Phong tục văn hóa dân tộc Mạ

(VOV5) -Cũng như nhiều dân tộc khác, ngày nay do nhiều lý do khách quan và chủ quan, một số phong tục văn hóa truyền thống của bà con có phần bị mai một.

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt nam, đồng bào Mạ là dân tộc thiểu số  với dân số khoảng trên 40 nghìn người, cư trú ở 34 tình thành phố trong cả nước, song phần lớn cư trú tại các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai. Từ bao đời nay, người Mạ sống chủ yếu làm nương rẫy, vì vậy đồng bào còn giữ được nhiều phong tục tập quán tín ngưỡng văn hóa mang đậm dấu ấn của dân tộc mình.   

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cũng giống như các tộc người sinh sống ở cao nguyên Tây Nguyên hùng vĩ, người Mạ sinh sống tập trung theo từng làng gọi là Bon. Trước đây, mỗi Bon có từ 5-10 nhà sàn dài, là nơi cứ trú của gia đình lớn hay nhiều gia đình nhỏ có cùng quan hệ huyết thống. Mỗi gia đình đều có kho lúa và bếp ăn riêng. Tuy nhiên cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi , những ngôi nhà sàn dài không còn nhiều mà thay vào đó là những ngôi nhà sàn ngắn dành cho các gia đình nhỏ. Cũng như các  dân tộc ở Tây Nguyên, người Mạ có nét bản sắc  riêng, thể hiện trước hết ở các bộ trang phục truyền thống dệt bằng vải thổ cẩm.

 Phong tục văn hóa dân tộc Mạ        - ảnh 1 Người Mạ còn có một thể loại văn học truyền miệng là những truyện rừng- Ảnh: Báo Dân tộc miền núi

Theo phong tục truyền thống, những cô gái Mạ lên 9, lên 10 tuổi đã được Bà, Mẹ truyền nghề, dạy cách dệt thổ cẩm. Để dệt nên tấm thổ cẩm đẹp mắt, người Mạ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, lên khung rồi mới ngồi vào dệt. Chỉ với một bộ khung gồm nhiều thanh gỗ và tre đơn sơ, gọn nhẹ nhưng người Mạ đã tạo nên những tấm thổ cẩm với những đường nét hoa văn sinh động, màu sắc bắt mắt. Trên tấm thổ cẩm, bà con thường chọn dệt những hình thù đặc trưng của đồng bào như: cây cối, chim, muông thú, nhà sàn, cây nêu… Ngày nay, dù chỉ màu công nghiệp đã trở nên phổ biến nhưng bà con vẫn giữ cách trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt hoa văn truyền thống của ông, bà để lại.

Chị Ka Thoa, dân tộc Mạ ở Bon  Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Lên lớp 4 em đã được mẹ truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Bây giờ hầu như đã biết hết rồi, còn những cái công phu thì phải học hỏi thêm từ những người cao tuổi, những người già làng. Bởi vì dệt thổ cẩm, nghề truyền thống thì mình không thể bỏ, phải bảo tồn nghề của ông bà và giữ lại nét văn hóa của cha ông."

 Phong tục văn hóa dân tộc Mạ        - ảnh 2Trang phục và Cồng chiêng của người Mạ ở huyện Bảo Lâm tham gia biểu diễn nhiều nơi.-Ảnh Dulich.vn

Sự đa dạng về màu sắc, phong phú về hoa văn đã tạo nên nét đặc sắc trong trang phục thổ cẩm của đồng bào Mạ. Đó cũng là nét đẹp riêng có của thổ cẩm Mạ so với thổ cẩm của đồng bào các dân tộc khác trong cả nước.

Người Mạ từ bao đời sinh sống bằng nông nghiệp, họ quan niệm được mùa hay mất mùa, đói hay no là đều do Giàng ( trời) và do thần lúa, thần rừng , thần nước, thần giếng định đoạt. Từ quan niêm trên đây đã hình thành những phong tục tập quán tín ngưỡng các nghi lễ cúng tạ ơn các vị thần nông nghiệp. Những nghi lễ nông nghiệp thể hiện sự hài hòa giữa con người với các đấng thần linh.Đồng bảo tổ chức các nghi lễ cũng để tạ ơn các vị thần, cầu cho mưa thuận gió hòa vụ mùa được tươi tốt con người được khỏe mạnh.Nghi lễ cúng tạ ơn thần lúa được chuẩn bị cả tháng trời đồng bào dựng trang trí cây nêu, một ngôi nhà bằng tre nhỏ và chuẩn bị  đủ lễ vật với những con vật hiến sinh để làm lễ cúng.

Ông Nguyễn Đắc Lộc nhà nghiên cứ văn hóa dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Lễ vật gồm các con dê, gà, vịt và các ché rượu cần. Theo quan niệm của người Mạ : dê là đại diện cho rừng thiêng, vịt đại diện cho nước và gà đại diện cho cuộc sống thường nhật, vì thế 3 lễ vật này không thể thiếu trong lễ cúng."

Cộng đồng người Mạ có vốn văn học nghệ thuật dân gian khá phong phú gồm nhiều truyền thuyết, truyện cổ và những bài dân ca trữ tình gọi là "tam bớt".

Nhạc cụ truyền thống là bộ chiêng đồng 6 chiếc không núm. Khi hoà tấu có trống bịt da trâu đánh giáo đầu, giữ nhịp và đổ hồi trước khi kết thúc. Con trai Mạ thường thổi khèn bầu, sáo trúc, tù và bằng sừng trâu.Những sinh hoạt văn hóa văn nghệ thông qua những nhạc cụ độc đáo như: chiêng, trống, khèn bầu…trong đó nghệ thuật đánh cồng chiêng có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của bà con, theo quan niệm của người Mạ xưa, các chiêng cũng có đời sống tinh thần như con người  có luc vui, lúc buồn,,,giống như con người,

Cũng như nhiều dân tộc khác, ngày nay do nhiều lý do khách quan và chủ quan, một số phong tục văn hóa truyền thống của bà con có phần bị mai một. Trước đây, bà con theo tín ngưỡng đa thần nên thường có nhiều lễ nghi theo thời vụ, vòng đời con người. Hiện nay, nhiều hộ không theo tín ngưỡng đa thần nữa nên có rất nhiều nghi lễ, lễ hội mất dần.

Những năm gần đây, được sự giúp đỡ của ngành văn hóa các tỉnh nà con người Mạ cũng đã chú trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các lễ nghi và nghề truyền thống. Tại các tỉnh có đồng bào Mạ sinh sống, với việc thực hiện đề án “Bảo tồn lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ” nhiều phong tục văn hóa tốt đẹp của bà con đã được quan tâm, bảo tồn bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác