(VOV5) - Trong chợ nghệ thuật, chả ai buồn hỏi có phong cách New York hoặc Paris hoặc London hay không...
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phong cách nghệ thuật là một khái niệm đã được định hình. Nó thể hiện qua nhiều phương diện trong quá trình sáng tác, thường trước hết là về kĩ thuật, là cái dễ thấy nhất, rồi đến nền tảng triết lý và hình thức diễn đạt. Dùng những chấm màu nguyên nhỏ li ti đặt cạnh nhau để mắt người xem tự làm nốt việc hòa sắc, kĩ thuật sáng tác ấy làm nên phong cách pointilist.
Triết lý coi “khí vận sinh động” là phép vẽ cốt tử đã tạo nên phong cách hội họa cổ điển Trung Hoa khác biệt hẳn với phong cách hội họa cổ điển Tây phương coi vẽ là tái tạo thế giới ba chiều như mắt thường vẫn thấy trên mặt phẳng hai chiều.
Cùng diễn đạt cái cảm thức về không gian ba chiều, mà khi không theo luật viễn cận nữa mà mô phỏng quy ước như vẽ kỹ thuật và ứng vào thế giới tâm lý thì lại dẫn đến phong cách lập thể. Phong cách nghệ thuật hiểu theo thông lệ này, mà lại gán cho một địa phương thì chỉ hay thấy ở các nghệ thuật dân gian, các nghề thủ công mỹ nghệ – như ở ta thì thấy ở gốm Bát Tràng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, sứ Hải Dương…Hoặc chỉ thấy trong giai đoạn nghệ thuật vẫn được coi là một nghề thủ công, họa sỹ vẫn còn là thợ vẽ, kiến trúc sư vẫn là thợ xây dựng, như bên châu Âu từ thời Trung cổ cho đến thế kỷ 18, khi các thứ nghệ thuật vẫn được đào tạo theo kiểu thầy truyền nghề cho đệ tử đến ăn ở và làm việc cho mình. Màu sắc thì nghiền từ đất đá địa phương mà ra nên cũng mỗi nơi một khác. Tín ngưỡng và phong tục tập quán thời ấy cũng rất khác nhau ở từng địa phương. Cách nhìn cách cảm cách diễn đạt cũng theo đó mà khác biệt. Phần lớn thợ vẽ cả đời chả được nhìn thấy tác phẩm của đồng nghiệp nào ở những nơi khác. Ông thày giỏi nhất một vùng vẽ kiểu gì thì mấy thế hệ học trò kế tiếp cũng trung thành theo lối vẽ ấy. Cho nên hội họa ở Venice khác biệt với hội họa ở Florence một cách rõ ràng, và mới có phong cách Venetian và phong cách Florentine. Nhưng đó là từ thời Trung cổ và Phục hưng.
Đám cưới tại Cana (The Wedding at Cana) là kiệt tác tranh sơn dầu thời kỳ Phục hưng của danh họa Ý - Paolo Veronese, được vẽ năm 1563 cho tu viện Benedectine San Giorgio Maggiore ở Venice. |
Đến thế kỷ 20 thì thế giới phẳng dần, thiên hạ biết nhau cả, ở đâu cũng vẫn gọi được nhau, nhìn thấy nhau, cùng xài đồ siêu thị, xem tivi, đi xe máy xe hơi, mặc quần bò, dùng màu, giấy, vải… do công nghiệp sản xuất bán khắp thế giới, vẽ được gì thì đưa lên mạng cho nhau xem, không phải đi hàng ngàn dặm mới xem được một bức tranh hoặc nghe được một bản nhạc như ngày xưa nữa. Nghề nghiệp cũng thay đổi: thợ vẽ thì thành họa sỹ với đủ các thứ chức năng bí hiểm, kể cả cảnh báo tương lai; người kể chuyện hát rong thì thành nhà văn nhà thơ, cũng với đủ các chức năng tương tự. Đào hát thì thành ca sỹ. Vũ nữ thành nghệ sỹ múa. Hễ đã là nghệ sỹ thì tất yếu phải là cá nhân loại biệt. Học nghề cũng không bị thầy cầm tay chỉ việc như xưa nữa, mà tha hồ muốn làm gì thì làm. Mọi khuôn thước đều thành không cần thiết, thậm chí ngớ ngẩn.
