(VOV5) - Là cư dân sinh sống hàng trăm năm ở vùng rừng núi cao Tây Bắc, đồng bào dân tộc Hà Nhì sớm có ý thức gắn bó với núi rừng, sông suối. Trong đời sống, đồng bào coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, còn suối nước là là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Bởi vậy, từ xa xưa đồng bào dân tộc Hà Nhì đã có tục giữ rừng, cúng rừng, bảo vệ nguồn nước. Tín ngưỡng thờ thần rừng, thần nước của người Hà Nhì như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ.
|
Ảnh: dantri.com.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong đời sống tâm linh, người Hà Nhì tin rằng : mọi vật đều có linh hồn ngự trị. Theo quan niệm dân gian của người Hà Nhì, các vị thần như thần rừng, thần nước, thần núi đều là những vị thần gần gũi với đời sống con người. Trong đó vị thần rừng, thần nước có ý nghĩa đặc biệt. Từ bao đời nay người Hà Nhì sống gần gũi với thiên nhiên và ngày nay vẫn giữ những luật tục nghiêm ngặt bảo vệ rừng, bảo vệ nguốn nước của cha ông để lại. Người Hà Nhì cho rằng : mỗi cánh rừng đều có một vị thần trị vì , là phúc thần của mỗi bản làng, do vậy vận mệnh của dân làng có mối liên hệ mật thiết tới sự tồn vong của khu rừng ấy. Đối với họ, rừng là mái nhà lớn che chở cho con người, bởi vậy mọi hành vi xâm phạm đối với rừng đều bị lên án và có những hình phạt thích đáng. Mỗi thôn bản của người Hà Nhì đều có khu rừng riêng và cộng đồng trong thôn bản đứng ra bảo vệ. Cái lý bảo vệ rừng của người Hà Nhì có từ lâu đời và trở thành luật tục nghiêm cẩn, mà bất cứ ai đều phải tuân thủ. Ông Nguyễn Hữu Sơn, cán bộ Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Lào Cai, cho biết: "Bao giờ mỗi một làng đều có khu rừng riêng và khu rừng này rất thiêng. Có khi trong rừng có nhiều củi mục, cây gãy, nhưng không ai dám vào lấy. Một năm chỉ có một lần đồng bào vào đây làm lễ cúng rừng, gọi là lễ cúng Già ma gio (tiếng Hà Nhì: «Già ma» là lợn cái, còn «gio» là cây cối).
|
Ảnh: dantri.com.vn |
Trong lễ cúng rừng hàng năm ở trước cửa rừng, người dân đặt một cây nứa, tiếng địa phương gọi là «Ta Leo» (biển cấm vào rừng). Đặc biệt, trong một năm có ba ngày cấm rất nghiêm ngặt để dân làng làm lễ cúng rừng, cúng làng. Trên chiếc «Taleo» những ngày cúng rừng, dân làng gắn chiếc móng lợn, mà ai vi phạm trong những ngày đó sẽ bị phạt một con lợn. Ông Lý So Chơ, dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: «Nếu cái móng con lợn cúng trước rừng này, thế ai mà làm xoay cái vật này thì bị phạt. Mấy ngày đó là dành cho ma cỏ, ma củi các thứ, người lạ không được vào. Qua ba ngày đó mới được vào rừng».
Theo truyền thống, vào lễ cúng rừng Già ma gio, đồng bào dâng gà, lợn để cúng cho thần rừng. Người Hà Nhì cho rằng : lợn là con vật linh thiêng để cúng thần, không phải là con vật để hiến tế, mà vật linh này sẽ sang sống với con người ở thế giới bên kia. Bởi vậy, hàng năm sau khi cúng tế, người Hà Nhì lưu giữ phần xương lại, như lưu giữ linh hồn của vị thần, phù hộ cho dân làng. Anh Chu Gi Tho , dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, cho biết: "Hàng năm diễn ra lễ hội cúng rừng của đồng bào Hà Nhì. Vào ngày cúng có xôi nếp nấu chín sẵn ở nhà rồi mang lên đây. Ngoài ra lợn, gà cũng được mang lên làm tại đây. Mục đích là để thần linh chứng kiến".
|
Thế hệ trẻ người Hà Nhì đã sớm được giáo dục về trách nhiệm giữ rừng (Ảnh: dienbientv.vn) |
Trong các làng bản của người Hà Nhì, việc quản lý các tài nguyên, bảo vệ đất đai, nguồn nước được đồng bào coi trọng. Sống trong môi trường tự nhiên rộng lớn, đất rộng, người thưa, người Hà Nhì có cách ứng xử nhân bản trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Người Hà Nhì có truyền thống trồng lúa trên ruộng bậc thang. Từ nhiều thế kỷ nay, đồng bào Hà Nhì đã tạo ra những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp trên các sườn núi dốc. Điều đặc biệt, những thửa ruộng này đều có hệ thống mương dẫn nước rất khoa học và khéo léo. Mỗi thửa ruộng đều có đường dẫn nước riêng và luôn có đủ nước. Người Hà Nhì còn biết sử dụng sức nước để làm cối giã gạo. Ở những làng bản của người Hà Nhì có những chiếc cối tuổi đời hàng chục năm vẫn hoạt động, giúp giảm đáng kể sức lao động của đồng bào. Những chiếc cối này sẽ còn được sử dụng khi rừng vẫn còn luật tục bảo vệ rừng.
Đi trong rừng nguyên sinh của đồng bào Hà Nhì như lạc vào không gian khác hẳn. Những khu rừng vẫn giữ được vẻ hoang sơ bí ẩn, chỉ nghe tiếng lá rừng, tiếng nước suối chảy như đưa con người vào chuyện cổ tích. Cứ nhìn những cánh rừng bạt ngàn xanh tầng tầng lớp lớp. Những cây gỗ lớn ba bốn người ôm không xuể trong rừng có thể thấy người dân ở đây ứng xử với rừng như thế nào. Luật tục bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước giữ cảnh quan thiên nhiên đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người Hà Nhì, trở thành phong tục, nét văn hoá đẹp của đồng bào dân tộc vùng cao.