(VOV5) - Sinh ra từ vạt rừng, lớn lên từ khe núi, vì thế người Cống Nậm Khao, huyện Mường Tè, có kho tàng văn hóa mang đậm màu sắc của núi rừng, của cỏ cây, hoa lá, chim muông.
Dân tộc Cống hay còn gọi là dân tộc Xá, Màng... cư trú tập trung ở khu vực Tây Bắc, chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Đây là một trong các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vừa tất bật đồ xôi, nấu nướng để chuẩn bị lương thực cho gia đình lên núi làm nương, chị Lò Thị Dung, dân tộc Cống, ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, vừa ngân nga điệu dân ca quen thuộc. Những làn điệu dân ca này xuất phát từ đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con. Khi được ghi chép lại, hát lên, đã trở thành món ăn tinh thần, như cơm ăn, nước uống không thể thiếu với đồng bào dân tộc Cống. Chị Dung cho biết: "Người Cống có một số làn điệu dân ca, như: Con Gà gáy. Những làn điệu dân ca này chủ yếu do ông bà ngày xưa truyền miệng cho con cháu. Đến thời điểm hiện tại, chủ yếu trẻ em trong bản tiếp thu và phát triển hát."
Bản người Cống tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: VOV |
Cùng với dân ca, các điệu dân vũ của người Cống cũng mang nét đặc sắc với các động tác mạnh mẽ, dứt khoát... tái hiện hoạt động trong sản xuất và đời sống của bà con nơi đây. Đặc biệt, các điệu múa của dân tộc Cống với nhiều động tác uyển chuyển, mạnh mẽ, tượng trưng cho hoạt động gieo lúa, gặt lúa và cùng vui hội khi được mùa... Chị Lò Thị Dung chia sẻ thêm: "Bài múa Py Luym sẽ múa vào những ngày lễ, tết truyền thống của dân tộc, như: Tết Ngô hoặc lên nhà mới, ngày cưới. Như ngày xưa thì múa các điệu như thế, chủ yếu là ông bà múa ở nhà, ở bản thôi. Bây giờ truyền lại cho con cháu để con cháu đi giao lưu, giới thiệu các điệu múa của dân tộc mình."
Một buổi giao lưu văn hóa trong cộng đồng người Cống ở Nậm Khao. Ảnh: VOV |
Nói đến văn hóa của người Cống ở Nậm Khao không thể thiếu các lễ hội truyền thống, trong đó có tết cổ truyền Quề La Loong, hay còn gọi là Tết Ngô. Tết này thường được bà con tổ chức vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 Âm lịch hằng năm, khi thu hoạch xong vụ ngô. Đây là dịp để bà con tụ họp, vui chơi sau một năm lao động vất vả và cũng là dịp để dân làng cảm tạ các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ, cầu cho năm mới mưa thuận gió hoà, gia đình, làng trên xóm dưới ấm no hạnh phúc...
Để đón Tết Ngô, người Cống phải chuẩn bị trước đó nửa năm, nuôi con lợn cho thật béo, con gà thật săn thịt và trồng cây ngô thật sai bắp để cuối năm trình báo thần linh tổ tiên. Trước ngày Tết, gia đình sẽ có một buổi họp để phân công nhiệm vụ chuẩn bị cho cái Tết được trọn vẹn, chu đáo nhất theo đúng phong tục truyền thống.
Trong mâm lễ dâng cúng tổ tiên, thần linh, trên ban thờ của người Cống không thể thiếu những món được chế biến từ ngô, như: bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc, rượu ngô và những sản vật của núi rừng. Người Cống dâng lên thần linh trên trời và tổ tiên những lễ vật này để cầu mong đấng thần linh phù hộ, độ trì cho con cháu năm tới có mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Đặc biệt, không thể thiếu 12 con cua đá, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Bà Chang Thị Lim, dân tộc Cống, ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết: "Trước đây không có gạo, không có cơm ăn, người Cống phải ăn ngô là chủ yếu, nên lấy ngô làm các món ăn để thờ cúng tổ tiên. Ngày xưa vất vả lắm. Ông bà ngày xưa cúng bằng ngô như thế nào thì truyền lại để bây giờ chúng tôi cũng cúng như vậy."
Dân tộc Cống là 1 trong số 4 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người ở Lai Châu. Dân tộc Cống chỉ có hơn 370 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè. Dù ít người nhưng đồng bào Cống hiện nay còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống trong tiếng nói, kiến trúc nhà ở, trang phục, lễ hội, phong tục tập quán, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, cho biết: "Hiện nay, dân tộc Cống còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với cộng đồng. Cụ thể, phải kể đến những nét đẹp văn hóa mang giá trị truyền thống như lễ hội Tết Ngô, Mừng cơm mới, lễ hội kết thúc một mùa vụ (Mìn Lóng Phạt). Các giá trị trang phục truyền thống, trình diễn dân gian cũng đang được đồng bào dân tộc Cống bảo tồn, gìn giữ."
Sinh ra từ vạt rừng, lớn lên từ khe núi, vì thế người Cống Nậm Khao, huyện Mường Tè, có kho tàng văn hóa mang đậm màu sắc của núi rừng, của cỏ cây, hoa lá, chim muông. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, kho tàng văn hóa của người Cống đang được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn, phát huy, từng bước tô đẹp thêm sắc màu văn hoá trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.