Nghề dệt và nét tinh hoa trên trang phục của người Mường Vĩnh Phong -   23 Tháng Chín 2014 | 8:30:46 (VOV5) - Người Mường có truyền thống trồng bông, ươm tơ, dệt vải phục vụ nhu cầu gia đình và những bộ quần áo, váy của đồng bào Mường thường được làm thủ công từ khâu dệt đến lúc nhuộm màu sắc. Với đôi tay tài hoa của mình, người Mường đã tạo ra những sản phẩm dệt thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nghe nội dung chi tiết tại đây: Từ tháng 5 âm lịch, người Mường bắt đầu thu hoạch bông, sau đó phơi khô, rồi cán bông, kéo sợi. Theo tục lệ của người Mường, trước khi về nhà chồng, con gái Mường phải tự tay mình dệt từ 6 đến 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng, thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của mình. Vì thế ở các xứ Mường, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, con gái Mường 13, 14 tuổi đã thành thạo nghề dệt. Bộ công cụ nghề dệt của người Mường gồm: Dụng cụ cán bông, xa quay sợi, khung dệt dùng bàn đạp và go luồn sợi. Khung dệt của người Mường có cấu tạo khá đặc biệt có nhiều go, hoa văn càng phức tạp thì số go phải dùng càng lớn. Mỗi con sợi dài chừng 15 – 20cm và khi dệt, tay quay phải quay thật đều thì sợi chỉ mới mềm, đều, mịn, đẹp. Tiếp theo là hồ sợi bằng cơm gạo trắng và khi hồ xong phơi khô để xe thành ống sợi. Sau khi đã hoàn tất các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì một ngày có thể dệt được từ 7- 10m, nếu dệt các loại hoa văn thì ngày chỉ được 2- 3m. Bà Nguyễn Thị Sen, xóm Tân Tiến, xã Dân Chủ, Thành phố Hòa Bình, cho biết: "Khi dệt xong thì bắt đầu nhuộm màu cho vải. Để nhuộm màu cho vải, chúng tôi thường dùng nguyên liệu là các loại cây trong rừng. Màu đỏ lấy từ cây bang, màu vàng lấy từ cây nghệ, màu đen lấy từ cây chàm… Như muốn vải có màu đen, tôi hái lá chàm về ủ khoảng ba ngày, sau đó vắt lấy thứ nước màu sánh đen, đổ vào ống để trong một tuần rồi mới bỏ bọt, nhuộm sợi... Khi dệt, để có một tấm vải dệt hoàn chỉnh, theo ý mình thì mất rất nhiều thời gian và công sức. Chúng tôi dệt bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm, cứng của vải là theo ý mình vì vậy những loại vải thổ cẩm người Mường dệt ra rất bền, giặt không phai". Trang phục người Mường có nét chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và của cư dân Đông Nam Á. Đó là vải trang phục có màu sắc từ thực vật và được dệt thủ công bằng sự khéo tay, cần mẫn và óc thẩm mỹ của con người. Trang phục của đàn ông Mường khá đơn giản với áo ngắn, áo chùng, quần, thắt lưng và khăn. Áo cánh ngắn được may từ vải bông hoặc vải tơ tằm, vạt dài, hai bên hông áo xẻ tà. Có hai kiểu thiết kế khuy cài: cài trước ngực hoặc cài chéo sang bên. Áo cánh nam thường may vừa người, tạo dáng khoẻ khoắn của đàn ông. Quần vải may rộng, trùng tới mắt cá chân, cạp to, khi mặc dùng dây vải buộc ngoài cho chặt. Điệu đà và duyên dáng, chi tiết, màu sắc nổi bật là điểm nhấn của bộ y phục nữ giới so với nam giới Mường. Khăn đội đầu của phụ nữ Mường là điểm khác biệt rõ rệt và cũng là một trong những nét đặc sắc nhất so với các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Chiếc khăn của phụ nữ Mường thường là