Tục trùm chăn và đám cưới của người Hà Nhì

(VOV5) -  Trùm chăn đi tìm người yêu là phong tục có từ bao đời nay của người Hà Nhì đen.


Trong quan hệ hôn nhân, người Hà Nhì ít chịu sự ràng buộc của những lễ giáo phong kiến. Nam nữ thanh niên dân tộc Hà Nhì được tự do yêu đương, tìm hiểu nhau trước khi cưới. Đám cưới của người Hà Nhì trước đây hết sức giản dị, đôi khi chỉ cần một con gà trống, chú rể đã có thể đón cô dâu về nhà.

Tục trùm chăn và đám cưới của người Hà Nhì - ảnh 1
Trai giá Hà Nhì tự do yêu đương, tìm hiểu. Ảnh: DVO



Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Theo phong tục truyền thống, trong các lễ hội của dân tộc mình, mỗi khi hát giao duyên, trai gái  Hà Nhì thường trùm chăn hát cùng nhau để thổ lộ tâm tình và để đi đến hôn nhân, người Hà Nhì đen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai  còn có tục trùm chăn đi tìm người yêu. Các chàng trai Hà Nhì phải trùm chăn đi một mình đến nhà bạn gái, rủ cô gái ra ngoài tâm sự, tìm hiểu người mình yêu. Anh Lý Mờ Xá, dân tộc Hà Nhì ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết: “Ít nhất phải 3-4 lần như thế để đi đến nhà bạn gái.  Những đêm đi trùm chăn như thế để còn tìm hiểu, hiểu nhau hơn.  Hàng năm Tết đến rủ nhau đi chơi chứ không phải, chứ chưa quen nhau bao giờ,  thì không thể rủ đi chơi được”.


Trùm chăn đi tìm người yêu là phong tục có từ bao đời nay của người Hà Nhì đen. Con trai trong các bản của người Hà Nhì, khi đến tuổi trưởng thành có thể rủ chúng bạn đi trùm chăn tìm hiểu bạn đời. Tối tối khi cơm nước đã xong, cũng là thời điểm thanh niên trong bản tụ họp, rủ nhau đi trùm chăn. Không phải chàng trai nào cũng đem sẵn tấm chăn để đi trùm chăn. Đôi khi chỉ cần qua trao đổi, theo quy ước, các chàng trai có thể mượn chăn của nhau để đến nhà bạn gái rủ đi chơi. Trước khi đi trùm chăn, người con trái đã có ý phải lòng người con gái mà mình thích. Đến cổng nhà cô gái, chàng trai bèn giũ chiếc chăn thành tấm vải rộng, trùm từ đầu đến chân rồi tiến vào trong nhà. Tới nơi cô gái đang ngồi, chàng trai bèn nắm tay, đỡ cô gái đứng dậy. Gia đình cô gái nhìn thấy vậy sẽ hiểu, con gái trong nhà đã có người đến tìm hiểu tâm sự. Nếu đồng ý thì cha mẹ cô gái sẽ làm ngơ để chàng trai đưa cô gái ra ngoài nói chuyện. Chị Cao Si Mẩy ở huyện Bát Xát, cho biết: “Có khi cha mẹ đi ra chỗ khác để con gái và chàng trai đỡ ngại khi phải tiếp xúc. Hai người ra ngoài biết nhau hoặc chưa biết nhau, thì nói chuyện tâm sự. Nếu cô gái thích thì ngồi lại, còn nếu không đồng ý thì về. Khi ngồi nói chuyện hai người có thể đắp chung cái chăn đó, vì thời tiết buổi tối ở vùng cao rất lạnh”.


Theo quan niệm của dân tộc Hà Nhì, tục trùm chăn đơn giản là để có dịp bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên người con gái không được có con trước khi cưới, bởi nếu không cô gái đó và cả chàng trai sẽ phải chịu hình phạt khắt khe của làng. Người phụ nữ nếu có con trước khi cưới sẽ phải ra sống ở ngoài làng cho đến khi có người đàn ông nhận làm vợ thì mới được quay trở về làng.


Khi cưới nhau, người Hà Nhì không tổ chức cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều nghi thức, lễ vật.  Đám cưới của người Hà Nhì trước đây rất đơn giản,  lễ vật cưới có khi chỉ là con gà trống. Chị Cao Si Mẩy, lý giải: “Cưới ở bên nhà trai chỉ cần một con gà trống để làm lễ báo với tổ tiên nhà mình, có khi lấy vợ cũng không xin phép bố mẹ vợ, chỉ cần yêu nhau là đưa nhau về làm nghi lễ báo cho tổ tiên biết, sau đó chú rể mời anh em họ hàng bạn bè trong làng đến cùng ăn uống chia vui là xong đám cưới. Đến hôm sau  mới thông báo cho nhà gái”.


Đó là những đám cưới  trước đây, còn ngày nay đám cưới tuy vẫn giữ một số nét phong tục xưa, nhưng đã gần hơn với cuộc sống hiện đại. Trai gái yêu nhau tự định ngày cưới thì tiến hành các nghi thức cho đám cưới. Lễ dạm hỏi gồm ba bước: Lần đầu người mối mang lễ vật sang nhà gái nói chuyện về việc cưới xin. Lần hai, ông mối mang thêm một đồng bạc trắng biếu cô dâu tương lai. Lần thứ ba, ông mối sang xin nhà gái định ngày cưới.  


Theo phong tục truyền thống, nhiều gia đình Hà Nhì thường tổ chức đám cưới lần thứ hai khi có điều kiện, gia đình làm ăn khấm khá. Nhiều người 50, 60 năm sau khi đã có con cháu mới tổ chức lễ cưới lần hai. Đám cưới lần thứ hai thường được tổ chức chu đáo, vui tươi, hạnh phúc, từ đó tạo thêm sự gắn bó giữa hai bên gia đình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác