Dao Khâu – nhóm Dao tiêu biểu của cộng đồng dân tộc Dao Lâm Thanh -   04 Tháng Sáu 2014 | 13:28:38 (VOV5) - Người Dao Khâu hay còn gọi là Kim Miền (hoặc Kìm Miền), là 1 trong những nhánh Dao di cư sang Việt Nam sớm nhất nên họ được xem như thuộc nhóm Dao đại bản, tức người đến trước trong cộng đồng dân tộc Dao. Phóng viên Lâm Thanh giới thiệu về Dao Khâu- nhóm Dao tiêu biểu của cộng đồng dân tộc Dao. Thiếu nữ Dao Khâu Nghe nội dung chi tiết tại đây: Do điều kiện lịch sử, người Dao Khâu, một nhóm của dân tộc Dao di cư vào vùng đất Lai Châu và định canh, định cư chủ yếu ở vùng Sìn Hồ, tại các xã Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, Làng Mô, Huổi Luông, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Về nguồn gốc tên Dao Khâu, Bà Tẩn Mí Vản ở xã Tà Phìn, giải thích nôm na về tên gọi của dân tộc mình: “Người Dao mình ngày xưa không có ai làm dệt, làm chỉ. Có người Làn Tẻn, người Thái, người Lự làm ra, mình mua về khắc thêu, khắc làm thôi. Không biết dệt, chỉ biết khâu quần, khâu áo nên nó mới bảo là Dao Khâu”. Nhưng theo nghiên cứu của Tiến sỹ Vi Văn An, Trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm khu vực Đông Nam Á, thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Dao Khâu chỉ là tên mà ngày xưa người Thái vùng Sìn Hồ thường hay gọi cộng đồng này. Thực chất, đây là tộc người thuộc nhóm Dao Đỏ: "Người ta giải thích là người Dao ở đây cứ khâu suốt ngày. Trong Dân tộc học họ được xếp vào nhóm Dao Đỏ. Áo của phụ nữ bao giờ cũng có viền trên cổ là bông đỏ. Nhưng khi tự nhận nhóm, người ta không nhận là Dao Đỏ mà nhận là Dao Khâu. Và khi nhận tộc người thì bao giờ họ cũng gọi là Kiềm Miền hoặc Đại Bản – tức người đến trước, thuộc ngành anh". Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là nơi có nhiều người Dao, nhất là nhánh Dao Khâu sinh sống. Sìn Hồ theo tiếng địa phương nghĩa là nơi có nhiều suối. Sống trên địa hình đồi núi cao, bị chia cắt, lại ở nơi có nguồn nước dồi dào, nên tập quán sinh sống, sản xuất của người Dao Khâu có phần khác biệt so với các nhóm Dao. Trong một ngày, Sìn Hồ có đủ tiết của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, nhiệt độ trung bình trong năm 20-22 độ C. Tuy nhiên, khí hậu của Sìn Hồ khắc nghiệt vì có sương muối, sương mù vào mùa khô và lũ quét, lũ ống vào mùa mưa. Điều kiện khí hậu ấy đã quy định cách thức, nguyên liệu làm nhà của người Dao Khâu. Tiến sỹ Vi Văn An cho biết: "Vật liệu làm nhà là gỗ, là tre và mái lợp bằng cỏ tranh. Nhà thường thấp và ít cửa sổ. Bây giờ thì ở vùng Sìn Hồ rất nhiều nhà người ta xây bằng gạch ba banh, lợp mái prôximăng hay là lợp ngói. Bàn thờ được đặt ở gian giữa. Nhà nào theo thầy cúng, thầy thuốc thì bên cạnh đấy có thêm một bàn thờ nữa thờ tổ sư. Về sau là những người nào chữa khỏi bệnh thì mang gà, mang rượu đến tạ ơn. Các thầy cúng thì người ta có thờ tổ sư". Điều kiện tự nhiên của cao nguyên Sìn Hồ cũng có tác động đến sản xuất, kinh tế của người Dao Khâu. Nếu như các nhóm Dao lấy cây ngô là nguồn lương thực chính thì người Dao Khâu lại thiên về trồng lúa nước. Chăn nuôi chủ yếu là trâu bò, đặc biệt là dê, nuôi đàn là phổ biến. Nhiều nhà có cả trang trại nuôi dê lên tới hàng trăm con. Mặc dù nghề dệt không phát triển, nhưng do sống ở vùng khí hậu lạnh trên cao nguyên Sìn Hồ, cho nên người Dao Khâu còn biết trồng cây bông, làm chỉ để thêu váy áo. Trang phục của dân tộc Dao Khâu dung dị với màu chàm là chủ đạo. Phụ nữ Dao thường mặc áo dài, vạt áo thường gập ngược lại và thắt dây lưng. Dọc hai bên nẹp áo từ cổ xuống bụng là những tua chỉ màu bã trầu với gấu tay áo được nẹp bằng vải màu xanh. Đằng sau lưng áo là 1 chùm 5 đồng bạc, mỗi đồng bạc là một dây hạt cườm đủ màu mà. Phụ nữ người Dao Khâu quấn khăn đen trên đầu, khăn quấn là một tấm vải dài 5 sải, khổ hẹp, vải bông màu đen, chiều rộng 25 – 30cm được quấn quanh đầu, nhìn đằng sau giống như hình tam giác cân. Cuộc sống người Dao Khâu ngày càng hội nhập với sự phát triển của xã hội, nhiều kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến được người Dao Khâu ứng dụng trong trồng chọt, chăn nuôi. Nhưng mỗi khi về lại quê mình, các bà, các chị vẫn say sưa thêu trang phục bên bậc cửa gỗ của căn nhà truyền thống. Hình ảnh đó càng khắc họa nét đặc sắc đời sống trong nền văn hóa truyền thống của người Dao nói chung và tộc dao Khâu nói riêng./. Lâm Thanh Tin liên quan Giá trị sách cổ của người Dao Dân tộc Dao ở Việt Nam Phản hồi Gửi đi Các tin/bài khác Người Phù Lá tổ chức quét ma làng Trang phục truyền thống dân tộc Thu Lao Lễ thổi tai của người Tây Nguyên Lễ cúng Rừng của đồng bào Nùng ở Xín Mần (Hà Giang)