(VOV5) - Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ở Tây Nguyên đạt kết quả rất đáng khích lệ.
Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng chương trình Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, diện mạo vùng nông thôn của khu vực Tây Nguyên có nhiều khởi sắc. Những tuyến giao thông được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang, đời sống người dân ngày càng được nâng cao…Tất cả đã làm nên một gam màu sáng trong bức tranh nông thôn ở vùng Tây Nguyên này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Về xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, đúng vào dịp người dân vừa thu hoạch xong vụ mùa nên gia đình nào cũng phấn khởi. Bộ mặt nông thôn của xã biên giới này hoàn toàn đổi khác, từ huyện vào đến trung tâm xã và đến các buôn làng đã có đường bê tông, đường cấp phối; nhà cửa khang trang, kiên cố. Các công trình trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sạch… được xây dựng và phát huy hiệu quả.
Những ngôi nhà khang trang, kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều tại các buôn làng Tây Nguyên. - Ảnh: VOV |
Bà Bùi Thị Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Nan, cho biết năm 2011, khi xã bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 5 tiêu chí. Đến cuối năm 2020 này, xã Ia Nan đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đáng kể nhất là thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 41 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.
"Cách đây 4 năm là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cũng rất cao. Để người dân nâng cao trình độ sản xuất thì cũng phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thứ hai nữa là mở lớp đào tạo nghề cho các hộ dân của 3 làng dân tộc thiếu số. Vì thế bà con đã dần dần tiếp thu biết cách làm ăn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra hàng năm cũng giúp bà con triển khai nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, cho hộ dân tộc thiểu số. Cơ bản các nguồn vốn bà con sử dụng có hiệu quả." Bà Thủy nói,
Những con đường được đổ bê tông, hai bên đường trồng hoa đang điểm tô cho bức tranh của buôn làng Tây Nguyên thêm tươi mới. Ảnh: VOV |
Cũng như nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, buôn Cư Dluê, xã hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bây giờ đã mang diện mạo khác, với những tường rào xây gọn gàng, mọi ngả đường đều được đổ bê tông. Hai bên đường được điểm tô bởi nhiều loài hoa sặc sỡ. Ông Y Măt BYă, người dân trong buôn, cho biết: Phong trào xây dựng nông thôn mới đem lại nhiều đổi thay, từ trong suy nghĩ của mỗi người đến hiệu quả cụ thể trên ruộng vườn, nương rẫy.
Ông Y Măt Byă chia sẻ: "Tôi thấy buôn làng đổi thay rất là nhiều, bà con bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất rồi trồng xen nhiều loại cây trên vườn cà phê. Những nhà không có đất thì đi làm thuê, làm mướn, tiết kiệm tiền để sắm sửa trong gia đình, học hỏi nhau cách chi tiêu hợp lý, không còn như trước được đồng nào xài đồng đó nữa."
Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, tư duy làm kinh tế của người dân thay đổi, cuộc sống dần ổn định thì việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng được chú trọng. Từ Dự án bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các tỉnh Tây Nguyên đến Lễ hội thổ cẩm mới được tổ chức với quy mô cấp Quốc gia tại tỉnh Đắk Nông vừa qua đã góp phần lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Tây Nguyên.
Bà H’Đă Êya, buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, cho biết: Nhưng mấy năm trở lại đây, với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở thôn buôn được triển khai, việc mặc trang phục thổ cẩm truyền thống tại các đám cưới, lễ hội đã trở nên phổ biến. Nhiều cô dâu chú rể chọn trang phục dân tộc để chụp ảnh cưới và họ tự hào vì điều đó. Nhờ vậy nghề dệt thổ cẩm cũng phát triển theo: "Bây giờ bà con không còn ngại mặc áo thổ cẩm nữa. Khi có những lễ hội, đám cưới đám hỏi, các đại hội lớn của Đảng nhà nước chúng tôi sẽ mặc trang phục Ê Đê mình. Chúng tôi mong muốn nhà nước quảng bá giúp chúng tôi có thể bán sản phẩm thổ cẩm được cho nhiều người trên khăp mọi miền đất nước.”
Qua hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ở Tây Nguyên đạt kết quả rất đáng khích lệ. Ở Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai hiện có 02 đơn vị cấp huyện là thành phố Pleiku và thị xã An Khê có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó Thành phố Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018; thị xã An Khê đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, tỉnh Kon Tum cũng có 4 huyện là Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy đạt mục tiêu về số xã Nông thôn mới.
Ở Nam Tây Nguyên, đến cuối năm 2020 này Lâm Đồng sẽ có 109/116 xã và ít nhất 6 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Tỉnh Đắk Nông đã có huyện Đak R’lấp hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôm mới và tại Đắk Lắk thành phố Buôn Ma Thuột cũng đang chờ kết quả công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Những kết quả cho thấy chương trình nông thôn mới ở Tây Nguyên đang được triển khai tích cực, và sẽ đạt nhiều thành tựu to lớn hơn trong tương lai.
Ông Điểu Mưu, Phó vụ trưởng Vụ Địa phương 2, Ủy Ban dân tộc, cho biết: "Có thể khẳng định đây là chương trình thành công nhất trong tất cả các chương trình dành cho nông nghiệp nông dân nông thôn. Qua hơn 10 năm cho thấy bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, diện mạo kinh tế xã hội khu vực nông thôn có thay đổi toàn diện, hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật xã hội được đầu tư đồng bộ, nhận thức của người dân về chương trình nông thôn mới được nâng lên rõ rệt. Thứ 3 là tác động đến đời sống vật chất tinh thần thu nhập rồi giữ gìn văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó thì nhờ chương trình nông thôn tác động đến ổn định chính trị, an ninh xã hội trên địa bàn”
Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới cho vùng Tây Nguyên. Từ những cơ sở hạ tầng mới khang trang hơn, thuận tiện hơn, khu vực nông nghiệp, nông thôn ở Tây Nguyên sẽ có bệ phóng mới để phát triển, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, những vùng nông thôn trù phú.