màu trắng, rộng chừng một gang tay, dài vừa một vòng đầu. Các cô gái trẻ thường đội khăn thành hình chóp, còn phụ nữ lớn tuổi lại ưa đội thành hình góc ở hai bên đầu. Cùng với khăn đội đầu, chiếc áo của phụ nữ Mường cũng có nhiều nét độc đáo, màu sắc đa dạng. Ông Bùi Huy Vọng, người chuyên sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Trang phục nữ giới của người Mường bao gồm có khăn quấn đầu, áo cóm và váy. Áo và váy của cô gái Mường có nét giống như áo và váy của dân tộc Thái nhưng lại có những nét rất riêng, đặc việt là cái khăn vấn đầu. Ngày xưa, khăn quán đầu của những phụ nữ nhà Lang (tầng lớp cao nhất trong xã hội người Mường), nút buộc khăn bao giờ cũng trên búi tóc còn các nhà dân bình thường thì nút buộc khăn bên dưới búi tóc". Áo của phụ nữ Mường là loại áo cánh xẻ ngực, thân áo dài đến chấm eo lưng, màu sắc đa dạng. Tay áo không may nối vai mà được cắt may liền theo kiểu áo bà ba, thon dần về phía cổ tay. Đi kèm với áo là váy. Váy của phụ nữ Mường là váy đen, dài, đầu váy được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật do người con gái Mường tự dệt nên. Chiếc váy còn ấn tượng bởi cạp váy thêu hoa ôm sát thân, đi kèm thắt lưng xanh. Tất cả tạo nên sự duyên dáng, e ấp cho người phụ nữ Mường. Chiếc váy của phụ nữ Mường là điểm nhấn trong bộ nữ phục. Nó không chỉ phủ từ thắt lưng trở xuống mà còn che cả phần ngực. Phần cạp váy được phụ nữ Mường dành nhiều công sức và tài sáng tạo để trang trí, tô điểm cho bộ y phục thêm phần rực rỡ, bắt mắt. Đặc biệt cạp váy của phụ nữ Mường được dệt bằng sợ tơ tằm trang trí hoa văn, họa tiết độc đáo như hình con rồng, con hươu, hình trái me, quả trám, kẻ ô vuông, kẻ luống… Các nhà nghiên cứu đã thống kê có đến gần 40 mô típ hoa văn trên cạp váy. Ông Bùi Huy Vọng, cho biết: "Trên cạp váy Mường có những họa tiết, hoa văn rất đặc biệt. Hoa văn trên cạp váy Mường chính là hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn. Những hoa văn, họa tiết trên mặt trống đồng Đông Sơn được được bảo lưu và truyền thụ rất nhiều đời qua hoa văn trên cạp váy Mường. Cạp váy Mường có rất nhiều họa tiết hoa văn nhưng nhà Lang cấm phụ nữ, con gái nhà dân không được dùng cạp váy có thêu con rồng và hình các con vật linh thiêng khác". Kỹ thuật dệt của người Mường từ bao đời nay cũng như cách trang trí họa tiết, hoa văn được tiếp nối theo hình thức mẹ truyền cho con gái. Chính vì vậy, mẫu hoa văn khá trên trang phục cũng như đồ sinh hoạt của dân tộc Mường khá đa dạng và thể hiện những nét riêng nhất định của mỗi cá nhân, mỗi xứ Mường, bên cạnh mô típ truyền thống chung của dân tộc. Các bộ trang phục của người Mường chứa đựng trong đó rất nhiều nét độc đáo, thể hiện tâm hồn, là những giá trị đích thực của bản sắc dân tộc./. Vĩnh Phong Tin liên quan Cồng chiêng trong đời sống dân tộc Mường Những nét văn hóa độc đáo trong đám cưới của đồng bào dân tộc Mường Dân tộc Mường và những nét văn hóa đặc sắc Phản hồi Hà thu hồng Rất tuyệt Xem thêm Phản hồi Gửi đi Các tin/bài khác Người Phù Lá tổ chức quét ma làng Trang phục truyền thống dân tộc Thu Lao Lễ thổi tai của người Tây Nguyên Lễ cúng Rừng của đồng bào Nùng ở Xín Mần (Hà Giang)