(VOV5) - Sách cổ của người Dao là di sản văn hóa quan trọng, là nguồn tư liệu, là "chìa khóa” để mở cánh cửa nghiên cứu văn hóa của dân tộc Dao. Sách cổ của người Dao ở Việt Nam rất phong phú, mỗi làng người Dao có hàng trăm cuốn sách cổ.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Người Dao gọi sách cổ này là "sâu" hoặc "tsâu" có nghĩa là "thư", "sách". Sách được ghi chép bằng loại chữ viết tượng hình theo kiểu chữ Hán nhưng được đọc theo âm Dao. Sách cổ kể lại quá trình di trú gian nan vất vả của dân tộc Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của họ trong việc chinh phục thiên nhiên. Có những cuốn sách phản ánh lịch sử hình thành phát triển của dân tộc Dao, hay những cuốn sách ghi chép gia phả của từng dòng tộc cụ thể. Qua đó lý giải tục thờ Bảng Vương, vị thủy tổ mà người Dao vẫn gọi là Thánh Piền hùng sinh tỉa, vị thánh lớn nhất của người Dao. Ông Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu, phê bình văn hóa Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Cái đặc trưng của người Dao là thờ ông Bảng cổ và người theo ảnh hưởng đạo giáo. Trong nhiều cuốn sách cũng ghi rõ người Dao đã vào các vùng miền ở Việt Nam như thế nào với những hành trình lịch sử phát triển của họ trên các mảnh đất khác nhau được ghi trong sách vở đó.
Mỗi làng người Dao xưa kia như một thư viện nhỏ lưu giữ các bộ sách cổ. Mỗi dòng họ, mỗi gia đình lại có những cuốn gia phả ghi chép lại diễn tiến phát triển của dòng họ gia tộc của mình.Theo đó, tất cả người Dao đều là con cháu Bảng Vương, dù ở đâu cũng thống nhất và đồng nhất về tín ngưỡng văn hóa, ngôn ngữ và các phong tục, tập quán.
Nội dung sách cổ người Dao khá phong phú. Bên cạnh giá trị hướng dẫn thực hành đạo giáo, còn có giá trị bảo tồn phong tục tập quán, nghi lễ của người Dao. Anh Chẻo Tả Phụng, Bí thư chi bộ thôn U Si Sùng, xã Tải Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, cho biết: Sách cổ là những cuốn sách quý. Sách xem ngày tháng, ngày tốt lành để làm nhà, chọn ngày đám cưới. Còn có những cuốn sách để làm lễ Tắt đèn theo phong tục tập quán người Dao. Nhiều thông tin trong cuốn sách còn ghi chép tục làm đám ma của người Dao.
Sách cổ của người Dao còn là công cụ truyền dạy kinh nghiệm ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, các kiến thức về thời tiết, chọn đất canh tác, tri thức về dược liệu và cách chữa bệnh của người Dao. Loại sách hướng dẫn các kinh nghiệm ứng xử xã hội, sách giáo huấn răn dạy đạo đức làm người khá phong phú.
Từ xa xưa, theo quan niệm của người Dao thì vạn vật đều có linh hồn. Người Dao tin là có thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi. Ứng với mỗi thần đó lại là một nghi lễ cúng bái riêng. Do đó, người Dao có nhiều nghi lễ như lễ cúng mưa, lễ cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, lễ cấp sắc…Những nghi lễ đó cũng được lưu giữ trong những cuốn sách cổ. Anh Chẻo Tả Phụng cho biết:Những lễ cúng này từ xưa đã được lưu giữ trong sách hết rồi. Những ai đọc chữ Dao, viết được chữ Dao thì sẽ có thể thực hiện được những bài cúng. Người Dao làm bất kể lễ nghi gì cũng phải có sách mới làm được.
Khác với một số dân tộc thiểu số của Việt Nam không có chữ viết, thơ ca được truyền miệng, người Dao mượn chữ Hán để phiên âm ra tiếng Dao để lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đây là điều mà không phải dân tộc thiểu số nào cũng làm được. Ông Phan Cẩm Thượng cho biết: Tất cả những sách của người Dao thời cổ được chế bằng loại giấy riêng của người dân tộc. Loại giấy đó làm bằng rơm và cũng làm giống như quy trình làm giấy Dó của người miền xuôi. Sách được đóng thành những tập vuông. Chữ thì được viết bằng bút lông trên giấy. Những sách đó không lớn chừng độ 3 đễn 4 nghìn chữ với khoảng vài chục tờ/ quyển. Có những loại sách bói, sách học chữ tam tự kinh, sách cúng, sách về y học, sách về giải thích tính chất của người Dao có tên Quá Sơn Bảng Văn, là sách như lệnh chỉ để người Dao đi qua núi để đi đến các vùng miền.
Hầu như toàn bộ đời sống văn hóa của người Dao được lưu truyền lại trong những cuốn sách cổ. Sách cổ không những để những người con của dân tộc Dao lưu giữ truyền thống của cha ông mình, mà còn góp phần phong phú thêm nền văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam./.