(VOV5) - Lễ hội mừng lúa mới của người Vân Kiều hiện nay được tổ chức ở phạm vi làng, xã.
Từ xưa đến nay, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn tỉnh Quảng Trị. Cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh đã cho họ những vụ mùa bội thu và cho bản làng cuộc sống đủ đầy.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Vân Kiều quan niệm sau khi hoàn tất việc thu hoạch, thóc lúa đầy kho, đồng bào sẽ cùng nhau chuẩn bị lễ vật để tạ ơn Thần linh đã ban cho bản làng, cho các gia đình mùa màng tươi tốt. Theo nhà nghiên cứu Hồ Phương, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, lễ mừng lúa mới là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Vân Kiều được tổ chức thường niên vào khoảng từ tháng 10 cho đến tháng 12. Trước đây, đồng bào thường tiến hành lễ mừng lúa mới theo từng dòng họ.
Lễ mừng lúa mới còn là dịp để bà con tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho một năm mưa thuận, gió hòa, bản làng yên ấm. Ảnh: sggp.org.vn |
Nhà nghiên cứu Hồ Phương cho biết: "Lễ mừng lúa mới được tổ chức sau một năm đồng bào thu hoạch lúa xong. Đây cũng là dịp cộng đồng và gia đình tổ chức ăn Tết. Cuối tháng 11 Âm lịch là khoảng đấu tháng 12 Dương lịch, là đồng bào tổ chức và mời nhau đến chúc phúc cho nhau. Hết tháng là nghỉ ngơi, đi phát nương, rẫy chuẩn bị cho mùa vụ năm sau."
Ông Hồ Nha, người có uy tín trong cộng đồng Vân Kiều, ở huyện Đakrông, cho biết khi cúng lúa mới, đồng bào Vân Kiều dâng lên thần linh những hạt lúa to, đẹp nhất. Đây cũng là lúc báo cáo với tổ tiên, với Thần Lúa, về một mùa màng tươi tốt, vừa khẳng định một cuộc sống no đủ cho đồng bào trong những tháng ngày sắp tới.
Ông Hồ Nha cho biết: "Đồng bào sẽ mang những bông lúa mới về làm lễ vật khi cúng. Chọn bông lúa có hạt to, mẩy, hạt tròn. Bông lúa được lựa chọn kỹ càng và cúng cùng với gà, heo… dâng lên tổ tiên, Thần Lúa."
Các lễ vật như gà luộc, cơm lam…được đặt vào mâm và dâng lên nhà sàn chính để tiến hành lễ cúng. Ảnh: sggp.vn |
Ngoài việc báo cáo với Thần linh về vụ mùa trong năm thì Lễ mừng lúa mới còn là dịp để bà con tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho một năm mưa thuận, gió hòa, bản làng yên ấm. Đây còn là cơ hội để mọi người trong gia đình, dòng tộc, đến thăm nhau sau những tháng ngày xa cách và cũng là dịp để dân làng quây quần chia sẻ niềm vui được mùa.
Theo ông Hồ Văn Hòa, Cụm xã A Bung, huyện Đakrông, mặc dù lễ mừng lúa mới được thực hiện ở phạm vi dòng họ nhưng đều có sự tham dự bạn bè, xóm làng: "Khi thực hiện lễ cúng thì đồng bào sẽ mời đại diện các họ khác trong làng cử đại diện đến tham gia cùng. Điều này thể hiện tình làng, nghĩa xóm với nhau."
Đối với các gia đình trong năm gặp nhiều bất trắc, nương rẫy mất mùa, lúa ngô không nhiều… mâm cúng sẽ có nhiều lễ vật hơn để cầu mong Thần linh phù hộ, che chở cho nương rẫy được tươi tốt, lúa ngô đầy nhà trong vụ mùa tiếp theo. "Đến ngày thu hoạch mà ruộng bị sạt lở, lúa ngô bị nước cuốn trôi… gia đình phải cúng 1 con dê để xin lỗi thần linh. Đồng thời, cầu xin thân linh phù hộ để mùa vụ sau được mùa vụ tốt tươi, thóc lúa bội thu."
Lễ hội mừng lúa mới của người Vân Kiều hiện nay được tổ chức ở phạm vi làng, xã. Các gia đình cùng nhau góp công, góp sức sắm soạn lễ vật dâng cúng thần linh một cách chu đáo với đầy đủ vật phẩm liên quan đến nông nghiệp, trong đó không thể thiếu là gà, heo và lúa mới. Sắp đến ngày diễn ra lễ cúng, tất cả mọi người trong bản sẽ bàn bạc và chuẩn bị. Tùy điều kiện của mỗi gia đình mà đóng góp vào lễ cúng chung của buôn làng…
Tuy nhiên, dù lễ vật có là thóc hay con gà, heo, dê, bò, trâu… thì đều phải do chính các gia đình chăn nuôi, trồng cấy mà có. Người Vân Kiều chuẩn bị lễ vật cho lễ mừng lúa mới rất chu đáo và công việc được phân chia cụ thể cho cả nam và nữ. Trong khi phụ nữ đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, hái rau củ trong rừng, trên nương… thì những người đàn ông xuống suối bắt cá hay vào rừng tìm mật ong… để mang về phục vụ lễ hội.
Khi lễ vật được chuẩn bị xong, buổi sáng của ngày được chọn làm lễ, mọi người tập trung đầy đủ tại nhà cộng đồng để tổ chức lễ mừng lúa mới. Già làng sẽ là người chủ lễ và thực hiện các nghi lễ truyền thống, khấn vái tổ tiên và mời các vị thần linh về dự lễ. Lời khấn cầu gửi đến các vị thần với những nội dung về sự che chở, phù hộ của Thần linh đối với đất đai, cây trồng, vật nuôi. Đồng bào cùng mong cầu cho đất đai luôn màu mỡ, lao động luôn an toàn, chim muông, thú rừng không phá hoại nương rẫy, cây lúa không ngừng sinh sôi, nảy nở, vụ mùa được bội thu và mọi người được ấm no. Ông Hồ Văn Hòa cho biết thêm: "Lễ cúng diễn ra trong khoảng 45 phút. Mọi người cùng cầu mong gia đình, họ hàng làm ăn phát tài, phát lộc; con cháu học hành tốt; công việc suôn sẻ."
Trong lễ mừng lúa mới, đồng bào Vân Kiều đặc biệt coi trọng những vị khách, dù là khách mời của bản làng hay chỉ là tình cờ ghé qua… khách được đón chào tại nơi tiến hành buổi lễ hoặc tại nhà trưởng bản. Tham dự lễ hội, khách mời sẽ mang theo một chút lễ vật để chúc mừng bản làng, dòng họ có một mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Với những vị khách tình cờ ghé qua, họ sẽ có những trải nghiệm thú vị khi tham dự lễ hội và được mời cơm, mời rượu khi kết thúc lễ cúng.
Lễ mừng lúa mới được xem là lễ hội đặc sắc nhất có ý nghĩa quan trọng nhất đối với đồng bào người Vân Kiều. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang tiến hành phục dựng, tái hiện lại các hoạt động của lễ hội mừng lúc mời để gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.