(VOV5) - Cũng như nhiều dân tộc khác, người Giáy coi trọng chuyện hôn nhân, coi trọng sự nối dõi dòng tộc. Trong hôn nhân, người Giáy ít quan tâm đến giàu hay nghèo, chủ yếu chú ý đến phẩm chất đạo đức và nền nếp gia phong hai bên.
|
Đám cưới của người Giáy (Ảnh:ubdt.gov.vn) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trước đây, chuyện hôn nhân của người Giáy đều là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Việc dựng vợ gả chồng của đồng bào Giáy không chỉ diễn ra trong làng mà còn sang các làng lân cận, nơi có bạn bè, họ hàng hoặc quen biết nhau, bởi vậy người Giáy có tục "tìm đối tượng ". Người ta "tìm đối tượng" bằng nhiều cách nhờ họ hàng, bạn bè hay người quen tìm giúp hoặc giới thiệu. Nhân những lúc nông nhàn thanh niên đi thăm họ hàng, bạn bè, người quen rồi họ gặp gỡ, tiếp xúc với nhau qua nhưng buổi hát giao duyên. Khi có tình cảm họ mới về thưa chuyện với cha mẹ để đi đến hôn nhân . Một đám cưới của người Giáy được tổ chức theo đúng nghi lễ phải qua các bước như: dạm hỏi (xam dà, xam pấu), lễ ăn hỏi (cun cơ lý), đám cưới (cun láu). Ông Sần Cháng, ở bản Tả Van Giáy, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Nếu biết nhau rồi thì chuyện xem mặt, xem nhà là ko cần thiết. Nhưng nếu chưa biết nhau thì có tục "xem mặt, xem nhà". Với người con trai, việc xem mặt là quan trọng. Còn người con gái lại có nhu cầu xem nhà. Xem mình đi làm dâu ở nhà đó, có phải là gia đình gia giáo, gia phong như thế nào, hoàn cảnh ra sao. Nếu đồng ý, gia đình cô gái mới trao lá số, mà người Giáy gọi là thư mệnh, cho nhà trai. Lá số này nhà trai sẽ mang đến nhà một ông thầy cùng với lá số của chàng trai để xem có xung khắc không. Nếu lá số hai người hợp nhau thì nhà trai sẽ đưa một đôi gà đến để chính thức đặt vấn đề ăn hỏi".
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái là một cặp gà và vịt, một con lợn khoảng 40kg. Lễ ăn hỏi cũng chính là hôm để gia đình nhà gái thách cưới. Theo tục lệ của người Giáy, có 3 mức thách cưới: một là, thách rượu thịt để mời khách trong lễ cưới; hai là thách của hồi môn là vòng bạc, quần áo mới cho người con gái mang về nhà chồng; ba là thách thóc gạo cho bố mẹ cô gái vì đã có công dưỡng dục.Đồng bào Giáy quan niệm rằng đám cưới càng lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trẻ càng thiêng liêng, bền chặt. Do vậy đám cưới thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, là lúc không bận việc đồng áng, nên mọi người có thể tham gia lễ cưới đông đủ.
Lễ đón dâu của người Giáy gồm nhiều nghi lễ, tục lệ. Đoàn đi đón dâu phải có đủ các thành phần: 2 ông, 2 bà là bậc cao niên, có gia đình yên ấm và quan trong nhất là phải có tài ăn nói. Ông Sần Cháng cho biết trong đón dâu có một phù rể, hai cô gái chưa lập gia đình, một cậu em dắt ngựa cho chị dâu và có một đoàn người gồng gánh lễ vật: "Hôm đón dâu khi nhà trai đến, bên nhà gái dựng 2 cổng đón. Ở cổng có đặt một bàn chặn lại, trên bàn có 8 chén rượu. Đến đây, đoàn nhà trai và nhà gái hát đối đáp nhau. Sau khi hát xong, nhà trai phải uống cạn rượu. Nhà gái sau đó mới mở cổng cho nhà trai vào. Cổng ngoài ngày xưa các cụ còn chặt cây gai đặt ở chỗ bước vào hoặc lấy tổ kiến đặt trước. Đến cổng thứ hai cũng như vậy, nhưng nghi lễ đơn giản hơn. Sau đó nhà trai phải đưa lì xì để nhà gái cho vào".
Khi vào nhà gái đón dâu chú rể, phù rể phải làm lễ quỳ lạy trước bàn tổ tiên. Còn khi đưa dâu ra khỏi nhà gái thì cả chú rể, phù rể và cô dâu đều phải lạy tạ trước bàn thờ theo hướng dẫn của người già. Để đưa được cô dâu ra khỏi nhà gái những người bên nhà trai không những phải uống hết những khay rượu do nhà gái nấu ra mà còn phải giằng được cô dâu khỏi tay những người họ hàng nhà gái. Ông Cháng giải thích: "Lúc ra khỏi cửa nhà gái, có các chị em gái, thím, cô níu kéo, giằng co ở cửa để thể hiện tình cảm người ta không muốn mất người, phải giữ. Đấy là thủ tục, cũng phải có lì xì cho những người đó".
Trong lễ cưới, trang phục cưới của cô dâu, chú rể không khác nhiều so với ngày thường. Bà Vàng Thị Nòn, người Giáy ở Sapa, cho biết: "Lúc đi mang theo một cái vali, đựng quần áo, chăn màn. Mặc đồ của người Giáy, cũng chỉ áo viền, đội khăn, dây buộc tóc đỏ. Khăn trùm đầu trong đám cưới màu đỏ. Lúc đi mặc áo màu xanh, một đôi giày đi đường. Lúc đến nhà chồng lễ gia tiên thì mặc màu đen. Đôi giày đi đường không để cho mẹ chồng thấy. Lúc đưa đến nhà chồng thì các bà bên nhà gái giấu giày đi, mang về nhà bố mẹ đẻ".
Trước khi về nhà chồng, cô dâu phải đeo một cái gương ở trước ngực, một ít hành, tỏi, hạt giống và ôm theo một con gà. Chiếc gương có nghĩa là người con gái khi từ nhà đi là trong trắng như gương, ý nghĩa thứ 2 là để xua đuổi tà ma. Củ hành, củ tỏi, hạt giống tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Còn con gà phải là gà trống, vì người Giáy quan niệm đó là con vật thính nhất, tinh nhất để trừ tà ma, nên mang theo con gà để dẫn đường.
Với người Giáy, việc chọn giờ để cô dâu mới bước vào ngưỡng cửa rất quan trọng, có ý nghĩa là bước sang một cuộc đời mới. Do đó, nghi lễ đón con dâu vào nhà là điều không thể thiếu. Ông Hoàng Văn Ngan, ở Bát Xát, Lào Cai, cho biết: "Ở đây thường đón dâu vào ban đêm. Người ta thường chọn giờ sớm, chỉ có ít nhà trời sáng nhập gia, tối thiểu nhất là lúc tờ mờ sáng. Ở ngoài cửa, người ta làm một cái thang 3 bậc phủ vải đỏ lên, hai vợ chồng dắt tay nhau bước vào nhà để nhập gia. Gọi là bắc thang trèo qua cửa".
Sau khi bước qua ngưỡng cửa nhà chồng, cô dâu chú rể đi thẳng tới bàn thờ, quỳ xuống lễ gia tiên, xin phép được trở thành con cháu trong nhà. Chỉ khi làm lễ xong mẹ chồng mới được xuất hiện để đắt tay con dâu vào buồng bố mẹ chồng và các gian buồng khác trong nhà để cô dâu nhận đây là bố mẹ chồng, gia đình nhà chồng./.