(VOV5) - Mọi công việc cho lễ tạ ơn thần rừng được các gia đình hoặc dòng họ hoặc là buôn làng lo sắm sửa trước đó cả tháng trời.
Lễ tạ ơn thần rừng của người Mạ ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, là một nghi thức nông nghiệp độc đáo và đặc sắc, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua nghi lễ, người Mạ thể hiện lòng biết ơn và trân trọng những gì thiên nhiên đã ban tặng với tinh thần đón nhận và gìn giữ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khi mùa mưa đến, nước về đầy lòng con suối, cây cối đâm chồi, cũng là thời điểm người Mạ làm lễ tạ ơn thần rừng. Ông Nguyễn Huy Cao, Trung tâm Văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, cho biết:
"Lễ tạ ơn có từ khi người Mạ tổ sinh ra và cư trú ở đó. Trong quá trình biến đổi, họ vẫn giữ được cái lõi chính. Đó là việc cúng tạ ơn. Trong lễ cúng tạ ơn đó dứt khoát phải giết con vật hiến sinh và đánh cồng chiêng. Đó là những nét chính mà người ta vẫn lưu giữ được cho đến ngày hôm nay.
Trai gái trong buôn vừa đánh cồng chiêng, vừa nhảy những điệu múa dân gian. Ảnh: VOV |
Lễ tạ ơn thần rừng của người Mạ có thể tổ chức riêng tại gia đình dòng họ hoặc cả buôn làng. Quy mô tổ chức cả buôn làng thường là trong năm đó có thiên tai, lũ lụt, hạn hán hoặc có người chết trong rừng. Ông Nguyễn Huy Cao chia sẻ: "Tùy vào điều kiện kinh tế. Ví dụ như là trong phạm vi một cộng đồng cùng tổ chức thì người ta có thể ăn cả con trâu. Nếu như một dòng họ giàu có cũng có thể ăn một con trâu, còn một đại gia đình nhà dài chung sống 2- 3 thế hệ thì họ thường là ăn con heo, con dê nhưng mà vật hiến sinh luôn luôn phải có một con gà hoặc con gì đó 4 chân."
Qua lễ tạ ơn thần rừng, đồng bào Mạ mong muốn một cuộc sống đầy đủ, sung túc, bình yên như giải thích của anh Điểu Các Khu ở buôn Ngo, thị Trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên. "Cúng lễ là để cho buôn làng mình ít ốm đau, ít bệnh tật. Mình đi rừng, đi núi nó thoải mái, không va vấp, không việc gì hết. Mình tạ ơn thần núi, thần rừng phù hộ cho buôn làng mình chứ không phải phù hộ cho riêng mình."
Lễ tạ ơn thần rừng không đơn thuần là một lễ thức mang tính tâm linh mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa của tộc người Mạ. Mọi công việc cho lễ tạ ơn thần rừng được các gia đình hoặc dòng họ hoặc là buôn làng lo sắm sửa trước đó cả tháng trời. Già làng K Ban ở bản Ngo, Thị trấn Cát Tiên, cho biết: "Tất cả bà con, phụ nữ đều tham gia. Có cơm lam, cơn nếp, thịt của dân tộc để cúng. Ở trong nhà làm nhỏ thôi. Ở ngoài sân thì làm mâm cỗ dài 3m – 4m. Nếu không có thì bà con góp thêm vào, có gà góp gà, có heo góp heo. Một nhà đóng góp chung là 1 con trâu."
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu nguyện. Ảnh: baodantoc.vn |
Trong lễ tạ ơn của người Mạ, cây nêu là một trong những thành tố hết sức quan trọng vì là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng vật hiến tế. Còn cây nêu, tức là thần còn ở đó. Cây nêu dùng trong lễ tạ ơn thần rừng của người Mạ gồm 2 cây. 1 cây dựng ở gian giữa trong nhà, 1 cây dựng cao vút ngoài sân. Theo ông Nguyễn Huy Cao, sở dĩ người mạ phải làm hai cây nêu là vì: "Cây nêu của người Tây Nguyên là phương tiện để nối liên hệ với Thần Linh. Giàng sẽ đi theo cây nêu, ở trên câu nêu đó để đi vào trong nhà. Nếu trong nhà, Giàng đến đó trụ trên đó để uống rượu cần và hưởng những thứ trong nhà. Còn cây nêu ngoài trời thì thường là khi người ta làm lễ đâm trâu thì người ta buộc trâu vào đó."
Cây nêu dựng thẳng vuông góc với mặt đất rồi chèn gốc cho chặt để không bị xê dịch hoặc nghiêng. Sau đó đóng cọc chẳng dây ra 8 phía có cung độ bằng nhau đã được đo vạch sẵn tượng trưng cho 8 hướng của trời. Ông Nguyễn Huy Cao cho biết: "Đây là vật linh thiêng nhất của người Mạ. Thân cây nêu từng khúc một ở dưới là cái cột nhà, tiếp đến là hình tượng một hạt lúa; tiếp phía bên trên đấy là một cái cối giã gạo, và chày giã gạo. Với văn hóa canh tác nông nghiệp của người Tây Nguyên nói chung và người Mạ nói riêng thì nó gắn liền với lợi ích thiết thực nhất là cây lúa, cái cối và cái chày"
Để bắt đầu lễ tạ ơn thần rừng, chủ lễ đứng ở ngoài cổng nhà đón tiếp khách phương xa và bà con trong buôn đến tham dự lễ. Cùng với chủ lễ còn có trai gái trong buôn vừa đánh cồng chiêng, vừa nhảy những điệu múa dân gian để chào đón khách đến với lễ hội.
Lễ tạ ơn thần rừng của người Mạ là văn hóa tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời, khẳng định sự gắn kết của cộng đồng với thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Vì vậy, việc tổ chức lễ tạ ơn thần rừng, góp phần giúp đồng bào mạ nâng cao ý thức giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.