(VOV5) - Các chùa ở tỉnh Trà Vinh tham gia dạy học cho học sinh là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhân văn, góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc Khmer cho người dân trên địa bàn.
Dạy chữ Khmer ở các chùa Phật giáo Nam Tông từ trước đến nay đã trở thành truyền thống ở tỉnh Trà Vinh. Tỉnh có 143 chùa thì chùa nào cũng mở lớp dạy tiếng Khmer. Học viên không phân biệt dân tộc, giới tính, có đủ mọi lứa tuổi từ trẻ em, người lớn đến các phật tử, nhà sư.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trà Vinh là tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống đông thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước, sau tỉnh Sóc Trăng. Toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 1 triệu người, trong đó hơn 300 ngàn người là dân tộc Khmer, chiếm gần 30% dân số.
143 chùa Khmer trong tỉnh đều tổ chức dạy chữ Khmer. Chùa nào không có chỗ dạy học thì mượn nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc điểm trường để dạy chữ Khmer trong dịp hè. Mỗi năm, trước mùa Hè, nhà chùa đều chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất để đón học sinh đến học ngôn ngữ mẹ đẻ. Những học sinh, học viên khó khăn được nhà chùa hỗ trợ sách vở, bút, dụng cụ học tập. Tham gia giảng dạy tại các chùa chủ yếu là các nhà sư, tình nguyện viên. Họ không hề nhận bất kỳ một khoản đóng góp nào từ học trò hay nhà chùa.
Huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có 15 chùa, trong đó chùa Kompong Đung - còn gọi là chùa Ô Đùng, là nơi có rất đông học sinh đến học. Tuy số lượng đông, nhưng các lớp học vẫn được nhà chùa tổ chức giảng dạy nghiêm túc, bảo đảm đúng theo giáo trình của ngành giáo dục.
Lớp học ở chùa Ông Mẹt. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5 |
Thượng tọa Kim Mạnh, trụ trì chùa Kompong Đung, cho biết: "Không chỉ học sinh, chư tăng trong huyện học mà các huyện khác cũng qua học đạo ở đây. Chùa chuẩn bị tổ chức thi trung cấp bali Khmer lớp 9 và lớp 12 cuối năm 2022, đầu năm 2023. Ban quản trị chùa, sư cả dạy học trong dịp hè để học sinh biết chữ, biết phong tục tập quán của dân tộc nữa. Nhà chùa cũng như các vị chư tăng cố gắng bảo tồn, gìn giữ nét đẹp bản sắc của dân tộc Khmer."
Lớp học đối với trẻ em thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vào dịp nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, lại giúp được các em biết chữ Khmer để giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống dân tộc mình. Cũng có chùa mở lớp học theo lịch học giống như ngành giáo dục quy định đối với đông đảo nhân dân và các tầng lớp sư sãi Khmer.
Từ huyện Trà Cú lên thành phố Trà Vinh học chữ ở chùa Ông Mẹt, sư Kim Hoàng Trung cho biết: "Một năm học bình thường trong 9 tháng. Tuy nhiên mỗi tháng nghỉ 4 ngày. Học 10 môn, nội dung học môn tiếng Khmer thì áp dụng chương trình giảng dạy giống như đại học. Học 4 tiếng 1 môn. Chính tả học từ lớp 1 đến 12, tiếng Khmer, toán, văn, tiếng Bali… Thày giáo ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh lên dạy. Thày tự nguyện đi dạy học miễn phí. Thày từng đi học Tiến sĩ ở Ấn Độ về dạy tiếng Bali."
Lớp học ở chùa Kompong Đung. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5 |
Cái khó lớn nhất hiện nay của các chùa là ngày càng có nhiều học sinh theo học, nhưng các chùa thiếu giáo viên, phòng học. Đa số giáo viên là các vị sư, tình nguyện viên đều chưa qua trường lớp sư phạm, nên nghiệp vụ sư phạm còn hạn chế. Tuy vậy, ý thức được việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống của dân tộc, nên cha mẹ học sinh luôn khuyến khích con em đến chùa học.
Chị Kim Thị So Phát, một người dân tỉnh Trà Vinh đưa con đi học ở chùa Ông Mẹt, kể: "Ở đây người ta học nhiều. Tôi cứ mấy hôm lên thăm con một lần. Con học 2 năm nữa mới ra trường. Học xong dễ xin việc làm."
Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn giáo dục về đạo đức, nhân cách sống, lòng hiếu thảo và các nghi thức giao tiếp, ứng xử... Qua đó, giúp các học viên khôn lớn, trưởng thành sau này.
Đại đức Sơn Kenne ở chùa ông Mẹt cho biết: "Chùa có lớp học chư tăng và phật tử học, mỗi lớp 31 chư tăng. Một năm dạy 9 tháng. Học phật học nữa, ở đây đang mở lớp trung cấp phật học. Sơ cấp 3 năm trung cấp 4 năm nên khóa học thành 7 năm. Phật giáo Nam Tông có 143 chùa thì gần như chùa nào cũng mở lớp học, sơ cấp có trung cấp cũng có."
Các chùa ở tỉnh Trà Vinh tham gia dạy học cho học sinh là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhân văn, góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc Khmer cho người dân trên địa bàn.