Phác thảo nhà thơ Hoàng Hữu - Nguồn: Báo Lao động |
Cuộc thi thơ Tuần báo Văn Nghệ (1981-1982) diễn ra trong bối cảnh “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng” (Thơ Trần Đăng Khoa). Dư âm cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đó. Biên giới phía Bắc va biên giới phía Tây Nam chưa yên tiếng súng. Chất anh hùng ca vẫn là âm hưởng chính trong các sáng tác văn học nghệ thuật. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhớ lại: “Giữa một rừng bài thơ chiến đấu ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, nổi lên Hai nửa vầng trăng. Bài thơ đã qua vòng sơ khảo để vào chung khảo. Ban chung khảo gồm có nhà thơ Xuân Diệu (trưởng ban) nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Phạm Tiến Duật, tôi và một số nhà thơ khác. Tất cả đều ấn tượng mạnh với Hai nửa vầng trăng. Ở thời điểm đó, hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn. Những câu chuyện tình yêu đôi lứa dường như vừa xa xỉ vừa xa lạ. Ban chung khảo đã có 6 cuộc thảo luận và ý kiến ban đầu là không đưa vào giải thưởng. Nhưng càng đọc thì càng thấy rằng không thể để bài thơ này ở ngoài giải thưởng.”
Hai nửa vầng trăng nằm trong di cảo Hoàng Hữu để lại. Khi biết có cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ, bạn bè ông ở Phú Thọ đã gửi bài thơ đi. Chính họ cũng không ngờ bài thơ lại đoạt giải cao và sau này được bạn đọc yêu mến, đón nhận rộng rãi đến vậy. Bác sỹ Nguyễn Tiến Thắng, người theo sát bệnh tình của nhà thơ cho biết, Hoàng Hữu bị hẹp van hai lá, suy tim độ 3. Ở thời điểm nhũng năm 70 đầu những năm 80 của thế kỉ trước, thuốc men, lương thực thực phẩm thiếu thốn, một trái tim yếu đuối như trái tim Hoàng Hữu có thể khiến ông ra đi bất cứ lúc nào. Và trên đường từ Việt Trì xuống Vĩnh Yên đón vợ con, Hoàng Hữu đã mất trên tay bác sỹ Nguyễn Tiến Thắng – người bạn thân thiết, cũng là ân nhân của mình.
Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời
Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Thắng, “Hai nửa vầng trăng ra đời ở nhà tôi, lúc đó chị Minh (vợ nhà thơ Hoàng Hữu) còn ghen D nửa với D hoa, nghi ông này yêu cô nào”. Nghi là phải lắm. Vì Hai nửa vầng trăng khác biệt hẳn, đứng cao hơn hẳn các sáng tác khác của Hoàng Hữu. Nó lại là một bài thơ tình đầy thăng hoa, dào dạt, ắp đầy hạnh phúc, cả sự khắc khoải đớn đau. Thường khi đã lấy nhau, tình yêu ẩn trong tình nghĩa vợ chồng, mấy ai còn nhận thấy cái nhịp đập rộn ràng của trái tim, cái đắm đuối không rời của nụ hôn trai gái. Đã thế lại còn liên tưởng đến chữ D.
Ai là D?
Cuộc tìm kiếm Nàng D hoa trong Hai nửa vầng trăng có lẽ chỉ dừng lại ở những thông tin úp trong một số bài báo. Úp mở nhưng lại miêu tả khá chi tiết một cuộc tình đơn phương của Hoàng Hữu. Úp mở nhưng lại ảnh hưởng không ít tới người trong cuộc. Nhiều năm sau, khi chuẩn bị tư liệu cho cuốn sách “Hoàng Hữu – Tác phẩm”, bà Nguyễn Thị Minh vợ nhà thơ Hoàng Hữu mới viết những dòng chia sẻ gửi đến bạn bè văn chương của chồng và người đọc.
Lá thư ngỏ có đoạn: “Sau 7 ngày anh Hoàng Hữu mất, Hội văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú tổ chức đêm thơ – họa tưởng niệm anh. Đêm hôm ấy các anh đến dự đông kín hội trường, anh Nguyễn Đình Ảnh đọc bài thơ “Hai nửa vầng trăng” và nói “bài thơ cuối cùng Hoàng Hữu viết gửi tặng chị Minh, vợ thân yêu của anh”. Đêm ấy về, tôi thao thức, không sao ngủ được bởi cái tên có chữ “D hoa” nào đó cứ ám ảnh tôi trong câu thơ “trăng đầu tháng có lần em ví…”. Và thế là tôi hờn giận ba ngày liền không thắp hương, cúng cơm anh. Khi biết tin, anh Huy Mai, Giám đốc bệnh viện Việt Trì, chạy sang chỉ vào mặt tôi mắng: “Em ngu thế, vì em nó mới có bài thơ hay như vậy!”. Nghe anh mắng, tôi vẫn lặng thinh. Sự hờn giận hồ đồ vô cớ, sự chậm hiểu này của tôi đã làm khổ Hoàng Hữu, làm khổ các anh từ bấy đến nay ước chừng 31 năm trời dằng dặc” (1981-2012).
Lá thư của bà Nguyễn Thị Minh đã xóa đi mọi nghi ngờ về một mối tình đơn phương nào đó, một người phụ nữ tên D nào đó. “Chữ D hoa như vầng trăng sẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời”. Thơ đơn giản hay phức tạp đôi khi không phụ thuộc vào người viết mà phụ thuộc vào người đọc. D là viết tắt tên cha mẹ đặt cho nhà thơ (Nguyễn Hữu Dũng).
Hoàng Hữu viết Hai nửa vầng trăng trước khi mất khoảng 4 tháng, trong những ngày đau yếu liên miên, trái tim yếu ớt nhiều khắc khoải, bệnh viện trở thành nhà, vợ con thì đang ở cách xa mấy chục cây số. Một cuộc hôn nhân ngắn ngủi, chỉ có 7 năm chung sống, với bao nỗi lo toan nghèo khó, bệnh tật. Những tháng ngày Hoàng Hữu mải miết vẽ bìa sách giữa cơn đau, để có thêm chút tiền trang trải cho việc học hàm thụ đại học ở dưới Hà Nội và phụ giúp vợ con. Những tháng ngày vợ chồng cùng chung bữa cơm đạm bạc, chung mái nhà cấp bốn đơn sơ hễ mưa to là dột. Để rồi khi ông không còn trên cuộc đời này nữa, người phụ nữ trẻ nén lại bao niềm thương nỗi nhớ, kiên trì làm việc và nuôi con ăn học thành người.
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng
Hai nửa vầng trăng là bài thơ Hoàng Hữu dành tặng người bạn đời Nguyễn Thị Minh. Nhìn ở góc độ này, ta lại thấy một vầng trăng tròn đầy - cái tình thủy chung, đầm ấm, viên mãn song cũng đầy khao khát và đớn đau đối với một trái tim yêu Hoàng Hữu. Những nhịp đập trong bài thơ này thật nồng nàn đắm đuối. Nó chẳng hề tốt đối với một trái tim đang đau. Nhưng cuộc đời là thế. Tình yêu là thế. Và nghệ thuật là thế. Nếu không có những dồn nén dữ dội, những khát khao bùng vỡ, thì không thể có những những khoảnh khắc dù ngắn ngủi nhưng mang dư vị của nghìn năm, những khoảnh khắc mà vì nó, người ta sẵn sàng đánh đổi bạc vàng châu báu, tuổi thọ, để được dự phần.
Và cuối cùng, suy cho cùng, có cần thiết phải băn khoăn, phải đi tìm một bóng hồng cụ thể liên quan? Một bài thơ hay, một câu thơ hay – đó là món quà vô giá mà cuộc đời dành tặng người viết và người đọc. Nó đến ở một khoảnh khắc bất ngờ nhất. Nhưng nếu trong lòng người viết không có vốn liếng văn hóa tích trữ, không có tài năng, không có nỗi niềm, không có những khát khao sâu thẳm cồn cào thì liệu người viết ấy có thể nắm bắt, có thể biến nó thành một cơ hội không lặp lại thứ hai trong đời? Vậy nên, để có được những câu thơ Trăng say đắm dào trên cỏ ướt, Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát… thì hẳn máu trong tim đã dồn đẩy, đã co bóp đến nghẹt thở.
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa, như đời anh một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…
Một tác phẩm khi đã đến với người đọc, nó không còn là độc quyền cảm xúc của nhà thơ nữa. Mỗi người, tùy theo thẩm mỹ, nhận thức, tính cách và vốn sống sẽ có những trải nghiệm riêng, những cảm nhận riêng. Hai nửa vầng trăng có thể ghép lại viên mãn, có thể khuất nửa trong nhau, hay dở dang, nhạt nhòa run rẩy… Song trên hết, đó là tinh thần của bài thơ, là vẻ đẹp vĩnh cửu của tình yêu mà tạo hóa đã ban cho con người. Sự vĩnh cửu của những khoảnh khắc được ẩn vào nhau và ở trong nhau.
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ?
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.