(VOV5) - Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến chùa Vàm Ray, chùa Phnô Đôn, chùa Kompong Đung, chùa Ông Mẹt, chùa Long Trường.
Trà Vinh là mảnh đất có nhiều công trình kiến trúc nổi bật, trong đó không thể không nhắc đến chùa chiền. Tỉnh Trà Vinh có hệ thống chùa Khmer đồ sộ nhất cả nước với 143 ngôi chùa, mỗi ngôi chùa đều mang đậm bản sắc văn hóa Khmer và có nét đặc trưng riêng. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến chùa Vàm Ray, Chùa Phnô Đôn, chùa Kompong Đung, chùa Ông Mẹt, chùa Long Trường.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngôi chùa Khmer Nam Bộ thường có các hạng mục: cổng chùa, chánh điện, nhà tăng, nhà hội, giảng đường, tháp đựng cốt… Chính điện là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc trang trí của người Khmer. Vì vậy, chính điện được xây dựng theo đúng quy cách, kích thước nhất định, như: chiều dài bằng hai lần chiều rộng, chiều cao bằng chiều dài, mái và thân là hai phần bằng nhau và có hành lang bao quanh điện.
Chánh điện chùa Vàm Ray. |
Chùa Vàm Ray, nằm ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, được xem là ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất của người Khmer nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng. Nhìn từ xa chùa Vàm Ray giống như một cung điện nguy nga, lộng lẫy. Toàn bộ chùa như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, từ cổng vào, mái vòm, bức tường, cầu thang cho đến những bức tượng, sân vườn,... Kiến trúc chùa Vàm Ray mang phong cách Angkor của Campuchia, kết hợp cùng kiến trúc Khmer độc đáo. Đặc biệt, tại khuôn viên chùa có bức tượng Đức Phật Thích Ca nằm, được sơn son thếp vàng, dài 54m, rộng 16m, cao 20m. Đây cũng chính là tượng Phật nằm ngoài trời lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Chùa Phnô Đôn (còn có tên là chùa Giồng Lớn hay chùa Cò) nằm ở xã Đại An, huyện Trà Cú, cũng là một trong những ngôi chùa đồ sộ và hoành tráng nhất tại tỉnh Trà Vinh. Là ngôi chùa duy nhất ở tỉnh Trà Vinh có nhiều cò về sinh sống nên ngôi chùa này cũng được ví như sân chim ở tỉnh Trà Vinh.
Toàn cảnh Chùa Âng nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Minh |
Chính điện chùa Phnô Đôn được thiết kế với mái uốn cong mô hình đuôi rồng. Đỉnh nhà nhọn và cao với hình tượng thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno,… đặc trưng của văn hóa Khmer tạo nên dấu ấn đặc biệt cho ngôi chùa. Sư cả Trương Văn Biển, trụ trì chùa Phnô Đôn, kể: "Chùa rộng gần 6 mẫu (60.000 m2), xây dựng năm 1677. Người Khmer chỉ có ngôi chùa để tu dưỡng tâm hồn của họ. Người Khmer đi lễ chùa các ngày 8, 15, 23, 30 âm lịch. Phật tử đều đến cúng đường, họ đem cơm, thực phẩm cúng đường cho các sư."
Huyện Trà Cú còn có một ngôi chùa nổi tiếng khác là chùa Long Trường tọa lạc ở ấp Long Trường, xã Tân Hiệp. Chùa Long Trường thường xuyên được chọn là nơi tổ chức các các lễ hội hằng năm của đồng bào Khmer. Ông Trương Dừa, người dân ấp Long Trường, cho biết: "Lễ hội Sen Dolta là lễ hội lớn tổ chức vào rằm tháng 8. Lễ Chol Thnam Thmay là lễ mừng năm mới tháng 4. Chùa này hình thành 185 năm rồi. Chùa có tượng phật nằm phật nhập cõi niết bàn, xung quanh có 80 vị la hán. Diện tích chùa trước đây rộng hơn 20 công (20.000 m2) nhưng giờ làm đường hết 2 công."
Tượng phật nằm ở chùa Long Trường |
Tại tỉnh Trà Vinh có 3 cổ tự (chùa cổ) và cũng là đại tự (chùa lớn), gồm: chùa Âng, chùa Hang và chùa Ông Mẹt, trong đó chùa Ông Mẹt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 2009. Chùa Ông Mẹt cũng là nơi đặt Văn phòng Trị sự của Phật giáo Khmer hệ phái Mahanikay. Chùa Hang, hơn 300 năm tuổi, nằm ở thị trấn Châu Thành. Tên gọi chùa Hang xuất phát từ hệ thống 3 chiếc cổng vào chùa được xây dựng như một cái hang tròn với cửa kiểu vòm độc đáo, khác biệt với nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Còn chùa Âng thuộc cụm danh thắng Ao Bà Om, chùa Âng, Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, tọa lạc tại phường 8, thành phố Trà Vinh. Nét độc đáo của chùa Âng là có ngôi tháp năm ngọn duy nhất trong các ngôi chùa Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Tháp năm ngọn thể hiện triết lý Ấn Độ giáo về vũ trụ, thiên nhiên và con người.
Huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có 15 chùa, trong đó chùa Kompong Đung, còn gọi là chùa Ô Đùng, là chùa tiêu biểu nhất. Thượng tọa Kim Mạnh, trụ trì chùa Kompong Đung, cho biết: "Chùa xây dựng năm 1719. Sự tích chùa đọc kong pong đôm, tiếng Khmer tức là cái bến dừa. Hồi trước, trước chùa có một bến nước bà con mang dừa buôn bán trao đổi hàng hóa, đặt tên theo sự tích bến dừa. Diện tích chùa gần 27 công, tức là gần 3 ha. Nghệ thuật Dù kê xuất phát từ chùa Ô Đùng. Hiện tại, sư trụ trì đời thứ 9 nhà chùa. Chính điện còn gọi là chùa chính để làm lễ xuất gia, lễ dâng y… còn các hạng mục khác là tăng xá, trai đường, thư viện, các phòng học."
Trà Vinh là vùng đất sinh sống lâu đời của người Khmer, nên người ta dễ dàng bắt gặp những ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Khmer. Không chỉ khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, những ngôi chùa ở tỉnh Trà Vinh còn là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa độc đáo của người Khmer.