(VOV5) -ở mỗi bản hoặc mỗi vùng đều có những người có sổ sách và biết tính toán, gọi là “ ông mo” hoặc “ po mự” để bà con xem ngày lành, tháng tốt.
Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Thái đen ở tỉnh Sơn La đã có cách tính lịch rất riêng. Lịch này được bà con sử dụng trong tất cả mọi việc của đời sống thường ngày như: tang lễ, cưới xin, dựng nhà, lên nhà mới, sản xuất gieo trồng v.v.... Lịch của người Thái đen góp phần làm kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Thái thêm phong phú, đặc sắc và rất cần được bảo tồn và phát triển.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lịch cổ của người Thái đen là một trong những di sản văn hóa có giá trị cao còn tồn tại đến ngày nay cùng với lịch sử tộc người Thái. Nó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi các ông "mo" hay "po mự" (người chuyên xem ngày lành, tháng tốt trong một vùng). Trong các tác phẩm văn học cổ, ca dao của người Thái, cách đây trên nghìn năm, tổ tiên của người Thái thiên di đến vùng đất mới Mường Lò, mở mang bờ cõi ra các vùng Tây Bắc đã mang theo cả ông Mo, ông Nghè với sổ “pặp mự” để phục vụ cho việc tính ngày tháng trong mọi công việc. Như vậy, tổ tiên của người Thái đen biết dùng lịch để phục vụ đời sống đã trên ngàn năm nay.
Nội dung trong lịch Thái ở tỉnh Sơn La. Ảnh VOV |
Lịch của đồng bào Thái căn cứ vào sự thay đổi của mặt trăng, mỗi chu kỳ thay đổi của mặt trăng là 1 tháng. Tiếng Thái gọi tháng là "bươn" trùng với tên gọi mặt trăng, tức là một tháng có nghĩa là một trăng. Đồng bào Thái tính một năm có 12 tháng như dương lịch, nhưng chênh với lịch dương- lịch âm chung của người Việt đang sử hiện nay là 6 tháng. Trong các tác phẩm văn học cổ, ca dao của người Thái đã dùng tháng để chỉ khí hậu thời tiết, chẳng hạn: Tháng giêng mưa rả rích, tháng hai nơi mưa nơi không, tháng ba nước đầy bến, tháng tư nước rỉ phai, tháng năm mưa giã từ bông lau, tháng sáu sấm suông lạnh cóng, tháng bảy gió cuộn gió lùa.... Bà con dựa vào thiên nhiên là biết được mùa vụ để gieo trồng cho hợp lý. tháng của người Thái với tháng âm lịch khác nhau. Đồng bào Thái thường nhìn vào mặt trăng trên trời mà đoán ngày, tháng trong năm. Người có kinh nghiệm thì năm nào sẽ mưa nhiều, gió nhiều thì người ta nhìn vào cây cối, con kiến làm tổ thấp thì sẽ gió nhiều, con kiến làm tổ cao thì sẽ ít có gió bão.
Ông Lò Văn Chung, ở phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, người nghiên cứu về lịch của đồng bào Thái cho biết: "Ngày xưa bà con thường nhìn vào quả trong rừng chín thì gieo trồng cho kịp thời vụ, như quả “ hay” chín thì xuống mạ, quả “ hả” chín thì xuống cấy. Nhưng trong các bản của đồng bào Thái vẫn có người có cuốn sổ xem ngày, bà con thường tìm đến xem ngày lành, tháng tốt."
Cách tính tử vi của người Thái đen. Ảnh VOV |
Ngày nay, người Thái đen ở các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mai Sơn, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La); Tuần Giáo, Mường Ẳng, Điện Biên, Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên); Tân Uyên, Than Uyên (tỉnh Lai Châu); Mường Lò, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái)... vẫn đang dùng rất phổ biến lịch Thái trong đời sống hàng ngày. Hầu hết mọi người đều biết dùng và vận dụng vào mọi khía cạnh sinh hoạt. Ở mỗi vùng, mỗi bản đều có các ông "mo" hoặc “po mự" để lo việc xem ngày tốt, xấu cho những ai có nhu cầu như các ngày cưới vợ, gả chồng, dựng nhà, lên nhà mới… Các ông mo thường có cuốn sổ cổ làm căn cứ cho việc tính toán lịch và chọn ngày, chọn giờ phục vụ cho nhân dân có nhu cầu.
Ngoài tính lịch theo tuần trăng, ở mỗi bản hoặc mỗi vùng đều có những người có sổ sách và biết tính toán, gọi là “ ông mo” hoặc “ po mự” để bà con xem ngày lành, tháng tốt. Trong cách tính lịch của mình, đồng bào Thái sử dụng 10 can, 12 Chi, tương đương trong hệ đếm Can Chi. Nhận thấy sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị của lịch Thái, năm 2005, ông Cà Văn Chung, nguyên cán bộ người dân tộc Thái thuộc Sở Khoa học-công nghệ tỉnh Sơn La đã đề xuất và thực hiện thành công đề tài: Nghiên cứu, biên soạn và tin học hoá lịch Thái ở Sơn La. Theo đó, ông đã xây dựng thành công chương trình lịch Thái cho máy tính, có thể tra cứu từng ngày từ năm 1800 đến năm 2199 (400 năm) giữa dương lịch, âm lịch và lịch Thái. Ông Cà Văn Chung cho biết: "Về lịch Thái đã cho vào máy tính rồi, hội Văn học dân gian Việt Nam cũng đã in thành quyển. Lịch cứ tính theo từng năm, rồi tính năm kế tiếp cho đến 400 năm, lưu để trong máy tính. Các cơ quan như Hội Văn học dân gian Việt Nam đã in ra cuốn lịch 7 tập, đến 400 năm. Tôi mong sẽ có nhiều người biết đến lịch này.”
Bằng việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên, cây cỏ xung quanh mình mà người Thái có cách tính lịch cổ điển nhất, đó chính là những cơ sở thực tế cổ xưa nhất để con người làm nên lịch phục vụ chính cuộc sống của mình. Lịch của người Thái đen Tây Bắc cùng với những giá trị văn hóa khác làm nên bản sắc của một tộc người rất đáng trân trọng và giữ gìn.