(VOV5) - Người Pa kô thường tranh thủ lúc nông nhàn hay mùa đông giá rét để làm ra những sản phẩm đan lát thủ công.
Nghề đan lát truyền thống gắn bó với đồng bào dân tộc Pa kô. Với đôi tay tỷ mẩn khéo léo, họ đã tạo nên những sản phẩm giản đơn, nhưng đầy tiện ích cho cuộc sống thường nhật.
Đan gùi - sản phẩm đặc sắc nhất trong số các sản phẩm đan lát của người Pa kô
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người dân tộc Pa kô thường sống trên các vùng núi cao của dãy Trường Sơn, nên có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Những bản làng của người Pa kô thường được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, nên tâm hồn người Pa kô phóng khoáng, tính cách mộc mạc, chất phác. Nét tính cách này cũng thể hiện rõ trong các đồ đan lát thủ công của đồng bào Pa kô. Điều đặc biệt, theo truyền thống, phần lớn sản phẩm đan lát của người Pa kô lại do những người đàn ông làm ra. Người Pa kô thường tranh thủ lúc nông nhàn hay mùa đông giá rét để làm ra những sản phẩm đan lát thủ công.
Ông Hồ Tính ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn giữ được nghề đan lát truyền thống của cha ông để lại. Với kỹ thuật tay nghề đạt đến trình độ tinh xảo, ông cho ra đời những sản phẩm mây tre độc đáo như: A teh (gùi lớn), A chooiq (gùi nhỏ), Ka ooi (giỏ cá), Ti letq (gùi nhiều ngăn), A điêên (mâm cúng lễ)...
Ông Hồ Tính cho biết: muốn có một chiếc gùi lúa hay gùi 3 ngăn đẹp và chắc, phải vào rừng sâu để chọn bứt những loại mây phù hợp, rồi qua nhiều công đoạn sơ chế nguyên liệu thì mới có sản phẩm đẹp. Mây tre nứa mang từ rừng về thường được ngâm ở khe suối , sau đó được phơi khô Phơi xong thì vót thành từng nan. Có loại thân gùi đan bằng mây, còn chân gùi, khung gùi phải làm bằng tre. Riêng chân gùi phải làm trước , phải uốn chân gùi, thân gùi trước đó 10-15 ngày rồi gác lên gác bếp hong cho khô để chống mối mọt và tạo màu sắc cho gùi.
Trong số các sản phẩm đan lát của người Pa kô thì chiếc gùi là sản phẩm đặc sắc nhất bởi công dụng của nó. Đây là một phương tiện vận chuyển quan trọng và không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Pa kô nói riêng và các dân tộc sinh sống ở vùng núi cao nói chung. Chiếc gùi không chỉ là đồ dùng lên nương rẫy mà còn được trang trí, thể hiện bàn tay khéo léo của người đan.
Đặc biệt cách trang trí trên những chiếc gùi thể hiện nét đẹp truyền thống đặc trưng của dân tộc. Chiếc gùi lớn mang trên lưng của đồng bào khi trèo đèo lội suối khi phát nương làm rẫy…Những chiếc gùi trên vai người phụ nữ thường là loại gùi nhỏ hơn, có nhiều ngăn có thể chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, từ hạt lúa, củ khoai, đến mớ rau mới hái trên nương theo gùi về nhà. Có loại gùi 3 ngăn đan bằng mây dành cho các em gái vừa dùng để bẻ măng, bắt cá, vừa có ngăn để áo mưa, đồ ăn thức uống…những chiếc gùi của các bé gái không chỉ dùng như một vận dụng tiện ích, mà còn được trang trí những hoa văn như thứ đồ trang sức của con gái Pa kô. Đến nay các sản phẩm mây tre đan của người Pa ko không chỉ được sử dụng trong gia đình, mà con đem ra chợ bán.
Một sản phẩm thủ công tiêu biểu của người Pa kô phải kể đến là cây nêu sử dụng trong các lễ hội. Để làm được cây nêu phải có ít nhất 4-5 người thợ giỏi, am hiểu phong tục tập quán mới làm được. Ông Hồ Phơi, nghệ nhân dân tộc Pa kô, cho biết: "Làm cây nêu này là để phục vụ các lễ hội theo phong tục tập quán của làng nhất là lễ ăn trâu. Cây nêu là mô hình thu nhỏ của trái đất là biểu tượng của Giàng ( trời) trong buổi lễ có cây nêu để cầu trời cho cuộc sống bình an, hạnh phúc mọi người làm ăn thuận lợi".
Ngày nay, những sản phẩm đan lát thủ công của các dân tộc miền núi nói chung và của người Pa kô nói riêng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ trên thị trường do phải cạnh tranh với những sản phẩm đồ dùng bằng nhựa vừa đa dạng lại vừa rẻ tiền. Hơn nữa những người còn biết nghề phần nhiều đã già, nên số người làm nghề đan lát ngày càng ít đi. Trước thực tế nghề này, nhiều địa phương đã tổ chức các lớp truyền dạy cho lớp trẻ, vận động bà con trồng rừng đầu nguồn, tạo sản phẩm cho nghề đan lát và qua đó giữ nét bản sắc văn hóa dân tộc.