Thành thử chỉ có phong cách cá nhân, không có phong cách của một trường nghệ thuật nào rõ rệt đến mức được gọi bằng tên của địa phương ấy như ngày xưa. Các trường phái ra đời do có một nhóm nghệ sỹ cùng chí hướng và quan niệm cũng chỉ tồn tại được ít lâu vì các cá nhân ấy không thể không bất đồng sau một vài lần trò truyện và cùng làm việc. Phong cách nghệ thuật rút lại chỉ còn là của từng cá nhân nghệ sỹ.
Muốn khẳng định mình thì phải khác biệt. Mà phần lớn càng muốn khác biệt thì lại càng giống nhau, ở chỗ chỉ còn thấy cái nỗ lực muốn được khác biệt ấy thôi chứ hiếm thấy một nền tảng triết lý nghệ thuật nào có giá trị nhân bản xác đáng làm xương sống cho những lối diễn đạt xứng hợp với giá trị ấy. Vì bản thân cái gọi là “nhân bản” cũng không còn rõ ràng yên trí như xưa, khi cõi người còn có những niềm tin và lí tưởng để hướng đến, như cái Đẹp và cái Thiện. Nghệ sỹ đa phần ai cũng muốn làm một cá nhân tự do không phải ràng buộc với bất kì cái gì, kể cả gia đình, quê hương, cho đến chính bản thân mình. Trong chợ nghệ thuật, chả ai buồn hỏi có phong cách New York hoặc Paris hoặc London hay không làm gì. Có phong cách nghệ thuật Hà Nội hay không là một câu hỏi chất chứa nhiều ẩn ức về căn tính. Cảm thấy thiếu thì mới muốn đi tìm. Nhất là khi nghĩ mình đã có ngàn năm tuổi.
Nhưng đó là suy nghĩ theo cách hiểu đã thành thông lệ đối với khái niệm phong cách nghệ thuật. Còn với khái niệm bản sắc văn hóa Hà Nội trong nghệ thuật thì không phải theo thông lệ nào cả. Nhà thơ Inrasara có một câu giản dị rằng “Bản sắc là sự khác biệt”. Làm người mà lại không có gì khác biệt, ai cũng như ai, thì chán lắm, nên ai cũng muốn mình có cái gì đó khác biệt với người xung quanh. Ở mức cộng đồng và xã hội cũng thế.
Bức tranh Giai nhân trò chuyện trong vườn (1939) của danh họa Vũ Cao Đàm. |
Tôi đã tranh thủ hỏi vài chục người Hà Nội, phần nhiều có dính dáng đến nghệ thuật, và ai cũng trả lời rằng “Có chứ, nhất định là nghệ thuật Hà Nội có bản sắc riêng của nó chứ!” Người thạo văn chương thì dẫn ra các tác giả từ thời Tự lực văn đoàn cho đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải. Người thạo hội họa thì nhắc đến các họa sỹ thời Mỹ thuật Đông Dương, mà chỉ coi thế hệ ấy mới manh nha có bản sắc Hà Nội trong nghệ thuật của họ thôi.
Nhưng khi hỏi tiếp rằng thế thì cái bản sắc Hà Nội ấy là gì, nó thể hiện ra qua những yếu tố hoặc phương diện nào trong tác phẩm hoặc quá trình sáng tác, thì mọi người đều lúng túng, không ai khẳng định được một điều gì rõ ràng, chỉ mơ hồ với những tính từ như “pure”, “nhẹ nhàng”, “tinh tế”, “thanh lịch”, “nhã nhặn”…Còn tôi thì tin rằng người ở địa phương nào cũng có thể nghĩ về mình với những tính từ ấy. Những nhẹ nhàng tinh tế kiểu Hà Nội có khi còn bị coi là hời hợt, giả tạo chứ chả puya piếc gì.
Người Việt gốc rễ nặng, tranh cãi những chuyện kiểu này thì ai cũng thấy quê mình là hơn. Có điều Hà Nội đã có tiếng từ xưa là đất kinh kỳ thanh lịch, nên mọi người thường muốn coi thanh lịch nhã nhặn tinh tế là bản sắc của người Hà Nội. Nhưng từ xưa người Hà Nội cũng còn được gọi là dân “kẻ chợ”, mà cái chất chợ búa ấy đang ngày một bành trướng theo định hướng thị trường, khiến cái sơ khoáng tự nhiên ở những nơi xa xôi lại thành ra thanh lịch lạ lùng.