(VOV5) - Từ xa xưa các dân tộc ít người ở Tây Nguyên sống trên các vùng rừng núi cao, cuộc sống phần nhiều dựa vào thiên nhiên, từ đó hình thành các phong tục, tín ngưỡng truyền thống
Đã thành truyền thống hàng trăm năm nay, mỗi buôn làng các dân tộc ở Tây Nguyên đều có một già làng, là người đứng đầu buôn làng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thời trẻ họ có thể là những chiến binh dũng cảm, hay những người sản xuất giỏi. Về già, họ trở thành những già làng đầy quyền uy - cái quyền uy không mang dấu ấn của cường quyền mà xuất phát từ sự ngưỡng mộ, tôn sùng. Họ là kho báu về kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng xử và là trung tâm đoàn kết cộng đồng trong buôn làng.
Già làng A Huynh rất giởi về đan lát.- Ảnh: baokontum.com.vn |
Từ xa xưa các dân tộc ít người ở Tây Nguyên sống trên các vùng rừng núi cao, cuộc sống phần nhiều dựa vào thiên nhiên, từ đó hình thành các phong tục, tín ngưỡng truyền thống như tục: thờ thần mặt trời, thần lửa, thần nước, thần núi, thần sông, thần rừng, thần lúa…
Đồng bào tổ chức nghi lễ, lễ hội cầu mong các vị thần cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt mùa màng tốt tươi. Tuy nhiên cuộc sống nơi rừng núi cao, phải chống chọi với những bất thường đe dọa từ thiên nhiên, đòi hỏi phải có những con người có bản lĩnh, kinh nghiệm, có uy tín để đoàn kết cộng đồng đưa buôn làng vượt qua mọi khó khăn…
Có lẽ từ đó hình thành những người đứng đầu các buôn làng mà ngày nay được dân làng gọi một cách trân trọng và trìu mến là già làng. Một buôn làng có thể thiếu một vài chức danh, nhưng vai trò của già làng thì không thể thiếu một ngày, già làng là trung tâm giữ gìn sự đoàn kết, là người cầm trịch mọi sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của bà con buôn làng.
Cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, đối với người Ba na, quyền năng tối thượng là luật tục truyền thống, trong đó già làng là biểu tượng cho sự công minh, chính trực, người đứng ra phân xử mọi công việc của làng. Dân làng phải tuyệt đối chấp hành mọi sự sắp đặt của già làng. Tiến sỹ Bùi Văn Đạo nguyên viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, cho biết: Ngày xưa trong các phong tục của buôn làng dân tộc Ba na và phong tục đó thể hiện trong vai trò của già làng nằm trong tổ hòa giải có nhiều thành viên. Tùy theo từng vụ việc, trường hợp mà tổ hòa giải xem xét giải quyết. Xu hướng chung là hòa giải và có những răn đe mức độ để đương sự và người phạm lỗi rút kinh nghiệm.
Các già làng không phải là thần linh, nhưng luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Tối tối, trong những ngôi nhà sàn bình yên, bên bếp lửa hồng, những người già thường tới nhà già làng trò chuyện. Già làng là trung tâm đoàn kết, là kho báu kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm ứng xử. Ứng xử với thiên nhiên khi sấm sét, lũ lụt, khi mưa to, bão lớn, khi núi lở, sông cạn, khi có thú dữ quấy loạn, khi hạn hán kéo dài... Già làng là cuốn từ điển bách khoa, giúp cho con cháu biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng, cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.
Trong đời sống hàng ngày, người Ba na luôn lấy luật tục làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động…Cộng đồng căn cứ vào luật tục để giám sát lẫn nhau. Thành viên nào vi phạm luật tục thì già làng chiếu theo đó mà xét xử và khi ấy mọi thành viên bắt buộc phải tuân theo. Bà H’Đam dân tộc Ba na ở tỉnh Gia Lai, cho biết: Có một vấn đề gì cần đến sự quyết định của tập thể thì thành viên trong đội hòa giải tụ tập lại bàn bạc. Già làng sẽ đứng ra phân tich đúng hay sai hay cách giải quyết như vậy đã được hay chưa. Già làng sẽ là người quyết định chốt lại việc giải quyết vụ việc đó.
Theo tiến sỹ Bùi Văn Đạo, hiện nay tòa án phong tục trong công đồng Ba na không còn tồn tại, mà chỉ còn trong vai trò của già làng. Già làng chính là gạch nối giữa truyền thống và hiện tại. Những năm qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều cách làm hay trong việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín nhằm xây dựng tốt hệ thống chính trị cơ sở. Hơn 30 năm đổi mới, vai trò của già làng, người có uy tín vùng Tây Nguyên được công nhận và chú ý; mỗi buôn, làng đều được hướng dẫn cử ra một hoặc vài già làng phối hợp cùng chính quyền để vận động nhân dân. Nếu như trước đây, già làng chỉ có chức năng tín ngưỡng và duy trì phong tục tập quán, thì nay những già làng Tây Nguyên đã phối hợp tốt với hệ thống chính trị cơ sở động viên dân làng chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.