(VOV5) - Người Raglai quan niệm: trong đời sống luôn có hai thế giới cùng tồn tại song song, đó là thế giới của người đang sống và thế giới của người đã khuất. Thế giới đang sống chỉ là tạm bợ, còn thế giới của người đã khuất mới là vĩnh hằng. Do đó, khi có người qua đời, người Raglai tổ chức nghi lễ bỏ mả trang trọng để chia tay người chết và với ý nghĩa để người thân không buồn.
|
Thực hiện nghi lễ bỏ mả. Ảnh: Internet |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Người Raglai có cuộc sống mang tính cộng đồng, nên trong nghi lễ bỏ mả phải tập trung đầy đủ những người trong làng cùng tham dự để cùng chia tay người đã khuất và cùng nhau thực hiện các nghi lễ một cách đầy đủ, trang trọng. Lễ bỏ mả thường được tổ chức sau một năm hoặc hai năm khi người thân qua đời. Theo quan niệm của đồng bào, nếu không làm lễ bỏ mả, thì quan hệ giữa người sống và người chết vẫn tồn tại, bởi vậy cần phải làm nghi lễ bỏ mả để tiễn biệt, đồng thời thể hiện tình cảm với người đã khuất. Ông Mấu Quốc Tiến, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian người Raglai, cho biết: “Tập tục xa xưa của người Raglai, hàng năm có các lễ hội, nhưng nổi bật nhất vẫn là nghi lễ bỏ mả. Trong đời sống của người Raglai bất cứ người nào qua đời, thì những người còn sống phải có trách nhiệm lo hậu sự và người chết sẽ được làm lễ bỏ mả. Lễ bỏ mảđược tổ chức với mục đích như một nghi lễ mãn tang, thể hiện tình cảm của người còn sống đối với người đã khuất”.
Những lễ vật và vật dụng được dùng trong lễ bỏ mả thường được gia đình người quá cố chuẩn bị trước hàng tháng. Lễ vật gồm: heo, gà, rượu…người trong làng dựng nhà mồ, làm Kagor (một con thuyền gỗ) được chạm khắc đẹp. Kagor là vật tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết. Lễ bỏ mả có những nét đặc biệt. Độc đáo nhất là bàn thờ của người quá cố có treo một chiếc tô trên di ảnh, theo quan niệm của người Raglai, chiếc tô này là nơi trú ngụ linh hồn của người quá cố. Ông Mấu Xuân Danh, người dân tộc Raglay, cho biết: “Vật đó được coi là vật gia truyền để lại để cho con cháu sau này nhớ tới người quá cố đó. Từ ngày xưa người ta làm như thế, còn bây giờ sau lễ bỏ mả không còn để lại như ngày xưa...”
Lễ bỏ mã được thực hiện trong 3 ngày với những nghi thức khác nhau, mỗi nghi thức mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được truyền từ đời này sang đời khác và bảo lưu một cách nguyên vẹn. Ngày đầu là ngày chuẩn bị lễ vật và thông báo đến các anh em bạn bè gần xa ở các làng khác cùng đến chung vui và tiễn đưa người chết. Lễ vật là 3 ché rượu cần, 3 con heo, một con bò hoặc con trâu, gà, vịt và những sản vật của đị phương. Trong ngày đầu (Chủ Nhang) là già làng thực hiện nghi lễ cúng hồn, thông báo về nhà mồ, về ngày, giờ diễn ra lễ bỏ mả để người chết biết mà đến đón nhận những lễ vật. Sau đó là nghi thức múa, khóc tế và khấn vái để cầu xin ông bà tổ tiên cho linh hồn người chết về với tổ tiên ở bên kia thế giới. Ngày thứ hai được xem là ngày lễ quan trọng, trong ngày này bà con hàng xóm láng giềng cùng đến ăn bữa cơm để chia tay người chết. Chủ Nhang cùng đoàn người thân trong gia đình đến nhà mồ khóc tế, múa Mã la(cồng chiêng) để rước hồn người chết về nhà ăn cơm. Lễ này được xem là quan trọng nhất, tất cả mọi người phải tham gia đông đủ để gặp gỡ và chia tay người chết lần cuối cùng. Mọi người cùng ăn uống, nhảy múa, ca hát bên đống lửa và ché rượu cần cho đến sáng hôm sau.
Ngày thứ ba được xem là ngày chia tay vĩnh viễn người chết. Những người đàn ông khiêng lễ vật ra nhà mồ, bày lễ vật ra xung quanh. Mọi người đứng thành vòng xung quanh nhà mồ khấn vái để chia tay linh hồn người chết. Trong ngày này bao giờ cũng diễn ra tập tục mang tính truyền đời của người Raglai, đó là nghi lễ tiễn Kagor, chia của cải cho người chết. Ông Mấu Quốc Tiến, cho biết thêm: “Ngày nay nghi lễ chia của cho người đã khuất chỉ mang tính tượng trưng thôi. Trước đây người ta chia của những vật dụng thường ngày như: chiêng, choé, mâm thau, nồi đồng…nhưng bây giờ người ta thay thế bằng nhưng vật dụng tượng trưng, ví dụ người ta cắt cây lồ ô…còn của thật thì người ta vẫn để lại cho con cho cháu”.
Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai. Trong các nghi lễ bỏ mả tập trung nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, múa, trình diễn...với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”. Đồng thời “giải thoát” hoàn toàn mọi sự ràng buộc của người sống đối với người chết. Với những giá trị nổi bật đó, năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ Bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.