Nghi lễ cấp sắc của người Pà Thẻn Hà Giang

(VOV5) - Lễ cúng cấp sắc là lễ cúng to nhất của người Pà Thẻn.

Dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang có khoảng trên 6 nghìn người, cư trú yếu trên địa bàn các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Quang Bình. Đồng bào dân tộc Pà Thẻn có rất nhiều nghi lễ và lễ hội cổ truyền như: Tết nguyên đán, Nghi lễ vòng đời; Nghi lễ liên quan đến nông nghiệp; Lễ cầu mưa; lễ cúng cơm mới; lễ cúng thần săn bắn, lễ kéo chày; lễ hội nhảy lửa... nhưng tiêu biểu và đặc trưng nhất vẫn là nghi lễ cấp sắc.

Do lối sống tập trung nên đồng bào Pà Thẻn luôn giữ được nét văn hoá, phong tục tập quán, cổ truyền gần như nguyên vẹn. Trong đó, Nghi lễ cấp sắc” (hành nghề thầy cúng) của người Pà Thẻn đã có từ xa xưa. Đối với người Pà Thẻn, lễ cấp sắc không phải là khẳng định sự trưởng thành của người đàn ông, mà là thể hiện sự công nhận được phép thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, được thần thánh phù hộ và được làm thầy cúng trong các nghi lễ cúng thần thánh, cúng tổ tiên...Vì vậy, mà chỉ có người đàn ông làm thầy cúng mới được cấp sắc.

Nghi lễ cấp sắc của người Pà Thẻn Hà Giang - ảnh 1 Nhảy lửa  là nghi lễ độc đáo của người Pà Thẻn ở Hà Giang. Mục đích của nghi lễ này tương tự như các nghi lễ cầu mùa, tạ ơn thần linh, mừng lúa mới của một số dân tộc khác.

Ông Phù Láo Sán, thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cho biết: Người đàn ông Pà Thẻn muốn được cấp sắc, làm nghề thầy cúng thì phải học cúng trong một thời gian dài vì đây là điều kiện bắt buộc trước khi được thực hiện nghi lễ Cấp sắc. Nghi lễ cấp sắc của người Pà Thẻn có hai loại là: Nghi lễ cấp sắc để được phép bói bệnh và nghi lễ cấp sắc hành nghề thầy cúng: “Làm theo phong tục của dân tộc mình. Để có một người thầy cúng phải làm lễ cấp sắc. Sau này tổ tiên sẽ ưng thuận cho người ấy làm nghề thầy cúng. Thời gian tổ chức Lễ cấp sắc là theo người thầy, người thầy tính đúng vào năm đấy, năm tốt, tháng tốt, ngày tốt… là báo cho gia đình chuẩn bị để làm lễ cấp sắc.”

Để tổ chức lễ cấp sắc, gia đình phải chuẩn bị 2 bộ quần áo đen, 1 bộ cho thầy cúng để tỏ lòng cảm ơn công dạy của thầy, 1 bộ cho người được cấp sắc và một số trang phục khác như khăn hoa, khăn đen cuốn đầu, vòng cổ, vòng tay, dây đeo chéo trắng, thắp lưng xanh để trang phục cho trò. Về thầy cúng gồm có 3 thầy 1 thầy cúng chính, 1 thầy cúng phụ giúp thầy cúng chính truyền nghề cho trò và 1 thầy cúng xin cấp lộc cho trò. Gia đình người được cấp sắc phải chọn thêm 4 người nữ biết nghề dệt thổ cẩm dân tộc và chuẩn bị tiền, rượu nếp, chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp, tẻ, để phục vụ cho lễ cấp sắc của mình.

Nghi lễ cấp sắc của người Pà Thẻn Hà Giang - ảnh 2Phụ nữ Pà Thẻn làm bánh để dâng lên tổ tiên trong lễ cúng. - Ảnh: Báo Nhân Dân 

Nghệ nhân Tẩn Hùng Vượng, thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cho biết: “Làm lễ cấp sắc là theo duy tâm để bảo vệ và giải cứu con người, nếu cảm thấy cứu được là phải làm. Chúng tôi luôn tuyên truyền để thế hệ trẻ, hiểu được và bảo tồn lễ cấp sắc. Đây cũng là một hoạt động văn hóa để động viên tinh thần của đồng bào.”

Tại phần lễ chính, người được cấp sắc phải trải qua 8 bước của lễ cấp sắc cho học trò theo thứ tự như lập ghế cúng, đàn cúng; Chuẩn bị đồ lễ vật để làm lễ chính; bắt đầu làm lễ và đi qua các cơ quan xin dấu, xin lộc, xin quân cho học trò; Thầy cũng xin các thần linh, Thổ công, thổ địa, tà ma, tạ lễ để báo cáo xin dấu, xin lộc, cho học trò hành nghề cúng cứu người... Kết thúc lễ cấp sắc, thầy cúng phải thực hiện thêm hai lễ, đó là: Lễ trả ơn thần thánh và lễ cúng tổ tiên, bà mụ. Bảy ngày sau khi được cấp sắc, người được cấp sắc lại theo thầy đi làm lễ để tiếp tục học cúng. Vào dịp tết hàng năm, người được cấp sắc phải được đến nhà người thầy cúng đã cấp sắc cho mình để xin lộc và chúc tết vào ngày mùng 2 tết hằng năm, quà biếu thầy 2 dẻ xương sườn lợn và 2 chai rượu. Khi người thầy qua đời, người được cấp sắc phải mang 1 con gà trống để tạ và chịu tang như con cháu trong gia đình.

Bà Tạ Thị Hồng Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cho biết: “Xã Tân Thịnh rất quan tâm đến những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, đặc biệt là việc phục dựng lại lễ cấp sắc của đồng bào. Ngày từ đầu năm chúng tôi đã có kế hoạch để phát huy, bảo tồn và giữ gìn những nét văn hóa của nét văn hóa đặc trưng của đồng bào.

Lễ cúng cấp sắc là lễ cúng to nhất của người Pà Thẻn, vì vậy để tăng hiệu lực uy tín người được cấp sắc phải ngồi trên đàn cúng hai ngày, hai đêm khi thực hiện nghi lễ. Đây là một tập quán không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của ông cha về sự gắn kết cộng đồng, chia sẻ những điều tốt đẹp cho nhau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác