Nghe âm thanh bài tại đây:
Như nhiều người xa xứ, đã rất lâu, kể từ đại dịch covid đến giờ, Lê Minh Hà mới trở về Hà Nội. Hà Nội, điểm tựa của tuổi thơ, của thanh xuân, của một thời yêu – đẹp hay chưa đẹp thì cũng là nỗi nhớ, là ký ức, là tâm trạng, từng giọt chảy vào văn chương của chị.
Và bởi vậy, cuộc trở về bởi nỗi niềm với người thân ở nhà, cũng là dịp để chị giới thiệu ba đứa con tinh thần: ba cuốn sách - hai trong đó đã làm nên tên tuổi chị, giờ tái bản (“Gió tự thời khuất mặt”, “Phố vẫn gió”) và một mới chào đời trong những ngày đại dịch (“Những ta” - mà tên lúc thoạt đầu chị đặt và giới thiệu với bạn bè trên facebook, là Vọng).
Liên Việt và NXB Hội nhà văn đã đồng thời in bộ ba này, mối liên kết có hay không có, cũng kín đáo ẩn ý qua những sắc độ màu tím của ký ức, ở ba trang bìa do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện.
Điểm đặc biệt, “Gió tự thời khuất mặt”, mà bản in đầu tiên ra đời nhờ sự giúp đỡ của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, lần trở lại này được xuất hiện nguyên bản, trọn vẹn những con chữ, hơi văn Lê Minh Hà.
"Lần trước bị cắt xén nhiều. Mà lối viết của tôi không có đầu có cuối. Nhân vật của tôi không có tiểu sử, không có nhân diện, không ai biết xinh hay xấu. Nhân vật của tôi tự định hình chỉ bằng trí tuệ và tính cách. Vì thế cắt xén câu chữ biến thành một tập hợp những truyện ngắn nửa vời. Tôi rất mừng là lần này tái bản lại được trọn vẹn…” - Chị chia sẻ.
Đọc Lê Minh Hà, nhà phê bình văn học, PGS TS Đào Tuấn Ảnh nói: Lê Minh Hà đã ghi được dấu ấn văn chương của mình. Văn Lê Minh Hà có một giọng điệu riêng: đó là tư duy, bút pháp hướng nội. Chọn cách viết đi vào thế giới bên trong con người, dụng từ kỹ lưỡng. Bởi vậy, khi đọc “Những ta”, nhà phê bình Đào Tuấn Ảnh nhận thấy đây là dạng tiểu thuyết tâm trạng, thể hiện tâm trạng của một lớp người trẻ tuổi, chiêm nghiệm về mình, về thế giới mình đang sống. Cách viết của Lê Minh Hà gợi nhớ đến những tác giả như James Joyce, Marcel Proust..
Không phải ai cũng thích đọc Lê Minh Hà, nhưng chị có những độc giả trung thành. Điều đặc biệt mà bạn đọc và nhiều nhà phê bình văn học nhận thấy, là cách thức Lê Minh Hà tìm được những từ ngữ cũ, đã tưởng như mai một, và phổ vào nó một sức sống mới. Chị làm mới một tiếng Việt hiện đại, điều không dễ với nhiều nhà văn Việt xa xứ.
Vì với Lê Minh Hà, “trong nghệ thuật lao động kỳ khu cực kỳ nhọc nhằn. Và không chỉ dừng ở chuyện tài năng mà phải khổ luyện”: “Tôi bị tách rời với môi trường ngôn ngữ sống, làm cách nào để tôi tiệm cận với ngôn ngữ hiện nay đang dùng ở Việt Nam? Qua fb của các bạn trẻ, qua báo lá cải, qua các tác phẩm của các nhà văn trẻ…Ngôn ngữ là cái tôi có thể học được. Nói được giống như các bạn trẻ hiện nay. Con đường bổ sung vốn liếng chữ của một nhà văn là như vậy. Có thể trong hàng ngàn hàng vạn chữ, mới tòi ra 1 chữ riêng của mình…Một chữ riêng thôi chứ đừng mạnh miệng nói ta là người sáng tạo. Sáng tạo cũng bắt đầu từ sự kế thừa mà thôi.”
Một góc khán phòng buổi giới thiệu sách tại NXB Hội nhà văn - Ảnh: T.Loan |
Biên tập viên Nguyễn Thúy Loan (NXB Kim Đồng, người đã biên tập nhiều cuốn sách của Lê Minh Hà) chia sẻ: "Điều nổi bật nhất trong giọng văn Lê Minh Hà, đó là một tiếng Việt rất đẹp, thuần hậu. Và người ta đọc lên thấy không hiểu sao một người đã xa Việt Nam rất nhiều năm, sống ở một nước hiện đại, ngày ngày sử dụng tiếng nước ngoài mà vẫn giữ được tiếng Việt cơ bản, thuần hậu, đẹp đẽ. Và đặc biệt phong cách ngôn ngữ của người Hà Nội xưa, sự trong sáng của tiếng Việt.
Khi đọc văn của nhà văn Lê Minh Hà không chỉ đọc về câu chuyện, mà người ta có thể nói là chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôn từ, vẻ đẹp tâm hồn của người viết cũng như những nhân vật ở trong tác phẩm của chị. Đấy là điều tôi thấy nổi bật nhất và tạo ra ấn tượng khác nhất của Lê Minh Hà đối với các nhà văn khác.
Điều đặc biệt nữa là trong văn Lê Minh Hà rất ít đối thoại, nhưng thực ra trong lời tự sự lại bật lên đối thoại nội tâm của nhân vật và chính tác giả."
Trong đại dịch covid, khi cả thế giới biến động dữ dội với những âu lo nhân sinh và những thay đổi cơ học trong hình thức vận hành xã hội, bạn bè xa qua mạng xã hội kinh ngạc khi thấy Lê Minh Hà còn viết nhiều, viết đều hơn. Giải phóng mình khỏi mọi áp lực từ độc giả, Lê Minh Hà viết cho chính mình.
"Nếu đúng thì năm một cuốn. Nhưng với tôi, không có bản thảo nào dừng ở chuyện bắt đầu ngày này kết thúc ngày kia. Cuốn sách nào cũng là cuốn sách viết bằng cả đời người…Chuyện ngồi viết đơn giản là một thao tác vật lý. Tất cả nằm hết trong đầu. Nhưng khi covid, do nhiều yếu tố thao tác ấy nhanh hơn. Do đó tôi vẫn có rất nhiều bản thảo chưa công bố mà bắt đầu viết từ thời covid." - Lê Minh Hà nói -
"Tôi có một niềm tin rằng văn chương không bao giờ có thể thay thế cho báo chí…Tôi không bao giờ tìm cách đưa vào tác phẩm của mình những yếu tố có tính thời sự hay dừng ở giá trị thời sự. Thế nên, những cái tôi viết người ta có thể coi như một sự phản ánh một thời đoạn nào đó trong đời người. Không phải đời tôi, đời tôi thì nhàm tẻ lắm. Loài người nói chung cũng không. Tôi không quan tâm sâu xa, rộng lớn thế. Tôi quan tâm đến thời buổi, đến thế hệ mà tôi hiểu nhất, đến thời buổi mà tôi đã sống thật sự với nó. Sống vì phải sống. Và vì phải sống nên phải cố sống cho tốt nhất. Thế thôi.”
Nhà văn Lê Minh Hà và độc giả - Ảnh: Dịch giả Lê Quang |
Sự xuất hiện cùng một lúc bộ ba tác phẩm lần này của nữ nhà văn, khiến cho người mới đọc chị cũng sẽ thú vị phát hiện ra, dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhưng bởi chọn đi sâu vào bên trong con người, chọn lựa thể hiện tâm trạng và cảm giác, nên mỗi cuốn sách như mở ra một gương mặt khác của Lê Minh Hà, mà ở đó, Hà Nội mặc nhiên trở thành một điểm tựa ký ức của thuở hoa niên còn đầy rung cảm trong Những Ta.
Nhà văn Lê Minh Hà kể lại: "Cuốn thứ 3 lúc đầu tôi định đặt tên là Vọng.. sau đổi thành Vọng những tôi, khi in Lê Thiết Cương đổi thành Những ta. Một cách rất ngẫu nhiên nhưng tôi rất thú vị vì có những mối liên kết.
Mở đầu cuốn "Gió tự thời khuất mặt", tôi có lời đề từ là “Cho một Hà Nội nhọc nhằn và dịu dàng, một Hà Nội thiếu mà vẫn đủ, những mùa xanh xưa chúng ta."
Và kết thúc cuốn mới này, cuốn thứ ba, có đúng hai từ, viết xuống dòng:
Chúng ta!
Về mặt vật lý dường như chúng có mối liên kết với nhau rất chặt. Liên kết bởi vì "Gió tự thời khuất mặt" có một phần bối cảnh nông thôn Việt Nam thời chiến tranh. Nhưng phần phố cũng rất mạnh. "Phố vẫn gió" thì mọi người đã biết. "Những ta" hoàn toàn là Hà Nội thời tôi mới lớn.
Tuy nhiên đây không phải là một bộ ba tiểu thuyết, mà là ba cuốn sách khác hẳn nhau, ba gương mặt tách hẳn ra của một Lê Minh Hà. Nhưng nhân vật chính không phải là tôi. Tôi là toàn bộ các nhân vật, có xấu và có tốt, chỉ không có phản diện trong tác phẩm của tôi. Nhưng một trong những nhân vật chính lại có tên Ngân - tôi thích cái tên đó chỉ vì âm vang của nó…Nếu đọc thoáng thì sẽ thấy có sự liên kết vật lý, nhưng thực ra không phải vậy. Khi bình tĩnh đọc lại, tôi nhận ra hóa ra nó vẫn liên kết thật, bởi vì nó bắt đầu từ Lê Minh Hà, một Lê Minh Hà cũng hơi ngây ngốc, tạt ngang rẽ ngửa. Những gương mặt khác của cùng một thời - nhân vật ở đấy đều là một Lê Minh Hà từ xa vắng của một thời nhưng rất khác nhau.”
Lê Minh Hà sinh ra tại Hà Nội, hiện sinh sống và làm việc tại CHLB Đức. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm, từng giảng dạy tại Trường Hà Nội - Amsterdam. Đến nay, nhà văn Lê Minh Hà đã xuất bản 18 cuốn sách, bao gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết...