống củi nhà cô gái thấy đống củi ấy to và cao và nhiều củi tốt thì chàng trai nghĩ đó là cô gái chăm chỉ siêng năng. Khi đó các chàng trai mới dùng nhạc cụ để rủ rê cô gái tán tỉnh".
Các loại nhạc khí hơi cũng người Hà Nhì sử dụng trong cả lễ hội, trong tang ma và trong việc cưới xin, còn nhạc khí gõ gồm: trống, chập cheng, thanh la thường được người Hà Nhì sử dụng trong các ngày hội, ngày tết nhằm biểu hiện sức mạnh tập thể với những tiết tấu khỏe mạnh chắc chắn.
Người Hà Nhì có nhiều thể loại dân ca kết hợp các điệu múa như: hát ru con, hát mời rượu, hát đưa ma, hát chào khách, hát mừng nhà mới, mừng lúa mới; hát dệt vải... Những bài dân ca này thường được kết hợp với các màn múa trong một số lễ hội đặc trưng của dân tộc Hà Nhì. Anh Lê Văn Thiết, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Các điệu hát múa của người Hà Nhì hầu như để mô tả lại những phong tục tập quán, trong đó có điệu múa đặc sắc như điệu múa se sợi. Đó là điệu múa diễn lại các động tác se sợi. Điều đó cho thấy âm nhạc điệu múa phần nào phản ánh các phong tục tập quán. Còn trong lễ hội Khô già già, lễ hội lớn nhất của người Hà Nhì, bao giờ cũng có điệu múa mang tính chất tập thể. Đó là một dạng múa Saman giáo ( tức là điệu múa phục vụ cho tôn giáo) đó là điệu múa kết hợp giữa âm nhạc và lời cúng của thày cúng".
Đời sống văn hóa của người Hà Nhì hiện có sự giao thoa với nền văn hoá các dân tộc khác. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian thực sự ngạc nhiên khi thấy trong sinh hoạt cộng đồng của người Hà Nhì đã xuất hiện những bài hát nội dung mới, thậm chí những bài hát từ nước ngoài, được thể hiện bằng tiếng Hà Nhì. Phải chăng bằng cách ấy, nét văn hóa truyền thống của người Hà Nhì tiếp tục được lưu truyền trong cuộc sống mới.