“Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á” đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với 81 tác phẩm mỹ thuật xuất sắc của 19 tác giả ở 13 quốc gia và vũng lãnh thổ châu Á và 8 tác giả Việt Nam.
“Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á” là sự kiện thể hiện tinh thần hội nhập, đăng cai tổ chức các hoạt động nghệ thuật tầm châu lục và thế giới của Việt Nam.
Quang cảnh triển lãm - Ảnh: Hà Nội mới. |
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh-Triển lãm, giám tuyển nghệ thuật cho biết, triển lãm lần này là ý tưởng mà ông ấp ủ từ nhiều năm trước. 81 tác phẩm của 27 nghệ sĩ tiêu biểu thuộc nhiều thế hệ đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á là kết quả của một quá trình tuyển chọn công phu.
Sau nhiều năm, lần đầu tiên công chúng yêu nghệ thuật có dịp tiếp cận với các tác phẩm hội họa, điêu khắc tiêu biểu xuất sắc... cùng những phong cách nghệ thuật và văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo, đặc sắc của nghệ sĩ châu Á.
Tranh Acrylic trên vải "Hơn cả mùa xuân" của tác giả Trần Lưu Hậu. |
Cùng với họa sĩ Vi Kiến Thành, họa sĩ Trịnh Tuân cũng tham gia với vai trò giám tuyển nghệ thuật. Là người từng đóng vai trò giám tuyển trong nhiều cuộc triển lãm, workshop mỹ thuật giữa Việt Nam và thế giới, họa sĩ Trịnh Tuân hiểu rất rõ tiêu chí tuyển chọn tác giả-tác phẩm mà triển lãm này đưa ra.
Anh nói: "Như tên của triển lãm là triển lãm các tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ tiêu biểu, thì chúng tôi đã định hình được các tên tuổi nằm trong tiêu chí này. Anh phải có những đóng góp nhất định và phải có sự công nhận của những người yêu nghệ thuật cũng như giới chuyên môn của từng quốc gia. Nên tiêu chí này không khó cho chúng tôi lựa chọn các tác giả. Trong triển lãm này chúng tôi đã quy tụ được rất nhiều tác phẩm đẹp của các nghệ sỹ nổi tiếng, đó cũng là động lực để chúng tôi đi tiếp và làm tiếp cuộc triển lãm thứ hai cũng như các cuộc sau đó"
Tác phẩm của họa sĩ Bangladesh Sadatuddin Ahmed Amil - Phút nghỉ ngơi của người phu xe - 102 x 122 cm - 2017 - Acrylic trên vải.jpg |
Những năm gần đây, các hoạt động giao lưu, trao đổi nghệ thuật giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ các nước trong khu vực và trên thế giới diễn ra ngày càng nhiều. Mỹ thuật không ngoại lệ, đã có những hoạt động rất sôi động và chất lượng. Nhiều triển lãm được tổ chức với nỗ lực của các cá nhân, nghệ sĩ, các nhóm hoạt động với tiêu chí nghệ thuật rõ ràng; hay những triển lãm giao lưu, trao đổi, trại sáng tác quốc tế tại Việt Nam cũng như hoạt động của các nghệ sĩ Việt Nam tại nước ngoài. Những dự án này không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong việc đẩy mạnh giao lưu, kích thích sáng tạo, hướng tới người xem trong nước, mà còn giới thiệu quảng bá mỹ thuật nước ta.
Tranh của họa sĩ Philippines Fil Delacruz: Phía sau của bông hoa - 149.86 x 177.8 cm - Sơn dầu trên vải
|
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: "Có thể nói đây là nét phác thảo toàn cảnh thu nhỏ của nghệ thuật châu Á, trong đó có Việt Nam. Có sự đa dạng về cách nhìn, rõ ràng là đang có thế giới khác, những câu chuyện khác trong tâm thức của người nghệ sỹ. Đương nhiên tùy vào nền văn hóa của mỗi quốc gia mà hình thành nên các thế hệ nghệ sỹ khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là tìm đến cái đẹp, cái đẹp bản thể và cái đẹp tự nhiên hay cái đẹp của thế giới, của trái đất mà chúng ta đang sống.
Tất nhiên sự lựa chọn này là tương đối bởi còn rất nhiều những khuynh hướng sáng tác khác xuất hiện trong vài thập kỷ vừa qua. Đây cũng là dịp để cho công chúng và những người làm trong giới mỹ thuật có thể có những tiếp cận, tìm hiểu và từ đó soi lại những công việc của mình, những quan niệm sáng tác, sự lựa chọn khuynh hướng và chất liệu sáng tác".
Nữ họa sĩ duy nhất được chọn cho triển lãm, bà Ragini Upadhyay Grela từ Nepal bên tác phẩm của bà. - Ảnh: Việt Văn/Báo Lao Động. |
Nữ họa sĩ người Nepal Ragini Upadhyay Grela tham dự triển lãm với chùm 3 tác phẩm cùng có chủ đề bảo vệ thiên nhiên, môi trường, trái đất, và cùng bắt đầu bằng hai từ “Công lý”: “Công lý cho tự do”, “Công lý cho tự nhiên” và “Công lý cho mẹ trái đất”.
