Nghe âm thanh tản văn tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:
Một khuôn bánh thuẫn không phải để đổ bánh thuẫn, mà được đặt trên cái bàn sang trọng trong một quán cà phê sành điệu ở Hà Nội, với nhiệm vụ là… đĩa đựng chocolate. Để rồi miên man một nỗi bâng khuâng...
Khuôn bánh thuẫn từng là thứ quý giá một thời. |
Khuôn bánh thuẫn từng là thứ quý giá một thời. Cả xóm tôi chỉ hai nhà có khuôn bánh thuẫn. Cái khuôn bằng đồng vàng óng nặng trịch được cất kỹ lắm, mỗi năm chỉ xuất hiện một lần trong những ngày giáp tết. Chừng 20 tháng Chạp, đàn bà trong xóm lên lịch đổ bánh để mượn khuôn. Phải lên lịch chứ, hôm nay nhà tôi đổ bánh, ngày mai nhà bà A, ngày mốt nhà bà B, nếu không là nháo nhác ngay. Nhà nào cũng đổ mấy trăm bánh, mất cả buổi, cả ngày. Cái khuôn bận rộn chạy vòng quanh. Có nhà phải tranh thủ đổ bánh buổi tối khuya vì hẹn muộn, không còn ngày còn giờ, mà Tết thì đã kíp đến nơi rồi.
Tết hồi đó sao mà bận rộn. Lo Tết là lo trước cả mấy tháng, có khi vừa xong Tết này đã lo chuẩn bị cho Tết sau! Chỉ cần kể nội cái vụ lo đổ bánh thuẫn ăn Tết là đã thấy rộng dài ngày tháng: Đầu năm trồng bình tinh (có nơi gọi mình tinh, mì tinh, cây họ dong), đợi tới cận tháng Chạp thì nhổ củ, lột vỏ, mang đi xay rồi lọc lấy bột, phơi khô, cất vào khạp. Đường trắng hiếm hoi, nên phải mua tích trữ trước Tết hàng tháng trời. Chỉ trứng gà là dễ, nhà nào mà không nuôi vài con gà đẻ. Trứng gà thì không trữ, mà chọn những quả càng tươi bánh càng ngon.
Bình tinh có vẻ như giờ ít người trồng, chứ hồi xưa, xóm tôi nhà nào cũng có vạt bình tinh để dành Tết. Ai thèm thì đào trước vài bụi luộc ăn chơi, chờ tới lúc nhổ trọn mới mang xay làm bột. Nhà nào dư giả bột bình tinh, rang bột mà đóng bánh in thì thôi rồi là ngon, không loại bánh in nào theo kịp. Nhà nào không làm được bột bình tinh thì phải mua-xin-năn nỉ xóm giềng san sẻ cho một ít, mới có mẻ bánh thuẫn mà ăn Tết cho ra Tết!
Mà Tết thì có cao lương mỹ vị gì đâu, toàn thứ nhà trồng được, nuôi được, làm được: bánh thuẫn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa. Tới nhà nào cũng bày ra tiếp khách chừng đó thứ. Chỉ khác là nhà làm ngon - nhà làm dở, nhà làm đẹp - nhà làm xấu.
Mẹ tôi theo chồng về miền Trung, học cách đổ bánh thuẫn, đóng bánh in, làm mứt gừng, mứt dừa. Cũng chạy quanh xóm để mượn khuôn bánh thuẫn. Cũng lo tránh “vía nặng” để bánh nở đẹp! Thật lạ lùng cho niềm tin của con người. Nhưng hình như cũng từ những sự cả tin nho nhỏ ấy mà cuộc đời nhiều màu sắc hơn, lung linh hơn, rộn ràng hơn chăng? Như Tết vậy, nếu thiếu những nghi thức được tin theo một cách mặc nhiên đến mức thành niềm tin vô thức, thì có còn sự thành kính khi dâng lễ vật Tết lên tổ tiên, có còn cảm giác chộn rộn khi những ngày tháng Chạp trôi dần về cuối, có thấy lòng bỗng rưng rưng khi chuông đồng hồ điểm nhịp 12h trong đêm Giao thừa...
Ảnh: internet |
Được ăn bánh thuẫn thì thích, nhưng công việc đánh trứng thì đúng là cực nhọc với lũ con nít. Vì người lớn bận rộn, nên việc đánh trứng thường giao cho tụi con nít làm. Mà cả xóm tôi, thời đó, chỉ một nhà có cái cây đánh trứng bằng lò xo. Cái lò xo này chuyên dùng để đánh trứng làm bánh thuẫn, mỗi năm cũng chỉ được mang ra dùng dịp cuối năm. Vòng lò xo to ngang bát tô, chứ không phải loại phới đánh trứng bé ti teo nhà nào cũng có như bây giờ. Vì cả xóm chỉ có một cây đánh trứng ấy, nên hầu như mọi nhà phải chịu cách đánh trứng bằng đũa. Chập một nắm đũa lại, đánh cho tới khi thau trứng bông xốp, nhỏ vào chén nước tụ thành giọt nổi lên chứ không tan ra. Thử tưởng tượng những bàn tay trẻ con phải đánh tới khi nào trứng mới bông? Vậy mà cứ đánh, đứa này mỏi tay đứa khác thay, lâu lâu có người lớn đáo qua phụ một chút rồi đôn đáo chạy đi.
