Tháng 3 ở Tây Nguyên đầy nắng và gió được du khách ngợi ca là khoảng thời gian đẹp nhất của vùng đất này và đây cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Bah Nar, Jơ Rai, Xơ Đăng, M’Nông, Êđê... lấy mùa Xuân là mùa của lễ hội sum vầy, cầu mong cho cuộc sống bình an, mùa màng bội thu, ấm no hạnh phúc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên bắt đầu từ đầu năm và và kéo dài hết tháng 3. Thời gian nay, đồng bào quay quần tại nhà rông, nhà văn hóa của buôn làng để làm lễ cúng thần, ăn uống, ca hát… cùng các hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nguyên.
Với đồng bào Xơ Đăng, những ngày lễ hội đầu năm là dịp để bà con cất lên tiếng hát, xướng lên những điệu cồng chiêng và kể những câu chuyện sử thi về dân tộc mình cũng như về cội nguồn của vùng đất Tây Nguyên.
Không gian Cồng chiêng, nét văn hóa nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa.- Ảnh Daclactourism |
Nhưng lễ hội của người Xơ Đăng thường liên quan đến đời sống nông nghiệp, trong đó có lễ ăn mừng lúa mới, lễ cầu mùa để tạ ơn thần lúa cho mùa màng bội thu. Lễ vật để cúng cho Thần linh bao giờ cũng có thịt heo, cơm nấu từ gạo của vụ mùa vừa kết thúc. Trong lễ cúng diễn ra tại Nhà Rông, Già làng báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong buôn làng cùng những đồ lễ mà bà con làm ra như cơm, thịt gà, thịt heo… Đồng thời cầu xin trời đất và thần linh giúp cho vụ mùa sau được mưa thuận gió hòa, cây trồng không bị dịch bệnh hay bị thú rừng phá hoại để mọi người có cuộc sống ấm no.
Ông A Khao, xã Đak Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết: Cả buôn tổ chức đánh goong, chiêng; nhà này, nhà kia, họ hàng mời nhau cùng ăn lúa mới, cùng ăn thịt gà, thịt heo. Trong 2 ngày, tất cả mọi người theo chỉ dạo của già làng cùng tập trung để vui lễ.
Ngôi nhà sàn Tây Nguyên trong một khu vườn sinh thái du lịch |
Người Jơ Rai và Bah Nar ở Tây Nguyên vào những ngày đầu năm thường tổ chức lễ Lih (còn gọi là lễ tạ ơn, lễ cầu sức khỏe). Lih là lễ cúng có từ lâu đời và được tổ chức để tạ ơn ông trời (Yang), trời đất đã cho đồng bào một mùa màng bội thu, hay tạ ơn công lao của cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng, hoặc những người có ân nghĩa với gia đình. Lễ Lih cũng được tổ chức để cầu sức khỏe, may mắn cho những người thân trong gia đình, buôn làng tránh khỏi bệnh tật, tai ương... Lễ vật là một con gà để cúng Yang, thần Lửa Pơtao; một con heo để cúng cho người được tạ ơn, được cầu sức khỏe, một con bò để mời họ hàng cùng đến ăn uống, sau đó chia thịt cho mỗi người đến dự lễ mang về. Khác với các lễ khác do cả làng cùng góp công của để làm thì lễ Lih chỉ làm theo từng hộ gia đình. Sau phần lễ kết thúc, mọi người cùng uống rượu, ăn mừng, trò chuyện vui vẻ.
Với đồng bào Ê Đê, dịp tháng 3 là lúc để họ tổ chức Lễ hội cầu mưa và Lễ kết nghĩa. Dịp này, già làng cùng bà con trong buôn chuẩn bị các vật dụng phục vụ lễ cúng như: cây nêu, tượng gỗ hình trâu bò; cùng các món ăn như: gạo nếp, cơm lam, thịt lợn, rượu cần... Nghi thức quan trọng nhất của Lễ cầu mưa là khi già làng khấn Yang cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con trai con gái khỏe mạnh.
Ông Aê H'ngưk, buôn Ayun, xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar, thành phố Buôn Mê Thuột, cho biết: Lễ cầu mưa của người Ê Đê là lễ cúng quan trọng của đồng bào. Chúng tôi cúng Yang để cầu cho mưa thuận, gió hòa, không bị thiên tai lũ cuốn, không bị hạn hán, từ đó cây lúa, cây ngô, cây cà phê phát triển được tốt thu hoạch được nhiều. Đây cũng là lễ chúng tôi duy trì từ nhiều đời nay, từ đời này qua đời khác cho con cháu."
Đồng bào dân tộc Bah Nah vào mùa xuân thường tổ chức lễ hội nước giọt, cúng thần nước giọt. Theo quan niệm của đồng bào, nước có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, do vậy trước khi tổ chức lễ hội, bà con sửa sang, dọn dẹp lại các giọt nước và sửa chữa lại nhà rông. Già làng sẽ định ngày làm lễ và thông báo cho dân làng để các gia đình cùng đóng góp lễ vật. Những ngày diễn ra lễ hội là những ngày dân làng sống trong không khí vui vẻ, đầm ấm và nếu du khách đến thăm buôn làng trong dịp này cũng được tiếp đón như những người thân lâu ngày trở về làng.
Dịp đầu năm, cũng là thời điểm các dân tộc ở Tây Nguyên tổ chức hoạt động lễ hội tâm linh khác như lễ bỏ mả, lễ đâm trâu… Lễ bỏ mả (pơ thi), được tổ chức để cúng vong linh người dưới mộ và các thần linh, với mục đích cầu xin các vị thần phù hộ cho linh hồn những người quá cố. Sau khi khấn vái xong, người ta tin là linh hồn người chết dưới mộ đã hài lòng và chịu nhận lời cầu nguyện, mọi người bắt đầu ăn uống và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…Trong khi đó Lễ Đâm trâu là nghi lễ độc đáo trong các ngày hội lớn của buôn làng như: Mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa...
Đó là ngày hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống xa xưa của người Tây nguyên.