Nghe âm thanh tại đây qua giọng đọc Hải Yến:
Từ xưa đến nay, trong những giai đoạn khó khăn nhất của con người, như dịch bệnh, như các cuộc chiến khốc liệt, âm nhạc luôn sát cánh bên chúng ta, cùng bầu bạn, tâm tình và sẻ chia. Âm nhạc là liều thuốc cho tinh thần, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Âm nhạc không chỉ nói thay cảm xúc của con người, mà còn khiến ta đồng cảm hơn với hoàn cảnh của những người xung quanh. Và giờ đây, khi mà con người đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, cuộc sống thiếu những giao tiếp xã hội, thiếu đi những cái ôm, những nụ hôn, thì âm nhạc vẫn ở bên, giúp chúng ta vơi đi bao ưu tư và cảm giác cô đơn.
Trần Tụ Long và Phan Tuyết Nga - Ảnh: fb nhân vật. |
Những ngày này, việc tiếp tục cách ly là biện pháp đúng đắn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng có lẽ đó cũng là điều mà chúng ta không ai mong muốn. Phải ở nhà trong một thời gian dài, với bốn bức tường, nhiều người sẽ khó tránh khỏi cảm giác bí bách.
Đó cũng chính là tâm sự của đôi bạn trẻ Trần Tụ Long và Phan Tuyết Nga, chủ nhân của các video hài hước trên mạng xã hội Tik Tok. Với hàng triệu lượt bình luận và chia sẻ, chắc chắn cặp đôi nhiệt huyết, vui tươi và tràn đầy năng lượng này đã không còn xa lạ với các cư dân mạng.
Hai bạn cũng chia sẻ rằng, thật may mắn vì chúng ta vẫn có âm nhạc ở bên để nâng đỡ tinh thần và làm cho cuộc sống trở nên nhiều màu sắc hơn. Những giai điệu ta yêu thích có thể tháo gỡ gánh nặng cảm xúc, giúp ta phục hồi và từng bước tái tạo năng lượng tích cực cho bản thân.
"Mình sẽ không sử dụng từ âm nhạc là một yếu tố quan trọng mà sẽ sử dụng là âm nhạc là một yếu tố bắt buộc phải có, không thể thiếu được. Bởi vì mọi yếu tố, mọi công việc sinh hoạt hàng ngày đều có liên quan đến âm nhạc, kể cả khi hai vợ chồng tập luyện, cũng cần phải có âm nhạc. Nó giống như chất kích thích để mình tập luyện hăng hái hơn, sảng khoái hơn. Bên cạnh yếu tố giải trí, nó còn là chất xúc tác về mặt cảm xúc. Thậm chí nó cũng là món ăn tinh thần, giống như mình ăn cơm sáng trưa tối. Khi mình gọi nó là một món ăn tinh thần, thì có nghĩa nó là một yếu tố gắn liền với cuộc sống không thể thiếu được." - Trần Tụ Long cho biết.
Có thể thấy rõ sự lạc quan, yêu đời của hai bạn khi chia sẻ về vai trò của âm nhạc. Âm nhạc nuôi dưỡng tinh thần, như bữa ăn hàng ngày nuôi cơ thể chúng ta vậy. Ví dụ ấy tuy đơn giản và có phần dí dỏm, nhưng đã nói lên được rất rõ tầm quan trọng của âm nhạc trong cuộc sống. Kể cả khi sản xuất nội dung các video trên mạng xã hội, hai bạn cũng luôn chú trọng yếu tố âm nhạc để có thể đẩy mạnh cảm xúc của khán giả lên nhiều nhất. Tụ Long nói: "Trong rất nhiều cách để truyền tải thông tin thì âm nhạc không khác gì một lời nói tác động thẳng đến tâm trí. Mình muốn truyền tải điều gì, mình hoàn toàn có thể dùng âm nhạc để gửi gắm điều đấy đến đối phương, đến người lắng nghe mình được. Âm nhạc là một chất xúc tác rất mạnh để có thể đẩy được những thông điệp đó đến với khán giả một cách sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn."
Bên cạnh đó, trong những công việc hàng ngày, thời gian tập luyện thể thao, hay thậm chí là khi ngồi đọc sách, các bạn luôn có âm nhạc đồng hành. Tụ Long và Tuyết Nga cũng chia sẻ rằng, để giữ được tinh thần lạc quan như vậy không phải là điều quá khó: "Thực ra tôi nghĩ để cho mình cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi ở nhà cũng có rất nhiều cách. Ví dụ mình có thể nghe nhạc, tự tạo cho mình những thú vui, chứ không phải cứ nghĩ là ở nhà mình rất bí bách. Đôi khi ở nhà mình có thể dành nhiều thời gian cho gia đình mình hơn, mình gần gũi với người thân hơn, thì lúc đó tư duy của mình sẽ thoải mái hơn." - Long chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Phi Thông, DJ tự do tại TP HCM - Ảnh: Fb nhân vật. |
Âm nhạc còn là tiếng lòng đồng điệu, là cầu nối sẻ chia, giúp chúng ta bộc bạch những điều khó nói. Thời gian này, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, còn thành phố Hồ Chí Minh cũng phải gồng mình chống dịch, nỗi lo có lẽ đang bao trùm khắp mọi nơi. Cùng với đó là cảm giác buồn chán khi hàng ngày phải ở nhà, trong không gian với bốn bức tường. Có những cảm xúc thật khó nói mà nhiều khi chẳng thể tâm sự cùng gia đình. Có nỗi cô đơn mà những người đang sống một mình đến giờ mới thấm thía. Có nỗi nhớ những người bạn thân đã lâu không được gặp mặt.
Như bạn Nguyễn Hoàng Phi Thông, một DJ tự do tại thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Hiện tại mình ở chung cư. Các chung cư đang bị giãn cách xã hội nên cũng hạn chế ra ngoài. Bình thường các khu chung cư đều rất đông, rất ồn ào. Nói chung rất là vui, ra vào rất nhiều. Nhưng mà từ hồi dịch cho tới giờ thì nó im lặng, không có ai ra vào hết, chỉ có người giao hàng thôi nên rất buồn. Bản chất mình là người Sài Gòn, mà phải sống ở khu vực như vậy thì mình thấy buồn chán. Thậm chí là ở khu chung cư thành phố mà tối ngủ còn nghe thấy tiếng dế kêu."
Nguyễn Hoàng Phi Thông chính là một trong những bạn trẻ đã tổ chức sự kiện âm nhạc ngoài ban công tại chung cư Masteri, Thảo Điền thu hút sự chú ý của rất nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh tuần qua. Sự kiện tuy nhỏ và đơn giản nhưng lại như một luồng gió mới, đem đến một chút vui tươi, hồi nhiên sau những lo lắng, ưu tư trong giai đoạn dịch bệnh.
Những căn hộ đang yên ắng bỗng sáng đèn, cùng hoà nhịp sôi nổi với tiếng nhạc, tiếng cười, cụng ly hay tiếng kèn. Đó chính là khoảng thời gian để mọi người được gắn kết, cùng hoà chung một cảm xúc vui vẻ và xích lại gần nhau hơn.
Nói về ý tưởng tổ chức sự kiện này, Nguyễn Hoàng Phi Thông cho biết: "Mình nghĩ ra ý tưởng này vì đơn giản là mình thường thường cuối tuần hay đi chơi. Hôm đó là chủ nhật mình không đi đâu được. Trước đó buổi tối mình thấy có một nhà họ ra ban công đứng hát. Nên mình nghĩ là mình mang dj ra ngoài đánh cho vui. Thực sự khi làm, mình thấy rất vui vì hầu như tất cả mọi người đều hưởng ứng. Tại vì dân Sài Gòn mà, đa số mọi người đều vui chơi thoải mái cuối tuần nhưng mà lâu quá rồi giãn cách nên không có ra ngoài chơi được. Nên khi thấy có người mở nhạc thì mọi người cũng hưởng ứng, nói chung là rất vui."
Âm nhạc là ngôn ngữ mà tất cả chúng ta đều có thể hiểu được. Cảm xúc, rung động mà âm nhạc mang đến cho con người không phân biệt chủng tộc, tuổi tác hay giới tính. Những giai điệu nhạc có thể xóa mờ rào cản, khoảng cách, tạo ra mối liên kết tinh thần giữa người với người. Không những vậy, một điều đặc biệt nữa mà chỉ âm nhạc mới có thể làm được, đó chính là lan toả tình yêu thương. Âm nhạc thay thế những cảm xúc tiêu cực như phẫn nộ, thất vọng, đau khổ bằng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Và chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng tốt hơn nhờ những rung cảm tích cực này.
Nhạc sĩ jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn trong đêm nhạc tại khu dã chiến cho bác sĩ và bệnh nhân. - Ảnh: Quỷ Cốc Tử/vov5.vn |
Như khoảnh khắc nhạc sĩ jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn thổi lên bài Quê hương, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, đó có lẽ chính là giây phút vô cùng đặc biệt với các bác sĩ và bệnh nhân tại sân khu dã chiến số 3 và số 6 thành phố Hồ Chí Minh. Giai điệu cất lên khiến người nghe cảm thấy rưng rưng, bao nỗi niềm chất chứa trong lòng như muốn trào dâng, nhưng cũng chính từ đó mà những người tuyến đầu chống dịch, và cả người bệnh đã tìm được sự an ủi, động viên, và tìm được sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến với dịch bệnh.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng cả chương trình đó, cùng với các nghệ sĩ thì Trần Mạnh Tuấn có thể một phần nào dịu bớt được những muộn phiền về dịch bệnh, lo toan về đời sống rồi là sự nhớ nhung đối với gia đình, được thư giãn, được cảm thấy an nhiên hơn."
Cách ly, giãn cách xã hội có lẽ là điều không ai mong muốn. Nhưng với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, càng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch, chúng ta càng sớm có thể quay về với cuộc sống bình thường. Để làm được điều này không thể thiếu được sự đồng lòng của mọi người dân Việt Nam. Và từ nay cho đến khi chúng ta được gặp mặt bạn bè, người thân, được trò chuyện, được nắm tay, ôm hôn, thì âm nhạc vẫn sẽ luôn ở bên, luôn nâng đỡ tâm hồn, giúp chúng ta cất lên tiếng lòng đồng điệu, và lan toả tình yêu thương đến với tất cả mọi người.