(VOV5) - Việc cưới hỏi của người Ngái đã có sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể nên nhiều thủ tục phiền hà được lược bỏ.
Xóm Tam Thái (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là nơi tập trung đông nhất của cộng đồng người Ngái. Họ lập xóm sống quần tụ dưới chân núi Cái và núi Hột đã gần 100 năm nay. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, do điều kiện sinh sống khó khăn, 4 dòng họ người Ngái là Trần, Thẩm, Diệp và Lâm ở Hà Cối (tỉnh Quảng Ninh) quyết định di cư đi tìm miền đất mới sinh sống. Đến vùng Thái Nguyên, thấy đất đai màu mỡ, địa thế thuận lợi nên họ quyết định ở lại sinh cơ lập nghiệp từ đó cho đến nay. Trải qua nhiều biến động nét văn hóa của người Ngái đã được chính bà con ý thức thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, trong đó có phong tục cưới, hỏi.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trước đây, trai gái người Ngái lấy nhau thường là do cha mẹ sắp đặt, nhưng hiện nay phong tục này đã thay đổi, trai gái được tự do tìm hiểu để xây dựng gia đình.
Việc cưới hỏi của người Ngái diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Theo phong tục truyền thống của người Ngái, thì việc cưới hỏi chủ yếu do nhà trai chủ động. Nhà có con trai lớn, đến tuổi dựng vợ thì nhờ anh em, bạn bè xem có cô gái nào ưng ý thì giới thiệu cho.
Ở các địa phương mà người Ngái sống tập trung như xóm Tam Thái (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hay Lục Nam (Bắc Giang), bà con còn giữ được hình thức hát giao duyên, gọi là Sường cô hay Xướng ca. - Ảnh: VOV4. |
Việc cưới xin của người Ngái được tiến hành đủ các bước: Lễ dặm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. Khi chọn được dâu tương lai ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người thân làm mối mang lễ vật sang nhà gái để ngỏ lời (tức là lễ dặm hỏi).
Ông Thẩm Dịch Thọ, xóm Tam Thái, xã Thượng Hóa, huyện Đồng Hỷ, cho biết: "Hồi xưa chúng tôi cưới nhau do một người thím, mà gọi là bà mối. Biết cô gái đó tuổi như thế, tôi tuổi như vậy thì phải xem tuổi. Nếu hợp nhau thì bà mối đến nói chuyện với gia đình cô gái. Hai bên gia đình thống nhất đồng ý. 5’50khi được hai bên gia đình xem tuổi thông nhất đồng ý thì chúng tôi tiến hành đến chơi nhà. Gặp gỡ bố mẹ nhà gái, bạn gái nói chuyện.Nếu đồng ý thì sẽ xem ngày ăn hỏi."
Người Ngái có cách xem tuổi dựa theo thuyết ngũ hành. Nếu so tuổi thấy hợp, bà mối sẽ báo cho nhà gái biết việc xem lá số đã thành công bằng một lễ nhỏ. Sau 10 ngày, nếu nhà gái không đồng ý sẽ đem lễ vật đến trả nhà trai, nếu đồng ý sẽ không có ý kiến gì. Từ đó, đôi trai gái có thể tự do đi lại tìm hiểu nhau. Đây cũng là thời gian để bà mối thông báo, hỏi ý kiến nhà gái về cuộc hôn nhân và báo cho nhà trai biết để chuẩn bị lễ ăn hỏi.
Thiếu nữ dân tộc Ngái. - Ảnh Thegioidisan |
Cũng theo ông Thẩm Dịch Thọ, sau lễ so tuổi từ một đến ba tháng, nhà trai mang lễ vật để báo tin cho nhà gái ngày ăn hỏi:"Lễ ăn hỏi mình mang đôi gà, đấu gạo nếp và chai rượu và đồ để thờ tổ tiên bên ngoại. Một đôi gà hai đấu gạo nếp vì sẽ thành đôi thành cặp nên cái gì cũng phải là đôi vì hai người. Rượu cũng vậy, cũng một cặp. Rồi hai bên gia đình chuyện trò, ăn cơm với nhau, thống nhất ngày cưới." Ông Thọ nói,
Lễ cưới của người Ngái thường diễn trong hai ngày. Khi nhà trai đem lễ vật đã được ghi vào hôn thư trong lễ ăn hỏi sang nhà gái hôm trước thì hôm sau đi đón dâu. Các đồ lễ đều được dán giấy đỏ, tượng trưng cho màu của hạnh phúc, vui vẻ, đủ đầy. Đoàn dẫn lễ và đi đón dâu gồm: Một bà mối làm trưởng đoàn đại diện họ nhà trai nạp các lễ vật cho nhà gái, một ông mối phụ, một thanh niên trẻ bưng tráp trầu cau, một cô gái mang theo chiếc ô để phù dâu và một đoàn người khác.
Vào nhà, bà trưởng đoàn cùng một thanh niên bưng tráp trầu cau sắp đặt lên bàn thờ tổ tiên. Sau đó, bà trưởng bản làm lễ trình báo với tổ tiên nhà gái với nội dung: “Hai gia đình đã sinh thành hai cháu trưởng thành. Sự tìm hiểu của hai cháu đã thuận tình và được nhờ tổ ấm của gia đình, sự vun đắp của hai họ, hai gia đình đã chọn được ngày lành tháng tốt tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu...”.Nhà gái nhận đủ lễ vật xong, mời mọi người dự cưới ăn cơm. Sau đó, mọi người chúc mừng cô dâu, chú rể hạnh phúc và đưa cô dâu về nhà chồng.
Ông Thẩm Dịch Thọ cho biết:"Khi đón dâu về thì cũng làm lễ thắp hương gia tiên, bên nội bên ngoại. Rể thì thắp hương bên ngoại, dâu thì thắp hương bên nội. Sau ngày thứ 3 lại mặt thì hai bên gia đình rút kinh nghiệm."
Trước đây người Ngái ít khi lấy vợ hoặc chồng là người thuộc dân tộc khác, nhưng những năm gần đây người Ngái tự do hôn nhân nên việc dân tộc Ngái lấy vợ, chồng là người dân tộc khác cũng phổ biến. Chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của người Ngái đã được xác lập từ rất lâu, hiện tượng ly hôn hiếm khi xảy ra đối với các gia đình người Ngái.
Ngày nay, vai trò của ông mối, bà mối trong hôn nhân của người Ngái không quan trọng như trước vì hôn nhân của người Ngái không chỉ bó buộc trong nội tộc. Việc cưới hỏi của người Ngái đã có sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể nên nhiều thủ tục phiền hà được lược bỏ. Nhưng mỹ tục truyền thống của dân tộc như: tục lại mặt, tục chia vốn làm ăn cho con gái vẫn được người Ngái ở Thái Nguyên gìn giữ.