Ragini Upadhyay Grela cho biết, các tác phẩm gần đây của chị là về chủ đề thế giới, trái đất là ngôi nhà cho mọi người sống ở đây bao gồm cả thiên nhiên, động vật. Mọi người đều có quyền sống với tự do và với công lý đầy đủ. Đã đến lúc và nghĩa vụ của chúng ta bây giờ là phải cứu lấy mẹ trái đất này, để đem đến tình yêu cho nhân loại và hòa bình trên trái đất:
"Hiện nay trên thế giới chúng ta đang chặt nhiều cây cối và lại sử dụng nhiều xe cộ, phương tiện giao thông hơn. Trong khi cây biến mất thì chúng ta lại thấy nhiều bánh xe, lốp xe hơn. Vì thế mà tôi nghĩ rằng người mẹ trái đất của mình đang phải chịu tổn thương rất nhiều. Tôi là nữ nghệ sỹ duy nhất tham gia triển lãm này, tôi hy vọng các nhà tổ chức của buổi triển lãm ngày hôm nay sẽ suy nghĩ thận trọng và quyết liệt hơn để làm thế nào đưa nghệ sỹ nữ vào những triển lãm sau nhiều hơn nữa" - Họa sĩ Ragini Upadhyay Grela cho biết.
Ngoài hai nghệ sỹ lão thành Trần Lưu Hậu và Tạ Quang Bạo, Việt Nam còn có sáu nghệ sĩ tham gia, họ đang là những gương mặt nổi bật của mỹ thuật đương đại gồm Đặng Xuân Hòa, Lê Quảng Hà, Đỗ Hoàng Tường, Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền và Trần Văn An. Các nghệ sĩ nước ta sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm cả sắp đặt, điêu khắc và tranh, trong khi 19 gương mặt tiêu biểu của nghệ sĩ nước ngoài chủ yếu giới thiệu các tác phẩm tranh.
Tác phẩm Phần còn lại của nghệ sĩ điêu khắc Trần Văn An |
Nghệ sỹ trẻ Trần Văn An tham gia triển lãm với chùm 5 tác phẩm điêu khắc, trong đó có 2 tác phẩm kích thước lớn và mang các chủ đề khác nhau mà nghệ sỹ ưng ý nhất trong giai đoạn sáng tác vừa qua của mình: "Với những nghệ sỹ trẻ thì đây là triển lãm rất bổ ích. Bởi ở triển lãm này có các thế hệ nghệ sỹ bậc thầy và thế hệ đàn anh, còn tôi là thế hệ nghệ sỹ đương thời-thế hệ trẻ được tham gia trưng bày tác phẩm cùng các thế hệ nghệ sỹ đi trước thì đó là vinh dự cho tôi.
Tôi có cơ hội được giao lưu nghệ thuật, được đưa những tác phẩm của mình ra với công chúng. Tôi biết được tác phẩm của các thế hệ đàn anh, ngược lại họ cũng biết được tác phẩm của tôi. Bởi các thế hệ nghệ sỹ khác nhau hoạt động nghệ thuật khác nhau thì ít có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của nhau, có thể hiểu và biết cách hoạt động nghệ thuật, kỹ thuật và cách tư duy nghệ thuật của nhau. Vì thế, đây là cơ hội rất tốt đối với nghệ sỹ trẻ như tôi".
Tác phẩm của học sĩ Myanmar U Lun Gywe, Những người đàn bà lấy nước, Acrylic, 91.44 x 121.92 cm.
|
Sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập quốc tế, mỹ thuật nước ta đã có những bước tiến dài, lật trang sang một thời kỳ mới của lịch sử nghệ thuật, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam mời được các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc tiêu biểu hàng đầu châu Á đến Hà Nội để giao lưu, gặp gỡ và trưng bày giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật.
Tác phẩm của họa sĩ Edi Sunaryo, người Indonesia có tên Cổ vật, 2019,130 x 120 cm, Sơn dầu trên vải
|
Đây cũng là lần đầu tiên công chúng yêu nghệ thuật trong nước được thưởng thức trực tiếp tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc hàng đầu châu Á ngay tại Hà Nội. Và nói như họa sĩ Trịnh Tuân, hy vọng triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á là một sự kiện nghệ thuật thú vị, khởi đầu cho những dự án nghệ thuật chất lượng cao, mang tầm cỡ quốc tế trong tương lai tại Việt Nam.
Những tiêu chí về sự giao thoa văn hóa, đặc trưng bản địa cùng chất lượng, uy tín nghệ thuật đã được thể hiện một cách rõ nét thông qua các tác phẩm của các nghệ sĩ hàng đầu như U Lun Gywe (Myanmar), Awang Damit Ahmad (Malaysia), Fil Delacruz (Philippines), Kamol Tassananchalee (Thái Lan), Edi Sunaryo (Indonesia), Reddy (Ấn Độ), Leo Hee Tong (Singapore), họa sĩ danh tiếng Trần Lưu Hậu và nhà điêu khắc nổi tiếng Tạ Quang Bạo. Người xem còn có cơ hội thưởng lãm các tác phẩm của các họa sĩ, nghệ sĩ kế cận, một lực lượng sẽ là những gương mặt đại diện cho nền nghệ thuật quốc gia trong tương lai như Ng Bee (Malaysia), Steven Rendall (Úc), Sadatuddin Ahmed Amil (Bangladesh), Chan Sai-Lok (Hồng Kông-Trung Quốc), Bharath Sayam Yadav (Ấn Độ), Eddy Sulistyo (Indonesia), Jun Ogata (Nhật Bản), Buddy Ching (Philippines), Yeo Siak Goon (Singapore), Wattanachot Tungateja (Thái Lan).