(VOV5) - Là ngôi chùa duy nhất ở tỉnh Trà Vinh có nhiều cò về sinh sống nên ngôi chùa này cũng được ví như sân chim ở tỉnh Trà Vinh.
Chùa Phnô Đôn là một trong những ngôi chùa đồ sộ và hoành tráng nhất trong hệ thống 143 ngôi chùa tại tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa này có không gian rộng lớn, kiến trúc lộng lẫy, mang đậm bản sắc văn hóa Khmer, là điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi du khách có dịp ghé thăm tỉnh Trà Vinh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chùa Phnô Đôn (còn có tên là chùa Giồng Lớn hay chùa Cò) tọa lạc tại xã Đại An, huyện Trà Cú, cách thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về hướng Nam. Ngôi chùa được xây dựng năm 1677 trên mảnh đất màu mỡ phù sa bên con kênh lớn của xã Đại An nên còn có tên là chùa Giồng Lớn.
Chính điện chùa Phnô Đôn. Ảnh: tripmap.vn |
Người Khmer gọi chùa là Wat Phnô Đôn vì xung quanh chùa có nhiều cây dừa (tiếng Khmer Wat là chùa, Phnô là giồng cát, Đôn là cây dừa). Khuôn viên chùa được bao bọc bởi những rặng tre xanh, những hàng cây sao, cây sầu đâu, cây dầu rợp bóng mát quanh năm, vòng ngoài là cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Bởi thế nên rất đông chim, cò, vạc về đây làm tổ và người dân gọi là chùa Cò.
Cổng vào chùa Phnô Đôn
|
Anh Trịnh Văn Minh, một người dân xã Đại An, kể:"Chùa có cò về ở nên gọi là chùa Cò. Thường thường cò về đậu tháng mưa nhiều, làm tổ, đẻ con. Đây là chùa nổi tiếng nhất, đẹp, to nhất ở tỉnh Trà Vinh. Chùa thu hút đông khách thập phương tham quan, vãn cảnh. Ngày lễ, Tết cuối năm đông khách tham quan, có ít khách nước ngoài nữa."
Chùa Phnô Đôn có kiến trúc truyền thống của người Khmer. Lối kiến trúc đặc sắc này được thể hiện trên tất cả các công trình lớn nhỏ từ cổng chùa, chính điện cho đến nhà tăng, nhà hội, tháp đựng cốt… Mỗi hạng mục đều là sự kết hợp hài hòa của sơn son thếp vàng và các hoa văn, họa tiết với màu sắc rực rỡ. Ngay khi tới cổng chùa, du khách lập tức thu hút bởi cổng tam quan đầy ấn tượng của chùa. Cổng được chạm trổ những hình thù cầu kì, trong đó phải kể đến 4 bức tượng tiên đang giơ hai tay chống đỡ lấy mái được tạo tác rất tỉ mỉ. Trên cổng còn được trang trí bằng những bức họa nổi hình hoa sen ở hai cột hai bên, trong cổng là những bức bích họa hình các vị thần.
Ông Trần Kẹo, Trưởng Ban quản lý chùa Phnô Đôn, cho biết: "Chùa có lịch sử hơn 340 năm rồi. Chính điện chùa là quan trọng nhất. Chính điện cao khoảng 50 m, rộng hơn 60 m, dài hơn 100 m. Các tượng chằn ngoài chính điện cầm vũ khí để bảo vệ ngôi chính điện. Chùa có các tượng cô gái đứng chào hỏi. Trong chùa có cột cờ hình tượng con chim hai bên treo cờ Phật giáo và cờ Quốc kỳ. Chùa là di tích cấp tỉnh, là điểm tham quan du lịch, có cả khách nước ngoài đến tham quan."
Khu vực chính điện của chùa mang một vẻ đẹp lộng lẫy, trang trí những bức họa và tượng Phật được chế tác tinh xảo. Mái chính điện thiết kế với những đường nét cong uốn lượn mềm mại, đẹp mắt theo hình đuôi rồng. Phía trên có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc với người Khmer như: thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Keynor, Riehu (Reahu), Mahaknốt… tạo nên một không gian tráng lệ. Khu vực Điện Phật trong chùa được bài trí bề thế, bên trên có đặt pho tượng Đức Phật Thích Ca to và bên dưới đặt 6 pho tượng nhỏ ở trong tư thế Phật thành đạo, chỉ có 2 pho tượng khác trong tư thế trì bình khất thực (là hình ảnh nhà sư ôm bình bát đi khất thực).
Sư cả Trương Văn Biển, trụ trì chùa Phnô Đôn, cho biết: "Chùa người Khmer thường có hoa văn hình con rồng, con xà điêu, hình chư thiêng, tượng chằn cai trị ma vương, cõi âm, trấn ma quỷ. Bức tượng 4 mặt ám chỉ phạm thiên chỉ cho những người làm cha mẹ, các bậc vua chúa, ám chỉ người phải có bổn đức, từ bi hỷ xả. Người Khmer đi lên chùa để tu dưỡng tâm hồn của họ. Thường thường vào các ngày 1, 8, 15, 30 âm lịch, các phật tử đều đến chùa cúng đường, họ đem cơm, thực phẩm cho các sư. Khi xây dựng hay trùng tu chùa, người dân tự nguyện đóng góp, ai có nhiều góp nhiều ai có ít góp ít."
Mỗi ngôi chùa Khmer đều là một công trình nghệ thuật, trong đó không thể không nhắc đến chùa Phnô Đôn ở tỉnh Trà Vinh. Là ngôi chùa duy nhất ở tỉnh Trà Vinh có nhiều cò về sinh sống nên ngôi chùa này cũng được ví như sân chim ở tỉnh Trà Vinh.