(VOV5) - Người có uy tín là các vị sư thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con Khmer đoàn kết, làm ăn.
Tỉnh Trà Vinh có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Hoa, Khmer, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 1/3 trong tổng số hơn 1 triệu dân số toàn tỉnh. Hiện, có gần 500 người Khmer được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là người có uy tín trong cộng đồng. Họ luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc Khmer và giúp đồng bào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Khmer có uy tín ở tỉnh Trà Vinh thuộc mọi thành phần trong xã hội, trong đó có rất đông người là cán bộ hưu trí, cán bộ công tác tại ấp, khóm, sư sãi, văn nghệ sĩ, những người sản xuất, kinh doanh giỏi. Những người Khmer có uy tín phối hợp với chính quyền, các đoàn thể ở tỉnh Trà Vinh tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”.
Thượng tọa Thạch Út, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, trụ trì chùa Ô Chhuc. - Ảnh: Ngọc Anh |
Ông Thạch Thanh Hải, người có uy tín ở ấp Cầu Tre, xã Long Thái, huyện Tiểu Cần, kể: "Trước đây, tôi làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Thái. Ở đây, người ta có câu chùa có Sư cả, xã có Bí thư. Tôi kết hợp với Ban nhân dân ấp, nhất là chỗ chùa gần gũi thăm nom nhân dân. Ở ấp có Hội đoàn kết giúp đỡ nhau khi có đám hiếu hỉ. Sư cả nhiệt tình tham gia Câu lạc bộ truyền thông. Nhà nước có chính sách gì mới thì nhằm ngày 15, 30 âm lịch, những ngày đồng bào Khmer đi chùa lễ phật, thì mình và sư cả vào đó kết hợp tuyên truyền, hiệu quả rất cao. Trước đây hộ nghèo ở ấp này nhiều lắm. Hiện tại hộ nghèo chỉ còn có 7 hộ, dự kiến năm nay thoát được 4 hộ nghèo nữa."
Người có uy tín là các vị sư thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con Khmer đoàn kết, làm ăn. Thượng tọa Thạch Út, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, trụ trì chùa Ô Chhuc, bộc bạch: "Mình dẫn dắt phật tử, vận động phật tử, bà con chấp hành tốt pháp luật, cố gắng thoát nghèo, đời sống vươn lên, không lười biếng, lao động là vinh quang. Giáo dục vận động con em học hành đến nơi đến chốn. Sư cũng vận động được 400 người đừng tin kẻ xấu."
Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sết, người có uy tín trong đồng bào Khmer. Ảnh: Ngọc Anh
|
Các vị sư sãi cũng đặc biệt quan tâm tới đời sống người dân, hỗ trợ, giúp đỡ những hộ khó khăn, ổn định cuộc sống. Đại đức Giang Sô Thanh, Chánh văn phòng Hội đoàn kết sư sãi huyện Trà Cú, trụ trì chùa Chrôi Tansa, cho biết: "Khi dịch COVID-19 phức tạp, sư phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các cấp, công an phát quà từ thiện, hỗ trợ quà từ thiện cho bà con gặp khó khăn. Quà, nhu yếu phẩm là: gạo, mì tôm, bột ngọt, đường… Sư vận động Mạnh Thường Quân và bỏ tiền của sư hỗ trợ bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về nhà ở. Năm nay, sư hỗ trợ xây được 12 căn nhà bà con đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng. Việc xây dựng nhà cho hộ nghèo triển khai từ năm 2015 và đang lên kế hoạch xây nhà tiếp cho bà con"
Đóng góp của những người có uy tín là các vị sư đã được người dân cảm phục, ghi nhận. Ông Kim Sơn, người dân ở ấp Chợ, xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần, bày tỏ: "Sư thuyết pháp, dạy đạo đời, sống tốt đời đẹp đạo, làm ăn kinh tế, giúp đỡ thương yêu nhau. Tỉnh Trà Vinh có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, cả 3 dân tộc rất đoàn kết."
Người có uy tín là giới văn nghệ sĩ ở tỉnh Trà Vinh còn có cách làm sáng tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Tiêu biểu như Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sết, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Khmer, nhà lý luận, phê bình sân khấu, có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Khmer. Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sết cho biết: "Nghệ thuật sân khấu, múa, văn học đó là những công trình tôi đã và đang làm. Những công trình nghiên cứu này đang được Trung ương đầu tư, in ấn và phổ biến toàn quốc. Việc làm hằng ngày của tôi là biên soạn, biên tập, xuất bản, chịu trách nhiệm về đặc san văn nghệ Khmer tỉnh Trà Vinh, là một đặc san bằng tiếng Khmer duy nhất của Nam Bộ dùng chung cho cả khu vực Nam Bộ. Tôi soạn giáo án dạy phong tục, lễ nghi dân tộc người Nam Bộ đã in thành sách giáo trình năm 2012."
Năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh xây dựng và thực hiện mô hình phong trào thi đua “Dân vận khéo” về: “Xây dựng lực lượng người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm nòng cốt ở cơ sở thật sự là điểm tựa của cộng đồng dân cư”. Năm 2022, tỉnh Trà Vinh tổ chức đưa người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đi giao lưu, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Những người Khmer có uy tín ở tỉnh Trà Vinh luôn đi đầu, nỗ lực, cống hiến công sức, trí tuệ, đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc, là chỗ dựa tinh thần cho đồng bào Khmer xây dựng phum sóc ấm no, yên bình.