Món bánh thuẫn ấn tượng với tôi đến mức sau gần 40 năm, tôi vẫn nhớ cảm giác những ngón tay mỏi rời nắm cứng lấy bó đũa. Tôi nhớ cả cái công thức áng chừng khá là “nông dân” của món bánh này: 1kg bột + 1kg đường (có thể tăng thêm hay giảm đi tùy ý) + 10-12 trứng gà. Trứng đánh xong là tới công đoạn được mong chờ nhất trong quy trình làm bánh thuẫn: nướng bánh. Củi đã đốt thành than, tỏa hơi ấm sực trong tiết trời se se của ngày cuối năm. Đặt khuôn lên bếp, cời than cho đỏ, phủ lên nắp khuôn một lượt than cháy rực, nhúng cuống lá chuối vào chén dầu phết một lớp dầu mỏng vào khuôn, đợi nóng khuôn thì đổ bột vào, đậy nắp, và chờ. Khuôn bánh trái gì thường cũng có nhiều hình nhiều kiểu, nhưng riêng khuôn bánh thuẫn xưa nay tôi chỉ thấy một loại, đổ ra 12 cái bánh nho nhỏ hình các bông hoa, con giống. Nên mặc định hình dạng chiếc bánh thuẫn là như vậy, in vào trong trí nhớ. Và trong khi bánh nở trong khuôn thì người đổ bánh hồi hộp lắm. Hồi hộp lúc mở nắp khuôn, thấy bánh nở bung đầy khuôn thì mừng. Nhưng chưa hết lo. Hồi hộp lúc bẻ cái bánh ra, xem ruột bánh có xốp không, có mềm không, có bị lỗ to không, bột có bết có đặc không, có thơm không...
Lũ con nít sẽ đứng chờ quanh bếp, chờ bà – mẹ - chị cho nếm thử. Được ăn cái bánh thuẫn đầu tiên mới ra lò ấy là thấy Tết sắp đến thật rồi! Và chúng sẽ cùng vui với niềm vui của bà – mẹ - chị về mẻ bánh thành công, hoặc cùng buồn nếu mẻ bánh thất bại, vì chúng sẽ phải ăn những cái bánh hỏng suốt cả mùa Tết, những cái bánh chúng đã chờ đợi cả năm...
Xa miền Trung, trong một cái Tết nhớ nhung năm nào đó không còn rõ, tôi đã làm bánh thuẫn – không phải đổ bánh thuẫn – bằng bột mì và lò nướng điện. Bánh đã nở, đã xốp, đã thơm, nhưng ngon như một chiếc bánh bông lan, chứ không phải cái bánh thuẫn hoài niệm của tôi. Sau một cái Tết năm nào cũng không nhớ chính xác, tôi về miền Trung khi mùi Tết, màu Tết còn phảng phất, cô hàng xóm để dành cho mẹ tôi hai chục bánh thuẫn, nhất quyết bắt phải mang về. Cô vẫn giữ lệ, Tết nào cũng đổ bánh thuẫn, vì không có dĩa bánh thuẫn đặt lên bàn thờ thì không phải là ngày Tết.
Khi miếng bánh thuẫn tan thơm thơm trong miệng, tôi nhớ nôn nao những ngày cuối năm thời còn được làm con nít, mê mẩn ngồi bên cạnh mẹ trông mẻ bánh thuẫn, rồi phụ mẹ sấy bánh, rồi cẩn thận xếp từng cái bánh vào thúng, đậy kín, treo lên xà nhà. Những cái bánh sẽ giòn, sẽ thơm lựng cả gian nhà.
Và chúng tôi trông từng ngày cho tới Tết, bởi bắt đầu từ sáng mùng Một, sẽ được thoải mái mở thúng để ăn bánh bất cứ lúc nào lên cơn thèm. Mà Tết thì nhanh qua. Thúng bánh thì nhanh cạn. Tết sau thì còn lâu mới tới!
Những cái Tết ngày xưa đó, chỉ là chuyện đổ bánh thuẫn thôi mà rôm rả cả xóm. Nhà ai đổ bao nhiêu bánh, bánh nhà ai ngon, bánh nhà ai bị chai, bánh nhà ai sấy khô – bánh nhà ai không sấy – bánh nhà ai sấy bị cháy, bánh nhà ai có gừng, bánh nhà ai còn tanh trứng… cả xóm biết hết.
Rồi Tết. Tới nhà nào cũng thấy bày dĩa bánh thuẫn. Mùi bánh ngọt ngào quyện trong đủ thứ mùi thơm của Tết, làm cho ai cũng thấy Tết lắm. Rồi mời nhau nếm thử bánh nhà tôi coi ngon không, coi có ngon hơn năm ngoái không… Rồi nói chuyện chắc năm tới phải đổ thêm ít chục bánh nữa…
Vậy đó. Chuyện hồi xưa lơ xưa lắc rồi. Giờ nhà nào còn người già cầu kỳ, hoặc người trẻ hoài cổ mà rảnh rỗi mới đổ bánh thuẫn ăn Tết. Cũng chỉ đổ vài chục bánh để cúng ông bà tổ tiên cho đúng lệ xưa, chứ cái bánh này ngọt quá, giờ ít người thích ăn…
Thành ra mới có cái khuôn bánh thuẫn nhận lãnh phận sự làm vật trang trí lạ mắt trong quán cà phê tận Hà Nội, cho người ta ngắm nghía dò đoán, rồi chụp hình “nuôi” facebook.
Là vậy đó.
Cái khuôn bánh thuẫn thờ ơ nằm đó. Mà có người nhìn thấy nó, cứ bâng khuâng…